Xã hội
Cảnh báo tình trạng đuối nước ở trẻ em trong mùa hè
04:23 PM 06/07/2021
(LĐXH)- Đuối nước là tình trạng rất thường gặp, nhất là vào mùa hè, xảy ra trong khi các em tham gia các hoạt động dưới nước.
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh vừa tiếp nhận điều trị cho trường hợp bệnh nhi 4 tuổi, trú tại Cẩm Phả bị đuối nước.
Bệnh nhi được theo dõi điều trị tích cực trong 15 ngày. Ảnh: VTV
Gia đình bệnh nhi cho biết: Bé đi tắm biển, bị đuối nước khoảng 2 - 3 phút, được người nhà vớt lên trong tình trạng nôn nhiều. Sau 5 phút, bé xuất hiện tím tái, tri giác giảm dần được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả cấp cứu trong tình trạng tím tái, lơ mơ.
Bé được xử trí đặt nội khí quản, an thần, thở máy, kháng sinh, sau đó, chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh điều trị.
Ngay sau tiếp nhận, bệnh nhi được chỉ định nhập Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị. Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy: Hình ảnh mờ toàn bộ phổi trái do xẹp phổi, tràn dịch màng phổi phải lượng ít. Khí máu động mạch toan hô hấp, giảm nồng độ oxy trong máu.
Bệnh nhi được chẩn đoán: Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng (ARDS)/Viêm phổi/Đuối nước.
Các bác sĩ cho bệnh nhi thở máy, cùng các kĩ thuật hỗ trợ khác như các phương pháp nội soi phế quản cấp cứu, kháng sinh phối hợp.
Trong thời gian điều trị, bệnh diễn biến phức tạp: có lúc bệnh nhi sốt cao liên tục, tình trạng nhiễm trùng tăng cao, kém đáp ứng với kháng sinh, toan hô hấp giảm oxy máu kéo dài, kém đáp ứng với điều trị, X-quang phổi tiến triển xấu.
Bệnh nhân được hội chẩn thay kháng sinh, thực hiện các thủ thuật huy động phế nang. Sau 8 ngày thở máy và hồi sức tích cực, bệnh nhi đã cai được máy thở không còn phụ thuộc oxy. Hiện tại, sau điều trị ngày thứ 15, bệnh nhi ổn định hoàn toàn. Dự kiến sẽ ra viện trong ngày tới.
Khuyến cáo của chuyên gia
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: Điều quan trọng nhất trong thực hiện phòng, chống đuối nước cho trẻ em chính là ý thức của phụ huynh trong việc quan tâm chăm sóc, bảo vệ con, em mình.
Cần hiểu rõ, đối với trẻ nhỏ, việc quan tâm, theo sát các em là việc thường xuyên, liên tục, không thể lơ là, coi nhẹ, vì đôi khi sẽ phải trả giá rất đắt. Một phút sơ sẩy có thể trả giá bằng cả mạng sống của trẻ, hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề, ảnh hưởng lâu dài đến tương lai.
Muốn tránh được, giảm được tình trạng chết do đuối nước, theo các chuyên gia, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với việc học bơi, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ.
Đó là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh.
Khi trẻ có năng sống và kỹ năng ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo của cha mẹ cũng vơi bớt đi phần nào.
Hơn thế nữa, cần trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước: cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp, thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ.
Để phòng chống đuối nước với trẻ em, chuyên gia khuyến nghị, các địa phương cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước nổi.
Cụ thể, cần làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.
Các trường phổ thông cần đưa nội dung về phòng, chống đuối nước, thương tích ở trẻ em vào nhắc nhở thường xuyên trong các buổi sinh hoạt ở lớp, sinh hoạt chào cờ.
Theo số liệu thống kê, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của 360.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó, 90% số trường hợp xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Một nửa số trường hợp đuối nước xảy ra ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. 
Tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em  tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. 
Tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6%  (ao, hồ, sông, suối, hồ, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè./.
PV (tổng hợp)
Từ khóa: