Xã hội
Chương trình Nghệ thuật “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 9 tặng sổ tiết kiệm, quà cho trẻ em nghèo, mồ côi trị giá 600 triệu đồng
08:27 AM 23/08/2017
(LĐXH) Thông qua Chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 9, Ban tổ chức và các nhà tài trợ sẽ tặng 100 sổ tiết kiệm cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi và nạn nhân chất độc da cam; tặng 500 suất quà cho trẻ em mồ côi Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng, trẻ em nạn nhân chất độc da cam Làng Hữu Nghị Việt Nam… với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.
Để thiết thực chào mừng kỷ niệm 72 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2017), chào mừng kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (28/8/1945 – 28/8/2017), chào mừng Lễ khai giảng năm học mới 2017 – 2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao cho Tạp chí Gia đình và Trẻ em phối hợp với Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong TP. Hà nội, Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội, Công ty Truyền thông Thủ Đô tổ chức Chương trình Nghệ thuật “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 9, truyền hình trực tiếp trên Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào lúc 20 giờ ngày 26/8/2017 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội với sự tham gia của NSƯT Phương Thảo, ca sĩ Phương Thanh, ca sĩ Bích Ngọc, nhạc sĩ Hà Chương, Thiếu nhi Trung tâm Văn hóa quận Ba Đình và các người mẫu đến từ Hà Nội. Dẫn chương trình: Hoa hậu Ngọc Hân và Lê Anh.
Chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 9 do Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Mnh, Công ty TNHH Phát triển Du lịch Quốc tế Phượng Hoàng và nhiều tập thể, cá nhân đồng tài trợ. 
Chương trình Nghệ thuật “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 9 được kết cấu thành 2 phần:
Ở phần 1: Những mảnh đời bất hạnh khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được thưởng thức chùm ca khúc gồm các bài hát: Em như chim câu trắng; Em có về; Xương rồng trên cát; Vì đâu em chết; Lời ru; Phận trẻ mồ côi; Lời quê; do Nhạc sĩ Hà Chương, Ca sĩ Phương Thanhm, NSƯT Phương Thảo, Ca sĩ Bích Ngọc và Thiếu nhi Trung tâm Văn hóa quận Ba Đình biểu diễn.
Đặc biệt, thông qua phóng sự “Thương thay cũng một kiếp người”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được chứng kiến trường hợp 2 đứa trẻ bị bại não bẩm sinh ở Tràng An, Hoa Lư, Ninh Bình, đó là:
Ngôi nhà nhỏ 5 gian đã xuống cấp vì mưa nắng ở thôn Chi Phong, xã Tràng An, huyện Hoa Lư, Ninh Bình là nơi cư ngụ của anh Trần Văn Phương và chị Nguyễn Hồng Nhung. Trong ngôi nhà này, ngoài vợ chồng anh Phương, chị Nhung và hai đưa con Trần Trung Hiếu, Trần Huy Hùng bị bại não bẩm sinh, còn có ông bà nội là Trần Nhật Bảy và Bùi Thị Nhuần cùng sinh sống. Anh Phương là con trai duy nhất của ông Bảy, bà Nhuần vì chị gái anh Phương đã qua đời từ năm 13 tuổi.
Sau ngày anh Phương cưới chị Nhung, năm 2006 chị Nhung sinh con trai đầu lòng là Trần Trung Hiếu trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Nào ngờ, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi được 4 tháng tuổi, cháu Hiếu bị sốt bại liệt rồi bại não cho đến bây giờ. Năm 2007, chị Nhung bị “vỡ kế hoạch” và sinh con thứ 2 là Trần Huy Hùng. Nhưng buồn thay, sau 4 tháng khỏe mạnh, cháu Hùng lại bại não bẩm sinh. Cũng từ đây, hành trình nuôi con tật bệnh trong sự khốn cùng đã đeo đẳng gia đình anh Phương và chị Nhung.
Nhà có 4 sào ruộng, mỗi năm cấy một vụ thu hoạch được gần 8 tạ thóc chưa đủ cái ăn cho cả gia đình. Để có tiền chữa bệnh cho con, vợ chồng anh Phương phải vay mượn anh em, vay của ngân hàng gần trăm triệu đồng mà chưa biết đến bao giờ trả được. Do không có việc làm ổn định, nên thu nhập từ nghề thợ xây và phụ hồ của vợ chồng anh Phương cũng thất thường khi có, khi không.
Đôi lợn này của người em đồng hao ông Bảy tặng vợ chồng anh Phương nuôi lấy tiền chữa bệnh cho con. Không biết chúng có kịp lớn không, hay lại chết giữa chừng như bao nhiêu lần trước. Có một điều trùng hợp ngẫu nhiên là ở cái nhà này đến con gà cũng phải mang cái chân què quặt.
Đã hơn chục năm rồi, từ ông bà nội đến vợ chồng anh Phương chưa đêm nào được ngủ trọn giấc vì tiếng la hét của 2 đứa trẻ. Chiếc giường này là nơi ông Bảy, bà Nhuần ngồi bế cháu để anh Phương, chị Nhung bươn bả ngược xuôi kiếm đồng tiền, bát gạo nuôi sống gia đình. Chiếc bậu cửa này cũng là nơi ông Bảy, bà Nhuần bế cháu ngồi hóng mát mỗi khi nhà mất điện.
Nhìn hai đứa trẻ chân tay teo tóp, quằn quại vặn mình trên tay bà, tay mẹ mà lòng tôi trào dâng bao cảm xúc. Thương thay cũng một kiếp người. Chia tay gia đình anh Phương, tôi hy vọng phóng sự này là nhịp cầu kết nối nững tấm lòng nhân ái với gia đình anh Phương trong hành trình chữa bệnh cho con đầy gian nan còn chờ phía trước.
Ở phần 2 Những trái tim đồng cảm: Khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được thưởng thức màn trình diễn thời trang chủ đề “Bức họa đồng quê” của Nhà thiết kế Đặng Ngọc Hân – Hoa hậu Việt Nam năm 2010 do các người mẫu đến từ Hà Nội trình diễn và thưởng thức chùm ca khúc: Neo đậu bến quê, Khát vọng, Điều em muốn do NSƯT Phương Thảo, Ca sĩ Bích Ngọc, Thiếu nhi TTVH quận Ba Đình biểu diễn.
Thông qua phóng sự “Những trái tim đồng cảm”, khán giả màn ảnh nhỏ còn được chứng kiến hoạt động an sinh xã hội của Ban tổ chức đối với trẻ em bị bệnh hiểm nghèo HIV/AIDS, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, gia đình nạn nhân chất độc da cam, đó là:
Nhìn các em má đỏ bồ quân, môi hồng chúm chím, đôi mắt trong veo vô tư sống ở Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động Xã hội số 2 Hà Nội, mấy ai biết được rằng, các em đang mang trong người căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Các em đến với trung tâm này trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Không ai biết bố mẹ của các em là ai, quê quán ở nơi nào!? Duy chỉ có một điều ai cũng biết các em là những đứa trẻ vô thừa nhận bị bỏ rơi và sớm mang thân phận trẻ mồ côi. Chúng tôi đến với các em bằng tiếng tơ lòng để động viên các em tiếp tục vượt qua chặng đường đời đầy gian nan phía trước.
Ông Hoàng Văn Huê, ở Hiền Giang, Thường Tín, Hà Nội là Thương binh hạng 1/4 bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Ông Huê thuộc sự quản lý của Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, Hà Nam, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, nên ông được đơn vị cho điều dưỡng ngoại trú tại nhà riêng để giúp vợ chăm sóc 2 đứa con nạn nhân chất độc da cam bị bại não bẩm sinh.
Để có thêm thu nhập, vợ chồng ông Huê làm thêm nghề xay xát. Nhưng do không có tiền để lắp thêm chiếc máy lọc sạn, nên khách hàng đến với ông Huê cứ ngày một thưa dần. Mỗi lúc suy tư, ông Huê thường ngồi bên cửa nhìn ra con đường làng, hoặc nhìn vào một cõi xa xăm và thả hồn vào ký ức thời trận mạc. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Huê khi cháu Hoàng Bình Lập vừa mới qua đời. Chỉ còn lại cháu Hoàng Thị Ngọc Hà vẫn gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn.
Người lính già này là ông Nguyễn Thanh Sơn, thương binh hạng 2/4, Cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Chất độc da cam dioxin đã cướp đi quyền được làm người lành lặn của 2 đứa con ông. Gần 40 năm kể từ khi cất tiếng khóc chào đời, đứa con gái của ông Sơn tên là Nguyễn Phương Thúy bị bại não bẩm sinh vẫn thân tàn ma dại. Bao năm rồi vợ chồng ông Sơn nuốt nước mắt vào trong mỗi khi nhìn con gái vẫn vô thức trong căn phòng nhỏ hẹp.
Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Cao Bằng hiện đang nuôi dưỡng 154 trẻ em mồ côi, người tàn tật và người già cô đơn không nơi nương tựa. Các đối tượng vào đây thường mặc cảm, tự ti, nhận thức chậm, một số người mù chữ và không biết tiếng phổ thông… Hành trình từ Hà Nội đến Cao Bằng dài 300 cây số, nhưng đó chỉ là khoảng cách về địa lý. Còn hành trình từ trái tim đến với trái tim thì thật gần và không giới hạn. Những món quà của Chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 9 tặng cho trung tâm hôm nay, là động lực tinh thần động viên cán bộ, nhân viên trung tâm không ngừng nỗ lực vươn lên vì sự nghiệp trồng người.
Làng Hữu Nghị Việt Nam hiện đang nuôi dưỡng 120 trẻ em nạn nhân chất độc da cam/dioxin với nhiều bệnh lý khác nhau, nhưng nhiều nhất là thiểu năng trí tuệ. Các em là con của các cựu chiến binh từng chiến đấu trên các chiến trường mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam. Các em sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng, nhưng hậu quả chiến tranh để lại cho các em là nỗi đau da cam có gia đình đã truyền sang thế hệ thứ 3. Các em là “Người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Những phần quà của Chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 9 tặng các em hôm nay là ngọn gió lành của lòng nhân ái xoa dịu nỗi đau da cam giúp các em vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Kế thừa đạo lý truyền thống “Thương người như thể thương thân”, thông qua Chương trình “Những trái tim đồng cảm” lần thứ 9, Ban tổ chức và các nhà tài trợ sẽ tặng 100 sổ tiết kiệm cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi và nạn nhân chất độc da cam; tặng 500 suất quà cho trẻ em mồ côi Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng, trẻ em nạn nhân chất độc da cam Làng Hữu Nghị Việt Nam… với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.
Sau 9 lần tổ chức, thông qua Chương trình “Những trái tim đồng cảm”, Ban tổ chức và các nhà tài trợ đã hỗ trợ kinh phí mổ tim nhân đạo cho hơn 100 trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh; xây dựng 30 nhà tình thương cho trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; tặng hơn 1000 sổ tiết kiệm cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo và nạn nhân chất độc da cam; tặng hơn 1000 suất học bổng cho học sinh nghèo; tặng hơn 8000 suất quà cho trẻ em nghèo… với tổng số tiền hơn 22 tỷ đồng ./.
Thảo Lan
Từ khóa: