Xã hội
Chuyển biến tích cực trong phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 ở Cần Thơ
08:11 AM 07/08/2020
(LĐXH)-Theo số liệu thống kê, hiện tổng số trẻ em trên toàn thành phố Cần Thơ là 281.426 trẻ, chiếm tỷ lệ 21,94% dân số. Từ năm 2017 đến tháng 3 năm 2020, trên địa bàn thành phố có 5.380 trẻ em bị tai nạn thương tích (22 trường hợp tử vong, gồm: 21 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, đuối nước và 01 trường hợp do lực cơ học tác động), trong đó: trẻ từ 0 - 4 tuổi: 989 trường hợp (02 trường hợp tử vong); từ 5 - 14 tuổi: 1.261 trường hợp (06 trường hợp tử vong); từ 15 - 19 tuổi: 3.130 trường hợp (14 trường hợp tử vong).

Trẻ tại Trung tâm Công tác xã hội thành phố Cần Thơ tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề về an toàn giao thông.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn thương tích là do thiếu sự giám sát của cha mẹ, điều kiện kinh tế gia đình, cha mẹ đi làm ăn xa gửi con ở lại cho ông bà giữ hộ; do bất cẩn trong công tác giám sát bảo vệ trẻ em như: môi trường sống của trẻ chưa tốt, gần kênh rạch, lộ giao thông, sự lơ là mất cảnh giác, bất cẩn của người giữ trẻ là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn thương tâm. Vì lứa tuổi này các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức kỹ năng, phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích.

Công tác phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em luôn được các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện.

Với mục tiêu kiểm soát và ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn, thương tích gây ra, đặc biệt là tình trạng trẻ em bị đuối nước và tai nạn giao thông, thành phố đã xây dựng và triển khai lồng ghép nhiều Kế hoạch thực hiện Chương trình, Đề án, hoạt động với nhiều nội dung liên quan đến phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Cụ thể như: Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng, giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2020 – 2025... Bên cạnh đó, Bộ máy tổ chức và nhân lực quản lý, hướng dẫn thực hiện Chương trình được thực hiện kiêm nhiệm bởi cán bộ làm công tác trẻ em các cấp. Trong đó bao gồm các công chức thuộc các Sở, Ban ngành, đoàn thể, quận, huyện, xã, phường, thị trấn; đội ngũ cộng tác viên và tình nguyện viên chăm sóc, bảo vệ trẻ em. 100% đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp đều được tập huấn kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đều tham mưu UBND thành phố ban hành các Kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì trẻ em, với chuỗi các hoạt động thiết thực, bổ ích trong dịp hè; tổ chức giữ trẻ mùa lũ, kiểm tra các điểm giữ trẻ mùa lũ;…. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Ban Thường vụ Thành đoàn và Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ đã ký kết kế hoạch phối hợp triển khai các  hoạt động phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 - 2022; ký kết Quy chế phối hợp giải quyết án xâm hại tình dục trẻ em giữa Viện Kiểm sát nhân dân - Tòa án nhân dân - Công an - Sở Lao động -Thương binh và Xã hội - Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố. Song song đó, tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, từng Sở, Ban ngành liên quan cũng đã cụ thể hóa Kế hoạch bằng những kế hoạch, chương trình, hoạt động để triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn nói chung, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói riêng.

Tập huấn về “Xây dựng cộng đồng an toàn phòng chống tai nạn thương tích” tại huyện Thới Lai

Nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn đã đẩy mạnh công tác phối hợp thực hiện các chiến dịch truyền thông, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho công chức, viên chức, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan... Kết quả, từ năm 2017 đến nay, các ngành đã nhân bản và cấp phát hơn 15.000 quyển sách Luật Trẻ em; in, phát 40.000 tờ rơi về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và  phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, treo 3.000 áp phích, khẩu hiệu, 2.300 băng rôn, 130 panô nhỏ có nội dung về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đường dây tư vấn trẻ em (tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và tổng đài Trung tâm Công tác xã hội thành phố 18008065)… Tổ chức 92 cuộc hội nghị tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em có 13.846  lượt đại biểu dự; 51 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, khả năng tự bảo vệ trẻ em ở gia đình, cộng đồng, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, phòng chống bạo lực gia đình cho 4.885 đại biểu; tổ chức 46 hội nghị tập huấn kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng sống cho trẻ em phòng ngừa trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (nạn nhân bị xâm hại tình dục, bạo lực, tai nạn thương tích) cho 3.979 đại biểu là trẻ em nòng cốt độ tuổi từ 10-16 tuổi;...

100% quận, huyện trên địa bàn Cần Thơ tổ chức Lễ phát động và triển khai chương trình bơi an toàn hàng năm.

Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố Cần Thơ cũng tích cực triển khai  xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Theo đó, toàn thành phố hiện có 85% hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” trên tổng số hộ gia đình có trẻ em. Thành  phố cũng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Triển khai các hoạt động can thiệp, cải tạo môi trường học tập, vui chơi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong trường học. Đến nay, toàn thành phố có 100% học sinh ký cam kết thực hiện các quy định về luật giao thông; 100% trường thực hiện tốt giáo dục an toàn giao thông cho học sinh. 100% các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống cháy nổ, trang bị đầy đủ các thiết bị, vật dụng chữa cháy cơ bản, gắn các bảng nội quy về phòng cháy, chữa cháy tại các vị trí phù hợp; 100% trường học trên địa bàn thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền về công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho giáo viên, nhân viên và học sinh. Song song đó, thành phố đã củng cố và duy trì hoạt động hiệu quả của Ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em của ngành y tế. Phát triển hệ thống sơ cứu, cấp cứu, vận chuyển cấp cứu, điều trị cho trẻ em bị tai nạn, thương tích tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Đến nay, toàn thành phố cũng củng cố và nâng cao chất lượng để duy trì 70/85 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em (đạt 82,35%). 

Học bơi là cách phòng, chống đuối nước hiệu quả 

Thực hiện công tác phòng, chống tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em, từ năm 2016 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn thành phố đã tổ chức được 8.440 cuộc tuyên truyền với khoảng 1,4 triệu lượt người tham gia; phát 189.662 tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền; 2.909 mũ bảo hiểm; phát 16.735 tài liệu tuyên truyền, 1.543 pa nô, 39 băng rôn, 220 móc khóa có gắn số điện thoại đường dây nóng của Công an, 232 cẩm nang, 3.881 cuốn sổ tay, 276 phần quà, 60 áo mưa cho 5.945 người viết cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông trong đó có các bậc phụ huynh và học sinh tham gia kí cam kết... Đồng thời, thường xuyên thực hiện tốt công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt chú ý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao về tai nạn, thương tích trẻ em... Các hoạt động về phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương  trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng được quan tâm. Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 259.096 trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở. Số trẻ em biết bơi và biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước là 200.096/259.096, đạt tỷ lệ 77,2%. Toàn thành phố có 34 cơ sở thể thao hoạt động bơi lặn, 16 điểm tổ chức hoạt động vui chơi giải trí dưới nước… có huấn luyện viên, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ, 100% quận, huyện tổ chức Lễ phát động và triển khai chương trình bơi an toàn hàng năm.

Có thể nói, với việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là ở cấp cơ sở đối với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đến nay hầu hết các mục tiêu mà Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 thành phố Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra. Tình hình tai nạn thương tích trẻ em có xu hướng giảm và được kiểm soát qua các năm. Số lượng trẻ em bị tai nạn, thương tích, trẻ em bị tử vong do các loại hình tai nạn, thương tích có giảm. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra, nhất là vào mùa mưa lũ, ở những nơi đầu nguồn, vùng nông thôn có nhiều kênh rạch, vùng thành thị có lưu lượng người tham gia thông giao thông đông đúc.

Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2021 – 2030, thành phố Cần Thơ đề ra các mục tiêu cụ thể trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em như sau:  Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 100/100.000 trẻ em; Giảm tỷ suất  trẻ  em bị  tử vong  do  tai  nạn,  thương  tích  xuống  còn 03/100.000 trẻ em;  100.000 ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 100% trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn; 83 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn;  Phấn đấu đạt 90% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết các quy định về an toàn giao thông; Phấn đấu đạt 80% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 75% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 100% quận, huyện triển khai Chương trình bơi an toàn cho trẻ em…

Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn giai đoạn tiếp theo. Tập trung đẩy mạnh, đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng, chống những tai nạn, thương tích trẻ em trong tình hình mới. Kịp thời huy động nguồn lực, vận động xã hội hóa thăm hỏi, chăm lo, hỗ trợ các trường hợp bị tai nạn, thương tích trẻ em. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, của người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em phải được nhận thức đầy đủ. Bên cạnh đó, duy trì và nhân rộng các mô hình an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em có hiệu quả... gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, truyền thông cộng đồng chung tay phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường… Đồng thời triển khai các can thiệp phòng ngừa các loại hình tai nạn, thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em. Đẩy mạnh ký kết các hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác triển khai chương trình, kế hoạch, kịp thời thông tin, xử lý các vụ việc; thanh tra, kiểm tra các dịch vụ vui chơi, giải trí liên quan đến trẻ em. Tăng cường hợp tác quốc tế, vận động, tranh thủ các nguồn hỗ trợ, viện trợ nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh từ thiện, mổ tim, bệnh bẫm sinh, chấn thương  hình miễn phí cho trẻ em./.

Trần Thị Mỹ Hạnh

Từ khóa: