Xã hội
Cao Bằng: Nỗ lực giảm nghèo bền vững
07:21 PM 30/01/2024
(LĐXH)- Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song tỉnh Cao Bằng đặc biệt quan tâm công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo, đảm bảm đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.

Tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn tỉnh

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, thuộc phía Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với Trung quốc dài 333,403 km. Diện tích đất tự nhiên là 6.724,6 km2, trong đó đất rừng núi chiếm hơn 90%. Dân số trên 537.978 người, trong đó hơn 95% là dân tộc thiểu số. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính, gồm 01 thành phố và 9 huyện; 161 xã, phường, thị trấn, trong đó có 7 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025; có 126 xã đặc biệt khó khăn, 996 thôn đặc biệt khó khăn.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 09/6/2022 về lãnh đạo thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; Ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phân bổ kinh phí, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo. Các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, huy động và lồng ghép các nguồn lực tham gia thực hiện Chương trình.
Cùng với đó, tỉnh Cao Bằng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chương trình MTQG giảm nghèo thông qua các hội nghị, cuộc họp, hội thảo đối thoại chính sách tại các cấp, từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân trong triển khai thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và chỉ đạo khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình ở cơ sở.

Tỉnh đã kịp thời phân bổ kinh phí cho các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững như: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo... Tuy nhiên năm 2022 là năm đầu tiên được giao vốn triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, vốn giao chậm; vốn thực hiện Tiểu dự án 2 (thuộc Dự án 3) và Dự án 5 chưa được bố trí. Năm 2023 vốn được giao từ đầu năm, song kinh phí cấp cho từng dự án, tiểu dự án bố trí chưa đáp ứng theo nhu cầu của địa phương, một số tiểu dự án nhu cầu vốn thấp nhưng được bố trí kinh phí cao, khi dôi dư kinh phí không được điều chỉnh cho các dự án khác, như kinh phí hỗ trợ dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo (Dự án 2) và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Tiểu dự án 1 - Dự án 3); kinh phí hỗ trợ nội dung sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị đào tạo (Tiểu dự án 1 - Dự án 4). Do vậy, một số đơn vị không thực hiện được.

Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo chung và chính sách xã hội như: chính sách hỗ trợ về y tế, nhà ở, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ thông tin cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ít người, trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng cho các hộ chính sách nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trợ cấp cứu đói... đã giúp cho các hộ nghèo ổn định đời sống, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản thuận lợi hơn.

Nhìn chung, sau hơn 2 năm thực hiện, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã góp phần thay đổi bộ mặt đời sống của nông thôn, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư nâng cấp, mở rộng đã tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, qua đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh Cao Bằng đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành, phối hợp thực hiện, bảo đảm thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Huy động mọi nguồn lực tổ chức thực hiện Chương trình, tập trung hỗ trợ cho các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong việc giám sát thực hiện Chương trình; tạo cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà sản xuất theo chuỗi cung ứng tham gia tích cực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tạo sinh kế bền vững, phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư của Nhà nước./.

Thu Hương

Từ khóa: