Xã hội
Chuyện về công tác giảm nghèo ở huyện miền núi Cao Phong
03:07 PM 25/09/2017
Không còn cảnh giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao như những ngày mới tách huyện, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới với điện, đường, trường, trạm quy mô. Đặc biệt, với cách làm linh hoạt, sáng tạo trong xóa đói, giảm nghèo, đời sống đồng bào dân tộc ở huyện Cao Phong đã có những bước bứt phá ngoạn mục.
Làm giàu từ cam, quýt
Dẫn chúng tôi đi thăm những vườn cam trải dài, xanh mướt, ông Bùi Văn Bền - Phó Chủ tịch xã Tây Phong (huyện Cao Phong) cho biết, Tây Phong hiện có 58% là người Mường, 5% người Dao, 37% là người Kinh. Trước đây, đời sống nhân dân rất khó khăn, sản xuất tự cung tự cấp là chính. Vậy nhưng từ khi mở rộng diện tích trồng các loại cây hàng hóa là cam và mía, số hộ nghèo ở xã Tây Phong đã giảm trung bình khoảng 3% mỗi năm. Hiện diện tích trồng cam ở Tây Phong là 136 héc-ta (chỉ đứng sau thị trấn Cao Phong về diện tích). Nhờ thu nhập từ cam và mía, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở Tây Phong đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đến Tây Phong hôm nay, hỏi về những hộ có thu nhập từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm thì kể cả ngày không hết. Thậm chí, Tây Phong còn có gần 20 hộ nông dân có thu nhập từ 1 - 2 tỷ đồng mỗi năm.
Câu chuyện của xã Tây Phong là một trong những minh chứng cho thấy nỗ lực của đồng bào ở Cao Phong trong quá trình thoát nghèo. Thực tế, không riêng Tây Phong mà ở 11 xã, 1 thị trấn khác của huyện Cao Phong, chuyện người dân vươn lên làm giàu đã trở thành một phong trào. Về Cao Phong hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi huyện miền núi nghèo khó năm nào nay đã hình thành nhiều khu dân cư mới, trụ sở các cơ quan hành chính được xây dựng khang trang, hệ thống giao thông được quy hoạch xây dựng đồng bộ… Người nông dân ở Cao Phong, dù là người Kinh hay đồng bào dân tộc, đa phần đều rất say sưa khi kể về cây cam, cây mía của quê hương. Với họ, cây cam, cây quýt đã không còn là loại cây khó trồng. Ngoài việc mở rộng diện tích, trồng cam theo quy trình VietGAP, người nông dân còn bước đầu biết làm thương mại để trái cam, trái quýt, cây mía của Cao Phong ngày càng mang lại giá trị lớn hơn.
Du khách chọn mua cam Cao Phong cuối mùa bán tại thị trấn Cao Phong
Năm 2016, Cao Phong đã có gần 400 hộ dân thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng, có trên 130 hộ thu từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, có 70 hộ dân thu từ 1 - 3 tỷ đồng và có trên 20 hộ dân thu trên 3 tỷ đồng. Những nông dân tiền tỷ ngày một nhiều này đang khiến nhiều người có cách nhìn khác hơn về Cao Phong – vùng đất Mường Thàng - một trong bốn vùng Mường lớn đã đi vào huyền thoại sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước” trong áng Mo Mường Hòa Bình.
Ưu tiên phát triển cây hàng hóa
Tìm đến Phó Chủ tịch huyện Cao Phong – ông Quách Văn Ngoan để hỏi về câu chuyện giảm nghèo ở Cao Phong. Ông Ngoan cho hay, những năm đầu thành lập huyện (2002), Đảng bộ và nhân dân huyện Cao Phong đối mặt với bộn bề khó khăn: huyện nghèo, kinh tế chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu. Để vực dậy vùng đất này, công tác xoá đói, giảm nghèo được chính quyền huyện Cao Phong đặc biệt quan tâm và được mọi tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo.
Theo đó, cùng với việc thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo của nhà nước như: Chương trình 135, nông thôn mới, các chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số…; Cao Phong xác định ưu tiên phát triển du lịch và nông nghiệp, trong đó phát triển nông nghiệp với hai loại cây trồng chính là cam và mía. Với định hướng này, cây cam, quýt trên địa bàn đã tăng mạnh về cả diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, tạo ra bước đột phá trong định hướng phát triển nông nghiệp của Cao Phong. Cũng theo ông Ngoan, để đồng bào phát triển bền vững nhờ trái cam, chính quyền Cao Phong đã tập trung quảng bá, nâng cao vị thế, giá trị cho cam Cao Phong. Đồng thời, tích cực bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Mặt khác, huyện Cao Phong còn có Nghị quyết về xóa cây vườn tạp, hỗ trợ các hộ nghèo trồng cây có múi để nâng cao giá trị kinh tế của đất. Với cách làm này, năm 2016, diện tích cam, quýt của Cao Phong ước đạt 2.080 héc-ta, sản lượng đạt trên 23.000 tấn. Bình quân 1 héc-ta cam, quýt có tổng thu nhập ước đạt từ 300 – 600 triệu đồng; diện tích mía khoảng 2.500 héc-ta, giá trị bình quân ước đạt khoảng 200 – 240 triệu đồng/héc-ta.
PV
Từ khóa: