Văn hóa - Thể thao
Chuyện ở vùng đất lạ…
11:31 AM 19/08/2022
(LĐXH) - Cho đến khi rời khỏi "Năm Mùa Bungalows", tôi mới hiểu du lịch thành công là du lịch làm cho người ta quên chính mình và chìm đắm mình trong những khoảnh khắc tuyệt vời, chỉ khi trở về với đời thường, người lữ hành mới biết mình đã đi xa cỡ nào…
Tôi đến Năm Mùa Bungalows lúc chiều muộn. Cơn mưa rừng bất chợt trước đó làm cho khí trời se lạnh, cái lạnh tạo cảm giác quá đỗi lạ lùng bởi cách đó chừng hơn một giờ xe chạy là Đông Hà đang bị đốt thiêu bởi gió Lào dưới nền nhiệt 38 độ C. Đón tôi là ông chủ Hoàng Thông nói giọng Huế rặt, kiểu đón tiếp thân tình nhưng không vồn vã, một khoảng cách được giữ vừa đủ cho lữ khách lạ như tôi, thấy được cảm giác an toàn và ấm cúng ở một nơi heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn, Quảng Trị. Nơi mà sau này tôi biết rằng nó thuộc về “tận cùng thế giới” trong cảm giác của những người mới đến đây lần đầu.
Câu chuyện tái sinh
“Không có căn nhà nào ở đây được xây mới, mọi thứ đều được dựng lên từ một đống đổ nát hay một điều gì đó bị chối bỏ. Chúng tôi nhặt nhạnh chúng về, thổi hồn vào để chúng được tái sinh”, người chủ trong bữa cơm mời khách bằng những sản vật của vườn và rừng nơi đây, chia sẻ với tôi về ý tưởng cốt lõi khi xây dựng khu sinh thái này.
Nhà tiếp tân của Năm Mùa Bungalows - Ảnh: Nguyễn Bôn
Mỗi bungalow, tên gọi chung cho những căn nhà, là một thực thể độc lập. Chúng có số phận riêng, được thiết kế bởi những ý tưởng đặc thù cho riêng nó, dựa trên tính chất của vật liệu, vị trí của căn nhà trong không gian chung và chức năng mà nó sẽ đảm nhận trong suốt “cuộc tái sinh” của mình.
Nhà Giáng Hương, vốn dĩ là một căn nhà gỗ nhưng tại vướng đường đi của dự án điện gió, khiến chủ nhà phải chuyển thành một cái chuồng bò. Giờ chuồng bò đã trở thành Giáng Hương, sạch sẽ, tinh tươm với hai phòng ngủ, một phòng khách cùng lò sưởi để xua tan cái lạnh mùa đông và dãy lan can để ngồi hóng gió núi mùa hè. Một sự chối bỏ đã được tái sinh như vậy.
Nhà Vân Đài, tựa như một đám mây ngũ sắc, được thiết kế theo phong cách Mondrian với những mảnh cửa sổ ghép lại ngẫu nhiên, theo một kiểu phối màu ngẫu nhiên nhưng rất hiện đại. Những ô cửa sổ thuộc về một trạm quân y cũ được đập bỏ đi để xây mới. “Chúng được nhặt về đây, kể câu chuyên tái sinh trong hình hài đẹp đẽ, chúng làm cho rất nhiều người vui bởi màu sắc tươi tắn và rực rỡ của nó”, ông chủ nói, ”nếu không ở đây, chúng đã thành ra tro bụi từ lâu rồi”.
Nhà Vân đài được trang trí  theo phong cách Mondrian - Ảnh: Nguyễn Bôn
Nhà Hoàng Thảo lại kể câu chuyện phương xa khi tất cả gỗ làm nên nó được tái chế lại từ những thùng đựng máy cũ. Dấu tích tái chế vẫn còn được lưu lại trên khắp căn nhà, không cần sơn phết hay che đậy. Gỗ này đến từ đất nước Ấn độ xa xôi, vượt qua hai đại dương, về tới Sài Gòn để rồi được tái sinh trở lại, thành ra một căn nhà rất duyên dáng nằm giữa vườn cà phê xanh ngát trên đỉnh đồi.
Tái sinh, đã bao gồm trong nó tái chế và tái sử dụng. “Chúng tôi không chủ trương làm mới, chỉ buộc phải làm mới những bộ phận, cần để gắn kết những thành phần cũ nhằm làm cho chúng có ý nghĩa trở lại mà thôi”. Tái sinh vì vậy mang ý nghĩa kết nối, kết nối những phế phẩm trở lại trong một dạng thức liền lạc và hữu ích khác. Một ý tưởng đơn giản nhưng rất nhân văn.
Đêm càng khuya càng lạnh, tôi tựa lưng vào một bức tường ở chính diện nhà Hoàng Hậu, ngôi nhà này ở trung tâm khu đất và trực theo hướng đông nam. Ở chỗ tôi ngồi có thể ngắm mặt trăng vẽ hết một vòng lên và lặn từ xế chiều cho tới sáng sớm. Trong một đêm trăng sáng như hôm nay, bạn có thể thấy được cuộc sống về đêm của rừng qua những khung hình ảo diệu nhất.
Bức tường tôi đang dựa lưng được làm từ những khúc thân cây, cũng là một bức tường tái chế. Nó kể cho tôi nghe câu chuyện quẩn quanh giữa trồng và chặt của những người nông dân vốn không nhìn thấy được tương lai quá dãy núi cuối chân trời. “Giấc mơ tiêu” của họ kể như kết thúc sau những nhát rựa cắm thẳng vào vườn lồng mứt. “May mà tôi kịp thấy để mua lại, không thì chúng cũng đã được chẻ ra làm củi rồi”. Những cây lồng mức được cưa khúc, ghép vào với nhau thành ra một bức tường độc đáo và đầy cá tính. Nó kể cho du khách đến đây nghe câu chuyện tái sinh từ một sự chối bỏ nữa. Câu chuyện của ông chủ cứ thế miên man cùng tôi suốt đêm. Tôi đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng, sâu lắng cùng giấc mơ về một vườn rừng của ông ấy, giấc mơ mà tự nó thấm vào tôi không biết lúc nào.
Giấc mơ vườn rừng
“Không hiểu sao người nông dân ở đây không yêu rừng, họ sẵn sàng chặt cây rừng không thương tiếc nếu nó ảnh hưởng tới phần đất canh tác cà phê của họ”, ông chủ nói. Có một kiểu canh tác đang được rất nhiều sự quan tâm trên thế giới, tiếng Anh gọi là Agroforestry – Vườn rừng. Một kiểu làm vườn mô phỏng theo sự phát triển của tự nhiên như nó vốn có, với phân bố nhiều chủng loại cây tạo nên một khu vườn đa tầng, đa tán, nơi mà cây cỏ, côn trùng và vi sinh vật trong đất sống cộng sinh. Chúng tự bảo vệ, tự nuôi dưỡng và cần rất ít can thiệp của con người khi đã trưởng thành.
Đây là thủ phủ cà phê của Quảng Trị, rất nhiều người ngạc nhiên khi biết Quảng trị có thể trồng đươc cà phê nhưng đây là sự thật. Một lính công binh người Pháp tên là Augène Poilaine, vì cảm mến đất này cùng với liên tưởng xa xôi về sự đồng dạng đất đai với vùng Tuscany của nước Ý, đã mang những cây cà phê đầu tiên về trồng ở Khe Sanh. Những vườn cà phê sau đó phát triển sâu vào trong núi về hướng Lào, hình thành nên một vùng cà phê rộng lớn nằm ở phía tây Quảng Trị. Quảng Trị  vì vậy được xứng danh là một trong năm vùng đất hiếm hoi trồng được Arabica của Việt Nam
Cà phê Arabica ở Năm Mùa Bungalows - Ảnh: Nguyễn Bôn
Trong khu vườn rừng nay mai, cà phê Arabica sẽ nằm ở tầng tán thấp. Phía dưới nó sẽ là một thảm lạc dại, vừa để che phủ đất, vừa để cố định đạm cho cây trồng ở những tầng tán cao bên trên. Một thảm lạc dại cho hoa màu vàng luôn  gợi tới giấc mơ hoa cỏ, nơi mà ai cũng muốn nằm xuống để xin “một vé đi về tuổi thơ” nhằm quên đi chốc lát cuộc đời vốn nhiều toan tính này.
Hơn 1000 cây hoa đào Nhật Tân, lê mắc coọc và mận Bắc Hà đã được trồng từ mùa mưa năm ngoái, khoảng 3 năm nữa, vạt cây này sẽ khép tán. Một mùa xuân nào đó, bạn sẽ được thả bước tiêu dao giữa một rừng đào đẹp như cổ tích, hoặc giả có ai đó ôm mộng anh hùng cùng kéo nhau lên kết nghĩa nơi đây. Nhiều hoa được trồng lắm, hoa ngoài bắc, hoa trong nam, hoa Sa Đec miền tây, hoa từ xứ hoa Đà Lạt cũng được đem về đây sánh vai cùng cỏ hoa bản địa. Là hoa trang trí, nhưng chúng cũng là tầng cây bụi trong quy hoạch vườn rừng của toàn khu.
Tầng tán cao được ưu tiên cho cây bản địa, gồm bằng lăng, trẩu, mân và tà rổ. Sườn phía đông đón gió bấc sẽ là một rừng thông đang độ lớn, khoảng một năm nữa thôi là chúng có thể reo vi vu với gió ngàn. Những cây tán cao sẽ làm cho vạt đồi này thay đổi sắc diện theo mùa, như người con gái thay xiêm y cho mỗi lần hò hẹn.
Thảm lạc dại trên một lối mòn - Ảnh: Nguyễn Bôn
Hãy trở lại với kiểu khí hậu rất hiếm của nơi đây khi chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khoảng chừng hơn 10 độ C. Kiểu khí hậu lý tưởng cho loài “vương giả hương” phong lan được tha hồ thể hiện. Có khoảng 300 giống lan đang được chăm sóc trong vườn sưu tập. Lan ở trong nước và lan lai tạo đang được nuôi trồng theo kiểu bán tự nhiên, chúng có tốc độ phát triển gấp đôi so với khi trồng ở đồng bằng, mặc dù nguồn dinh dưỡng chủ yếu của chúng được lấy từ nước suối của con thác cách đây chừng 1 km. Lan sẽ là một loại cây trồng kinh tế nếu người nông dân muốn xóa đói giảm nghèo bằng cách từ bỏ những quán tính cũ của họ.
Mùa mưa là mùa rừng sinh sôi. Nếu tiếng ếch, nhái, ễnh ương như một bản hòa ca đưa tôi vào giấc ngủ, thì tiếng ổn ã từ buổi họp chợ của chim rừng vào buổi sáng, đánh thức tôi sau một giấc ngủ ngon. Khu vườn rừng đang dần hình thành bên ngoài cửa sổ. Tán thấp, tán cao, cỏ, cây hoa lá cứ như muốn bung hết sức lực với cánh nhánh đâm lên tua tủa và bò lan khắp mặt đất, trải một màu xanh mượt trên khắp khu đồi. Cây cỏ rồi sẽ hồi sinh lại những cánh rừng theo một triết lý mới. Rừng sẽ là một khu vườn lớn hay vườn là một cánh rừng nhỏ, nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên.
Mùa thứ năm.
Mùa thứ năm, đó là mùa cảm xúc của riêng bạn. Mây ở đây thấp lắm nên mùa trong một ngày cứ như thể đổi thay theo những đám mây qua. Bạn sẽ không muốn chui ra khỏi chăn trong buổi sáng lạnh kiểu mùa đông, khi lò sưởi vẫn còn hơi nóng từ những cục than đêm qua sót lại. Kéo rèm và mở cửa ra, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên vì đang ở giữa một biển sương mù và núi như một thực thể huyền ảo đâu đó rất gần tầm tay với. Những nhiếp ảnh gia gọi đây là “mùa săn mây”. Hãy cầu nguyên cho đêm trước đó có chút mưa, sương vì được nhuốm thêm nước nên sinh ra mây để chìu lòng nghệ sĩ.
Mây ở Năm Mùa Bungalows vào một sáng mùa đông - Ảnh: Nguyễn Bôn
Rồi nắng lên, sương sẽ tan ngay sau chừng mươi phút. Mặt đất phơi ra dưới nắng mùa hè. Những người nông dân bắt đầu ra vườn, trải bạt dưới gốc, bắt cái thang dài lên đến ngọn. Họ đang cố gắng hái nốt những hạt cà phê cuối cùng của vụ cà phê mít. Liberica là giống cà phê thân cao tán rộng, lá của nó giống như là lá mít nên được những người nông dân định danh theo kiểu tưởng tượng trực quan của mình. Như Arabica được gọi là cà phê chè bởi cây thấp và lá giống lá chè, cũng như Robusta tương tự cây vối nên được gọi là cà phê vối. Cà phê cũng vậy, người ta gọi nó đơn giản là cà, gần gũi và thân thương thư thể cà dê, cà tím, cà pháo mắm tôm, của nông thôn thuần Việt. Bên cạnh bốn mùa của trời đất, ở đây luôn có một “mùa cà” với tâm trạng buồn vui đến từ nơi quyết định giá mua, ở bên ngọn núi xa thật xa kia. Mùa cà phê trở thành một mùa lễ hội, bắt gặp tôi đi lang thang, trên đường, ngó nghiêng trong rẫy, người làng cứ hỏi “mùa cà này có về không?”…
Ở nơi đây luôn thường trực một “mùa hoa”. Tháng giêng sương giá được sưởi bù bằng đào bích và đào phai ửng hồng trước ngõ, tháng hai hoa trẩu nở trắng cả một trời rừng, tháng ba hoa cà phê nối dài sắc trắng tinh khôi với nồng nàn hương, ướp đẫm không gian làng bản. Tháng tư có lẽ là những ngày rừng khô hạn nhất nhưng sim và mua vẫn cứ tốt tươi khoe sắc tím vấn vương, tháng năm rừng được tăng sắc độ tím bởi màu tím bằng lăng, tím không còn tơ vương nữa mà trở nên tím rịm, đậm đà da diết. Tháng sáu có những cơn mưa đầu tiên, rừng bật trở mình với cơ man nào là hoa dại: xuyến chi, ngũ sắc, tàu bay… và vô số những thảm hoa kéo xa hút chân trời. Bảy, tám và chín là những tháng rừng sinh sôi, không có hoa nào độc chiếm bầu trời, chỉ có màu rừng xanh ngút ngàn thi thoảng loang ra một vệt đỏ của phượng núi hay vệt vàng mơ của hoa lá ngón, như một ví dụ sống động cho hình ảnh của vẻ đẹp chết người. Tháng mười ngớt mưa và rừng bắt đầu đổ lá. Rừng lúc này đẹp và mềm mại như chiếc khăn choàng của con gái thị thành. Rừng ở đây có cây tà rổ trút lá đẹp không thua gì cây phong miền ôn đới, lá từ xanh chuyển qua vàng, khô dần và rụng, để lại những cành cây chĩa lên trời thi thố với mùa đông. Mùa đông tới với những cơn gió lạnh buốt xương đi kèm màu nắng tinh khôi của dã quỳ, hoa nở rộ vào tháng mười một và kéo dài bài hoang ca vàng rực của rừng cho đến tận trung tuần tháng chạp. Hoa lau không biết từ dưới đất mọc lên bao giờ, có những ngày tháng chạp bạn bỗng nhiên thấy mình lạc giữa một bồng bềnh hoang hoải, rồi chợt giật mình à ra một năm sắp hết lại rồi.
 Luôn luôn có một mùa hoa ở Năm Mùa Bungalows
“Hãy đến đây vào mùa bão, để biết lòng mình bình yên cỡ nào”, hãy nhìn những thân cây với thớ gỗ vặn về một phía. Luồng gió từ hướng núi đi ra đã vặn chúng từ khi mới nhú mầm. Cây phải xoắn theo chiều gió bão để lớn lên, can trường đến vậy mà có những mùa bão đi qua, chúng bị thổi tung, ngác ngơ như thể mất hồn. “Chúng tôi ở đây chờ bão tới hàng năm như chờ một người quen. Mùa tới rồi đi, có khi lành có khi dữ, đó là lẽ thường tình của vạn vật. Chúng tôi chờ bão tới, không mong đau thương cũng chẳng ai oán Trời, Đất bao giờ”, ông chủ nói vậy. Mùa bão, một mùa của thiên nhiên nhưng cũng là một mùa của tâm trạng. Phải đi qua bão giông mới thấy được an nhiên trong đời.
Còn nhiều mùa lắm, bạn không thể kể hết những mùa tâm trạng, mùa buồn, mùa vui, mùa cô đơn, mùa trống rỗng. Những mùa nhân gian theo hết một cuộc nhân sinh mà du khách đem tới đây, cũng đủ để tạo thêm một thế giới mùa, vì vậy du khách nói rằng ở Năm Mùa luôn có mùa thứ năm là vậy.
Hứa hẹn một cách làm
Đừng để trải nghiệm nào giống trải nghiệm nào. Thành công của việc làm du lịch là ở đó, đừng làm cho nơi bạn đón khách trở nên nhàm chán. Đổi thay phong phú nhất là việc tạo ra thay đổi từ chính nội tâm của du khách.
Cách làm du lịch ở Năm Mùa Bungalows hướng tới những trải nghiệm tự thân hơn là “những trải nghiệm đóng gói sẵn” cho du khách. Bạn được khuyến khích tự phục vụ, bạn luôn được tưởng thưởng vì nỗ lực không xâm hại tới môi trường, bạn sẽ được sống sạch và xanh và bạn được vô cùng khuyến khích tìm về sự tối giản. Đi là để buông bỏ, tại sao bạn phải mang vác nhiều?
“Dĩ nhiên bạn sẽ được phục vụ như một ông hoàng nơi đây” ông chủ nói ”nhưng chúng tôi khuyến khích bạn làm một ông hoàng hiểu biết”. Bạn không cần phải mất một cuộc điện thoại, hãy mở app của Năm Mùa Bungalows lên, chỉ cần một vài lựa chọn đơn giản bạn đã có chìa khóa vào phòng của mình. Thêm một vài lựa chọn nữa, bạn sẽ có bữa ăn tươi ngon với thực phẩm theo mùa của vườn rừng nơi đây. Hãy cố gắng đừng dùng tiền giấy, hóa đơn của bạn sẽ giảm ít nhất 10% nếu mọi dao dịch được thực hiện qua ngân hàng
Dùng sức của bạn cho những cuộc tắm suối, vượt thác hay leo núi. Có quá nhiều thác và suối quanh khu này. 12 cây số bằng xe máy và một ngày leo bộ sẽ đưa bạn lên nóc nhà Quảng Trị, đỉnh Voi Mẹp huyền bí cao 1800m là thử thách cho những ai muốn vượt qua chính mình. Nếu muốn dễ dàng hơn, hãy tới thác Tà Puồng và ngâm mình dưới làn nước mát, nhảy một vài cú santo từ những mỏm đá cho cuộc đi thêm chút màu mạo hiểm. Nhớ là cố gắng tới đó bằng xe đạp, ở đây có sẵn phương tiện cho bạn khám phá thế giới rừng mưa nhiệt đới theo cách thú vị, an toàn nhưng rất riêng của mình. 
Nếu là một đầu bếp giỏi, hãy thử công thức gia vị của bạn trền nền rau rừng, cá suối, gà bản và những thực phẩm bản địa nơi đây. Nếu là một bartender cừ khôi, hãy thử pha một cốc espresso từ cà phê của vườn hay một cốc cooktail từ mẻ rượu đào của mùa xuân năm trước. Có hai khu cắm trại ở đây, nhớ là đừng quên đốt lửa và trải nghiệm tiệc barbecue giữa rừng già.
Nếu bạn là người sống nội tâm, không ở đâu tốt hơn ở đây. Nơi đây có một thiền thất nằm lưng chừng núi. Căn nhà có tên là Thanh Đạm, gọi theo một tên loài lan có vẻ đẹp u nhã đặc trưng của lan rừng. Khi cần phải giải độc thể chất và tâm hồn, hay có những lúc phải “hối đầu” trở lại để tự đánh giá bản thân. Hãy tìm về những hoang sơ nơi đây, thiền định với núi trước mặt, suối dưới chân để được hưởng ân sủng là nguyên khí của núi rừng.
Nếu bạn thích trồng cây, hãy hỏi quản lý bởi vì luôn luôn có sẵn cây giống trong vườn ươm, để bạn lưu lại kỷ niệm với rừng nơi đây. Cây của bạn sẽ được tưới tắm, chăm bón cẩn thận sau đó, nhưng đặc biệt hơn, bạn có thể theo dõi quá trình sinh trưởng của đứa con tinh thần trên trang web của khu sinh thái này, để có một dịp nào quay lại bạn sẽ không thôi ngạc nhiên và hạnh phúc với kỷ niệm sống của mình. Đi để có một thành quả. Hãy là một lữ hành và nhớ làm một lữ hành thông thái.
Tôi rời đi cũng vào lúc chiều muộn, người quản lý tận tình kiểm tra tình trạng lốp xe, xăng và hệ thống đèn vì tôi sẽ không tới kịp Khe Sanh lúc trời còn sáng. Gần 30 km đổ đèo trên nhánh Tây Trường Sơn, xuyên qua vài mảng rừng với rất ít nhà dân, không phải là việc dễ đối với người lạ.
Đường vào Năm Mùa Bungalows - Ảnh: Nguyễn Bôn
Những hồi ức rời rạc đâu đó từ một vài cuốn sách tôi đọc về xứ sở này. Một vùng đất xa ngái phía tây Quảng Trị với những yếu tố phương xa kỳ ảo ngẫu nhiên cùng tụ lại: vua Hàm Nghi kháng chiến, người Vân Kiều bản địa với các mục sư truyền đạo Tin Lành, người Pháp viễn chinh và người Mỹ với cuộc chiến đi vào lịch sử. Nhưng rồi sau này, một người Hungary, giáo sư Vargyas Gábor, vì quá yêu mảnh đất này đã bỏ phần lớn cuộc đời để đưa những câu chuyện Bru - Vân Kiều ra thế giới trong  một công trình nghiên cứu dân tộc học đồ sộ, có cái tên rất kiêu hùng: "Bất chấp định mệnh". Tất cả bỗng dưng đươc kết nối liền lạc sau hai ngày tôi ở lại đây. Khe Sanh “tựa như châu Âu, với những thung lũng nhỏ đầy nước, những con đường mòn cùng với nhiều hoa trên các ngọn đồi, đất đai đẹp, phì nhiêu có màu đỏ tựa Tuscany” bởi mô tả của Robert Pisor trong Siege of Khe Sanh (Bao vây Khe Sanh) hiện  lên mồn một. Ánh trăng loang lổ trên những ngọn cây lại kết nối với những đêm huyền bí của ông già Lam với “ảo ảnh thánh” trong Mật Đạo của Lưu Vĩ Lân. Tôi có cảm giác như nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này bước ra đời thật ở hình ảnh ông chủ của Năm Mùa. Một doanh nhân đã từng dọc ngang khắp địa cầu, với bao nhiêu quan hệ làm ăn, lại tự nguyện về bó gối trong một xó rừng không tăm tiếng.
Không thôi một câu hỏi miên man trên suốt đường đi, sao rừng lại có sức hút ma mị, mà tôi là một trong những tín đồ mới nhất được nhận vào, đến vậy?
Một mình, một xe với con đường hun hút phía trước khiến tôi bất giác nhớ về “nơi tận cùng thế giới” mà mãi đến bây giờ tôi mới hiểu. Thì ra là vậy, du lịch thành công là du lịch làm cho người ta quên đi chính mình để thưởng thức những khoảnh khắc tuyệt vời, chỉ khi trở về với đời thường, người lữ hành mới biết mình đã đi xa cỡ nào.
 
Hoàng Bảo
Từ khóa: