Xã hội
Chương trình 30a góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum
02:17 PM 30/09/2020
(LĐXH)-Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên. Tỉnh có tỉ lệ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm hơn 53%) với nhận thức còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn nên kinh tế chậm phát triển, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Bà con dân tộc ở các huyện nghèo tỉnh Kon Tum được hỗ trợ rất nhiều về cây trồng, vật nuôi và phương pháp sản xuất hiệu quả
Việc triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với người dân vùng cao tỉnh Kon Tum. Sau 5 năm thực hiện Chương trình 30 bộ mặt nông thôn ở các bản, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi, nhất là về cơ sở hạ tầng như: hệ thống giao thông nông thôn, trường học, giải quyết các nhu cầu thiết yếu của nhân dân về sản xuất, đi lại, điện, nước sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khoẻ, thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống không chỉ ở các huyện thụ hưởng mà còn góp phần lớn vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Giai đoạn 2016-2020, thực hiện đầu tư 272 công trình từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình 30a. Trong đó: Công trình chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 sang giai đoạn 2016-2020 là 30 công trình; khởi công mới giai đoạn 2016-2020 là 242 công trình. Tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh tại 6 huyện nghèo, Gồm: 02 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ (Tu Mơ Rông, Kon Plông); 03 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ (Đăk Glai, Kon Rẫy và Sa Thầy); 01 huyện được bổ sung mới huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Ia H’Drai). Qua đó, hệ thống đường giao thông trên địa bàn các xã được nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, giao thương hàng hóa; các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện sinh hoạt được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân; hệ thống trường lớp học, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng được đầu tư, sửa chữa phục vụ nhu cầu học tập của người dân trong vùng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh.
Bên cạnh đó, Chương trình 30 còn giúp bà con các huyện nghèo chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả thông qua các chính sách hỗ trợ cây, con, dụng cụ, vật tư cầm thiết. Trong 5 năm qua, Chương trình 30 đã thực hiện mua vắc xin tiêm phòng lở mồm, long móng và hỗ trợ cây lương thực (giống lúa, ngô), cây công nghiệp (cà phê, bờ lời, keo lai); gia cầm (ngan, vịt); gia súc (trâu, bò, lợn, dê); hỗ trợ làm chuồng, trại, hỗ trợ vật tư (phân bón các loại, thuốc BVTV), hỗ trợ máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất cho khoảng 15.574 hô ̣ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Nhằm hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nâng cao thu nhập cũng như nâng cao chất lượng lượng nguồn nhân lực, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng các huyện nghèo đã hướng dẫn chính sách hỗ trợ người lao động thuộc huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho lao động học nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền ở trong thời gian tham gia đào tạo; hỗ trợ tiền đi lại, cung cấp đồ dùng các nhân thiết yếu, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe; làm hộ chiếu, Visa và lý lịch tư pháp để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài chưa được giải ngân. Nguyên nhân là do hầu hết lao động các huyện nghèo tham gia  thị trường miễn phí. Huyện đã tổ chức được 17 lớp tập huấn với tổng số có 853 lượt đại biểu tham gia, nội dung là nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tuyên truyền viên cơ sở tại 06 huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Sa Thầy, Đăk Glei, Kon Rẫy và Ia H’Drai. Đồng thời, tổ chức tư vấn cho người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và tư vấn cho lao động sau khi về nước tại địa phương cho 1.963 lượt người. Từ năm 2017 – 2019,  có 234 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó huyện Tu Mơ Rông: 113 lao động; KonPlông: 46 lao động; Sa Thầy: 32 lao động; Kon Rẫy: 22; Đắk Glei; 19 lao động; Ia H’Drai: 02 lao động. Nhìn chung, XKLĐ trên địa bàn đã từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Đường giao thông ở các huyện nghèo tỉnh Kon Tum ngày càng thuận tiện hơn
Trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình 30 đã huy động được tổng hợp các nguồn lực thực hiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh tính đến cuối năm 2019 là 18.858, chiếm tỷ lệ 13,62% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,12%/năm (từ 26,11% vào cuối năm 2015 xuống còn 13,62% vào cuối năm 2019), đạt 104% so với mục tiêu đề ra. Trong 04 năm, tổng số hộ thoát nghèo là 20.901 hộ. Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 17.649 hộ nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 24,93% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 5,41%/năm (từ 46,57% vào cuối năm 2015 xuống còn 24,93% vào cuối năm 2019), đạt 133,6% so với mục tiêu Đề án giảm nghèo. Trong 04 năm, tổng số hộ DTTS thoát nghèo là 18.791 hộ. Tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 8.809 hộ, chiếm tỷ lệ 6,36% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh (từ 6,64% vào cuối năm 2015 còn 6,36% vào cuối năm 2019; trong 04 năm tổng số hộ thoát cận nghèo là 10.934 hộ). Kết cấu hạ tầng như công trình giao thông, y tế, giáo dục... được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu của người dân. 100% các huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. Có 178 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 89% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm trên địa bàn.
Đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 98%; tỷ lệ kilomet đường thôn xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt 57%.
100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua báo chí, các xuất bản phẩm và phương tiện truyền thông khác. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất đã tác động không nhỏ đến quá trình thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững...
Mỹ Hạnh
 
Từ khóa: