Xã hội
Cộng đồng lên tiếng vì sự an toàn của trẻ em
11:01 AM 13/03/2017
LĐXH - Trước tình tình trạng trẻ em bị xâm hại diễn ra ngày càng tăng, các diễn đàn và dư luận xã hội đang “nóng” trong những ngày qua, ông Lê Thế Nhân, Chủ tịch Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (Codes) đã chính thức lên tiếng bày tỏ quan điểm của Codes về vấn đề này.

Toàn thông cáo ghi rõ:

 Xã hội đang ở trong tình trạng ngày càng gia tăng các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục. Nhiều vụ việc đã được phát hiện, báo chí lên tiếng, dư luận bức xúc, cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc và qua một thời gian dài vẫn chưa được giải quyết hay bị lãng quên. Nạn nhân và gia đình sống trong sự tổn thương về thể chất, nhân phẩm và trông chờ công lý được thực thi. Các bậc phụ huynh lo lắng về việc con cháu của họ có nguy cơ là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục, bất kỳ lúc nào. Nhân phẩm xã hội cũng đang tổn thương vì tình trạng trẻ em dễ dàng bị xâm hại đến vậy.

Việt Nam đã phê chuẩn các công ước về quyền con người cơ bản và công ước về quyền trẻ em. Hiến pháp 2013 cũng quy định “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”. Câu hỏi lớn đặt ra là vì sao chúng ta trở nên bất lực, sống trong cảm giác bị tổn thương vì cái xấu cứ nhởn nhơ, sống trong sự bế tắc chờ công lý, trong khi chúng ta có quyền bất khả xâm phạm, bình đẳng về nhân phẩm như mọi người trên thế giới này?

Ảnh minh họa

Chúng ta, các bên liên quan đã quá chậm trễ trong bảo vệ trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại, trong bảo vệ nhân phẩm của xã hội. Sự chậm trễ này vẫn sẽ tiếp tục kéo dài khi mà các bên liên quan chưa cùng hành động, từ bây giờ. Để bảo vệ sự an toàn của trẻ em, bảo vệ nhân phẩm của xã hội, chúng tôi kêu gọi các bên liên quan:

- Rà soát lại hệ thống luật pháp để cải thiện theo hướng bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể, bảo hộ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người dân một cách cụ thể, ngay lập tức và vô điều kiện;

- Hệ thống bảo vệ pháp luật đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, trong khi đó cần chú trọng đến bảo vệ quyền riêng tư của nạn nhân và gia đình;

- Mọi người tham gia vào việc phát hiện, cung cấp bằng chứng, báo cáo các vụ việc xâm hại tình dục, nguy cơ xâm hại tình dục, giám sát việc bảo vệ công lý và trong khi lên tiếng cần chú trọng đến bảo vệ quyền riêng tư của các bên liên quan;

- Chúng tôi kêu gọi hình thành các nhóm hành động bảo vệ quyền trẻ em với nòng cốt là các tổ chức, cá nhân có cam kết dành thời gian, công sức, nguồn lực hay sự ảnh hưởng của mình vào quá trình giúp bảo vệ công lý cho trẻ em;

- Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan chung tay, góp sức vào Nhóm Tư vấn-bảo vệ quyền trẻ em do Codes khởi xướng để cùng nhau tìm ra các giải pháp và hành động giúp bảo vệ trẻ em là nạn nhân cũng như trẻ em có nguy cơ bị xâm hại.

Đăng Doanh (TH)
Từ khóa: