Xã hội
Chặng đường 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới ở Lâm Đồng
06:46 AM 26/10/2020
(LĐXH)-Sau 10 năm (2011-2020) thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về bình đẳng giới (BĐG) được nâng cao rõ rệt. Qua đó, không ngừng tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trong học tập, lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nghiêm túc và hiệu quả Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể đã chủ động tổ chức, quán triệt, phổ biến kiến thức và thực hiện nhiều mô hình về BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) mang lại hiệu quả cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về BĐG, VSTBCPN được triển khai rộng khắp với nhiều nội dung và hình thức đa dạng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thường xuyên phối hợp với Báo, Đài Trung ương và địa phương xây dựng các chuyên mục, chuyên đề, phóng sự, tin bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền về nội dung thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng chương trình “Vì chất lượng cuộc sống” phát sóng định kỳ hàng tháng với sự tham gia của khách mời là Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể; các địa phương và các chuyên gia có kiến thức chuyên môn liên quan trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ…; phối hợp với Báo Lâm Đồng thực hiện các clip, phóng sự về bình đẳng giới phát sóng trên kênh điện tử Lamdongonline trong chuyên mục "Nhịp cầu hạnh phúc” nhằm tuyên truyền các hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm góp phần từng bước giảm khoảng cách giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 tại địa phương.
Trong 10 năm qua đã thực hiện nhân bản và phát hành hơn 50.000 tờ rơi, áp phích, tranh gấp và tài liệu tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống mua, bán người và các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ để cấp phát đến tận địa bàn cơ sở và hộ gia đình. Điều này đã có tác động to lớn nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và thay đổi hành vi; từng bước thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu của kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ nữ ngày càng được tỉnh Lâm Đồng quan tâm đúng mức
Cùng với đó, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ; đào tạo nghề; bảo vệ chăm sóc phụ nữ và trẻ em; công tác thanh, kiểm tra pháp luật về BĐG, VSTBCPN, công tác BĐG trong các lĩnh vực đều đạt những kết quả tích cực. Tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ nữ ngày càng được quan tâm đúng mức, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được chuẩn hóa, năng động, nhiệt tình, trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đã có bước tăng đáng kể so với nhiệm kỳ trước. Tại cấp cơ sở: Ủy viên BCH có 390 nữ/1.800 người, chiếm 20,8% (nhiệm kỳ trước là 16,8%); Cấp huyện: Ủy viên BCH có 84 nữ/557 người, chiếm 14,1% (nhiệm kỳ trước 12,9%); Cấp tỉnh: Ủy viên BCH có 10 nữ/54 người, chiếm 18,5% (nhiệm kỳ trước 10,9%). Trung bình các cấp là 17,8% (nhiệm kỳ trước 13,5%).
Trong công tác chuẩn bị nhân sự bầu cử HĐND, UBND và đại hội Đảng các cấp, Tỉnh ủy, UBND đã chỉ đạo tổ chức đánh giá cán bộ, rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ, xem xét cơ cấu, bố trí cán bộ nữ ở các ngành và các lĩnh vực đảm bảo số lượng lẫn chất lượng. Tỷ lệ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng tăng so với nhiệm kỳ trước. Đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh: Số đại biểu ấn định là 76 người. Số đại biểu trúng cử là 76 người, trong đó nữ là 25 đại biểu, chiếm 32,89% (nhiệm kỳ trước 31,5%). Số lượng cán bộ nữ giữ các chức danh chủ chốt trong cơ quan đảng, đoàn thể, sở, ban, ngành do Ban Thường vụ quản lý tính đến nay có 36 đồng chí. Số cán bộ nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh là 67 người, trong đó có 10 nữ, chiếm tỷ lệ 14,9%.
Trong 10 năm qua, Lâm Đồng cũng đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động để thực hiện BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, ý thức nam giới trong việc chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái ngày càng thể hiện rõ nét, tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội cống hiến năng lực cho công tác xã hội. Những năm gần đây, số vụ bạo lực gia đình tại các địa phương trong tỉnh đã giảm đáng kể, các vụ bạo lực gia đình được hòa giải ngay tại cơ sở và giải quyết kịp thời. Đặc biệt, nhận thức về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình của người dân được cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2010 toàn tỉnh xảy ra 755 vụ, thì đến năm 2015 còn 369 vụ, đến hết năm 2019, giảm còn 294 vụ bạo lực gia đình trên toàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 606 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có 50 câu lạc bộ điểm do tỉnh hỗ trợ thành lập; 276 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình...
Cùng với đó, những chính sách ưu đãi của Nhà nước về lao động, việc làm, dạy nghề, giảm nghèo… đã đến với phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số. Các sở, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ đã có những hoạt động cụ thể phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan, nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Nhiều công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục xây dựng Quỹ “Vì phụ nữ nghèo”, Quỹ “Tương trợ”, Quỹ “Giúp nhau” cho nữ công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) vay không tính lãi khi gặp khó khăn; thăm hỏi nữ CNVCLĐ những dịp ốm đau, hiếu hỉ... Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hàng tháng đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó dành sự quan tâm đến đối tượng là lao động nữ... Nhờ vậy, hàng năm, Lâm Đồng đã tạo việc làm mới cho khoảng 9.000 đến 10.000 lao động trong đó nữ chiếm 45 - 47 %. Tỷ lệ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt 45%. Tỷ lệ nữ vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức năm 2015 đạt trên 80% và năm 2020 dự kiến đạt 100%. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 21,46% và giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt 29,7%.
Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 -2030. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, trước hết cho nhóm nhà hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật. Tiếp tục đưa nội dung bình đẳng giới vào các cấp học và trong các chương trình bồi dưỡng về quản lý nhà nước, đào tạo về cao cấp lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cho hoạt động bình đẳng giới ở các cấp./.
Mỹ Hạnh
 
 
Từ khóa: