Công nghệ đồng hành cùng đổi mới sáng tạo trong Giáo dục
(LĐXH)- Ngày 25/11/2022, Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm Học đường 4.0 năm 2022 (EDU 4.0 2022) đã chính thức khai mạc với chủ đề “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam”.
Sự kiện do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam và BHub Group phối hợp tổ chức.
Diễn ra trong 2 ngày (25-26/11), sự kiện được kết cấu với 4 hoạt động chính bao gồm: Hội nghị, Tọa đàm, Triển lãm và Lễ trao Giải thưởng Công nghệ Giáo dục 2022. Đây là dịp để đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia Giáo dục, chuyên gia công nghệ và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cùng chia sẻ, thảo luận và đóng góp các ý tưởng cho việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và tăng cường chuyển đổi số trong việc Dạy và Học, qua đó tạo nên những bước đột phá mới nền giáo dục nước nhà.
“Bàn tròn” về ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số giáo dục – đào tạo Việt Nam
Tại Việt Nam, việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực Giáo dục và đào tạo đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Trong đó, tháng 1/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 117/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Tiếp đến, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, Giáo dục trở thành 1 trong 8 ngành/lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số. Đây là những cơ sở và động lực cho việc nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, sản phẩm cho giáo dục được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cũng như là tiền đề tạo cơ chế cho việc ứng dụng rộng rãi tại các nhà trường, đơn vị giáo dục đào tạo.
Bên cạnh đó, hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành (2021 – 2022) đã gây ra nhiều biến động lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, nhưng cũng đồng thời là một cú huých đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp và những đợt giãn cách xã hội diện rộng trong nhiều ngày mang đến áp lực và cơ hội để các đơn vị đào tạo, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục cũng như giáo viên, học sinh học nhanh chóng bắt nhịp với môi trường dạy và học trực tuyến.
Cùng với đó, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, xu thế phát triển của công nghệ nói chung, trong đó có công nghệ dành cho giáo dục nói riêng, đã và đang tạo nên những phương thức, mô hình đào tạo mới. Có thể thấy, các công nghệ mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang thâm nhập ngày càng sâu vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, các môi trường học tập khác nhau, mang đến những giải pháp và công cụ như: Lớp học ảo, video, thực tế tăng cường (AR), rô-bốt, các trợ lý ảo tương tác với người dạy và người học… Cùng với đó, việc hệ thống hóa kiến thức, xây dựng cơ sơ dữ liệu về tri thức, về người dạy – người học đã bắt đầu được đặt nền móng tại nhiều trường Đại học, cơ sở nghiên cứu. Công nghệ không chỉ làm cho lớp học sinh động hơn mà còn có thể tạo ra môi trường học tập hòa nhập hơn, thúc đẩy sự cộng tác và tính ham học hỏi, đồng thời cho phép giáo viên thu thập dữ liệu về hiệu suất học tập, năng lực tiếp thu của học sinh.
ở các cấp học, các môi trường học tập khác nhau
Trong bối cảnh đó, EDU4.0 2022 không chỉ là diễn đàn mở về chuyển đổi số ngành Giáo dục, mà còn đề cập đến câu chuyện thực thi những nhận thức đó trong thực tiễn, làm sao để “đi nhanh, đẩy mạnh”, tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.
Trong đó, Diễn giả Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo – sẽ mang đến cái nhìn toàn cảnh về “Chuyển đổi số Giáo dục và Đào tạo tại Việt Nam giai đoạn 2022-2025” trong bài phát biểu tại phiên khai mạc.
Đề cập đến “đầu ra” của quá trình đào tạo là nguồn nhân lực không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn mà còn phải nắm vững các kỹ năng số là báo cáo chuyên đề “Tương lai của việc làm và giáo dục trong nền kinh tế số toàn cầu” do ông Christopher Lee (Aik Sern) - Giám đốc, Tư vấn Quản lý - Chuyển đổi nguồn nhân lực, PwC Việt Nam – trình bày. Qua đó, chia sẻ về những thay đổi toàn diện trên thị trường lao động tương lai, với những vị trí công việc mới, lĩnh vực ngành nghề mới… đặt ra nhiều yêu cầu mới cho việc đào tạo cũng như tâm thế học tập chủ động, học tập suốt đời của mỗi cá nhân.
Tiếp đến là các vấn đề về chuyển đổi số cho giáo dục ở các góc nhìn từ quốc tế và Việt Nam, với Báo cáo về “Chuyển đổi số Giáo dục: Kinh nghiệm quốc tế và lời khuyên cho Việt Nam” do bà Rebecca Ball - Phó tổng lãnh sự, Tham tán Thương mại và đầu tư cấp cao, Cơ quan thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia – trình bày; cùng với phần trình bày về “Chuyển đổi số giáo dục Việt Nam: Năng lực số, văn hóa số và tính mở là điều kiện tiên quyết để thành công của diễn giả Lê Trung Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở (InOER), Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (AVU&C).
Để thảo luận sâu về các giải pháp và kinh nghiệm xây dựng môi trường giáo dục 4.0, cũng như sự liên kết giữa Giáo dục và các ngành nghề khác, EDU 4.0 2022 cũng có những phiên Tọa đàm chuyên sâu theo từng chủ đề cụ thể. Qua đó, các chuyên gia không chỉ bàn về thực trạng mà còn đi sâu vào giải pháp, cũng như đưa ra các thông điệp, khuyến nghị về chiến lược, chính sách phát triển ngành Giáo dục cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Giải thưởng Công nghệ Giáo dục 2022: Để công nghệ làm bệ phóng cho tri thức
Cho đến nay, Giải thưởng Công nghệ Giáo dục (EduTech Awards) là giải thưởng chuyên ngành Công nghệ Giáo dục đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, nhằm ghi nhận, tôn vinh, quảng bá các thương hiệu sản phẩm, giải pháp, nền tảng công nghệ, dịch vụ, nội dung số ứng dụng trong giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. EduTech Awards được định vị là một giải thưởng chuyên ngành uy tín, vừa có giá trị định hướng về chuyên môn, vừa góp phần gia tăng hiệu quả truyền thông và kết nối các nguồn lực công nghệ thông tin ưu việt cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam
Trong năm đầu tiên được tổ chức, giải thưởng sẽ xét chọn trên các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, nền tảng đã được đưa vào sử dụng tại Việt Nam từ 01 năm trở lên. Việc bình chọn dựa trên hệ thống tiêu chí chặt chẽ và cụ thể, như: Công nghệ và Sản phẩm Bản quyền, Bảo mật và An toàn thông tin, Mô hình kinh doanh, Định vị thương hiệu, Khách hàng và Người dùng, Tác động và ý nghĩa xã hội…Các đề cử sẽ phải vượt qua 3 vòng: Vòng Hồ sơ, Vòng Thuyết trình và Phản biện; Vòng Chung tuyển để Hội đồng chuyên gia bình chọn và công nhận Giải thưởng Công nghệ Giáo dục.
Năm 2022, chương trình được triển khai lần đầu tiên, Hội đồng tập trung khuyến khích các mô hình kinh doanh dựa trên sản phẩm, giải pháp, nền tảng, dịch vụ lõi do đơn vị phát triển hơn là các mô hình phân phối, thương mại thuần tuý.
Trong tương lai, giải thưởng sẽ được tổ chức bình chọn hàng năm và là một hoạt động quan trọng nằm trong hệ sinh thái EDU4.0 do BHub Group sáng lập gồm nhiều hoạt động xúc tiến phát triển thị trường công nghệ giáo dục tại Việt Nam bao gồm: Hội nghị, Đối thoại mở, Triển lãm, Tham quan mô hình Trường học 4.0, Kết nối B2B, Giải thưởng Công nghệ Giáo dục,..v.v..
Hội đồng Giám khảo gồm các chuyên gia từ các lĩnh vực: Công nghệ Giáo dục, Công nghệ thông tin, Giáo dục,... Các thành viên Hội đồng đã có nhiều năm kinh nghiệm ở các vị trí công tác như: Quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, đầu tư, xúc tiến hợp tác, truyền thông, tài chính, khởi nghiệp,...
Hội đồng Giải thưởng năm 2022 gồm 15 thành viên, do TS. Nguyễn Minh Hồng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng; TS. Quách Tuấn Ngọc - Nguyên Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo là Phó Chủ tịch Hội đồng.
Chương trình Giải thưởng đã nhận được nhiều sự quan tâm đến từ hơn 100 đơn vị, gồm từ những đơn vị lâu năm cho đến những đơn vị mới hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ Giáo dục. Trong đó có thể kể đến một số đơn vị tiêu biểu như Elsa, MobiFone, VTC Online, Trí Nam Group, Unica, Saomai Edu, Talk English, Inno, Vuasoft, Edutek, Easy Group,...v.v…
Danh sách đơn vị đạt giải:
* 04 đề cử được công nhận Danh hiệu Giải thưởng Công nghệ Giáo dục Tiêu biểu 2022:
- Trí Nam Group: Hệ thống giải pháp đào tạo trực tuyến TN-Elearning
- Elsa Speak: Phần mềm học ngữ ELSA
- VTC Online: Chương trình Olympic Tiếng Anh trên Internet (IOE)
- MobiFone Edu: Nền tảng giáo dục trực tuyến MobiEdu
* 03 đề cử được công nhận Danh hiệu Giải thưởng Công nghệ Giáo dục Triển vọng:
1. EduTek: Nền tảng đào tạo trực tuyến EduTek
2. Acabiz: Giải pháp đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp 4.0
3. Easy Group: Giải pháp chuyển hóa Tiếng Anh toàn diện
Thảo Lan
-
Trường đại học Lao động - Xã hội và Công ty Cổ phần Phát triển Liên Việt ký kết bản ghi nhớ hợp tác thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Việt Nam
25-11-2024 17:25 12
-
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
22-11-2024 18:20 48
-
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Quảng Nam
19-11-2024 09:19 32
-
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
15-11-2024 13:33 00
-
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
10-10-2024 09:31 40
-
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
17-11-2024 09:46 36