Xã hội
Công tác giảm nghèo ở Thủ đô kháng chiến
04:32 PM 27/08/2020
(LĐXH) Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn xác định công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo phù hợp với đặc thù của địa phương, đưa Tuyên Quang ra khỏi tình trạng kém phát triển
Tuyên Quang - địa danh giàu truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng, gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc, là Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong thời gian gần 6 năm để lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giành thắng lợi.
Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, nêu cao quyết tâm chính trị, giành nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, tỉnh luôn xác định công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh đã chủ động nghiên cứu, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo phù hợp với điều kiện của tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cây chè đã giúp cho nhiều người dân Tuyên Quang nâng cao cao thu nhập
Giai đoạn 2010 - 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi... UBND tỉnh ban hành quyết định về qui định cho hội viên nông dân vay vốn được hỗ trợ kinh phí và lãi suất tiền vay để phát triển chăn nuôi kết hợp xây dựng hầm bể biogas; phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Lâm Bình, giai đoạn 2013 - 2017; ban hành kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công thoát nghèo; hỗ trợ 10% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo...
Trên cơ sở đó, các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo được triển khai thực hiện lồng ghép, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc thù, khả năng huy động nguồn lực của tỉnh, trong đó chú trọng hỗ trợ giảm nghèo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã huy động trên 1.400 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 52%, Nhà nước hỗ trợ 48% đã xây dựng trên 2.700 kim đường giao thông nông thôn, tạo ra diện mạo mới ở khu vực nông thôn, góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ nét về sản xuất và đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo cũ) giảm từ 34,83% (năm 2010) xuống còn 9,31% (năm 2015); Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm là 5%, vượt kế hoạch đề ra. Việc thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn này đã góp phần đưa Tuyên Quang thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề tăng cường lãnh đạo công tác giảm nghèo đến năm 2020, trong đó xác định: “Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo là điều kiện cần thiết để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Thành viên Ban giảm nghèo xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang

tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo

 Triển khai đồng bộ, đầy đủ, kịp thời chính sách giảm nghèo và khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội
Tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội như: Kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh; phát triển nông nghiệp hàng hóa; phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế lâm nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh... Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành các nghị quyết để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... Các dự án, chính sách về giảm nghèo được triển khai đồng bộ, đầy đủ, kịp thời.
Về thực hiện các chính sách, giải pháp tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ lãi suất tiền vay để các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tổ chức nuôi, trồng một số loại cây, con có giá trị kinh tế, có tiềm năng, lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn tỉnh có trên 40 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi đạt trên 2.500 tỷ đồng. Các hộ nghèo, cận nghèo được chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Gần 120 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo được tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ mua giống, vật tư...

Thực hiện chính sách giảm nghèo đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số tái định cư

tại thôn Tân Hoa, xã Tân An, Chiêm Hóa ổn định cuộc sống.

Về các chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và một số chính sách trợ giúp khác, hằng năm, tỉnh cấp phát trên 400 nghìn thẻ BHYT cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo..., bảo đảm 100% học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm học phí và hưởng các chính sách hỗ trợ. Toàn tỉnh có trên 3.542 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Tỉnh còn hỗ trợ kịp thời cho trên 41 nghìn hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ thiếu đói lương thực trong các đợt giáp hạt...
Về hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng nông thôn và vùng sản xuất hàng hóa, với cách làm sáng tạo, chủ trương “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” trong xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa thôn, bản tiếp tục nhận được sự đồng thuận cao, trên cơ sở Nhà nước hỗ trợ 50% xi măng, cấu kiện bê tông, 50% nhân dân đóng góp, đến nay toàn tỉnh Tuyên Quang đã kiên cố hóa 505 km kênh mương, gần 300 km đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng khoảng 440 nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Tỉnh tập trung bố trí nguồn lực thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tích cực thực hiện Chương trình của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo. Đầu tư xây dựng các công trình về y tế, giao thông, thủy lợi; triển khai các dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, thiết bị sản xuất, thức ăn chăn nuôi cho 676 hộ nghèo, cận nghèo huyện Lâm Bình; tích cực triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng thực hiện Chương trình 135; dự án triển khai, nhân rộng các mô hình giảm nghèo tại các địa phương...
Làm đường giao thông tại xã nghèo vùng cao
Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về công tác giảm nghèo, về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò trong việc tham gia tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Từ năm 2013 - 2019, Quỹ “Mái ấm công đoàn” các cấp đã huy động được khoảng 4,8 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động tiếp nhận trên 50 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo làm nhà, sửa chữa nhà ở (giai đoạn 2016 - 2020); hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, khám, chữa bệnh...
Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) đến cuối năm 2018 giảm còn 15,4% (giảm 12,41% so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 4,13%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân ở các xã thuộc Chương trình 135 và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 6%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo ở Tuyên Quang giảm còn hơn 12%.
 
Tiếp tục huy động nguồn lực chăm lo cho công tác giảm nghèo
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang nhận thấy cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau: Tiếp tục phát huy cao hơn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng trong công tác giảm nghèo, coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, lấy kết quả giảm nghèo là chỉ tiêu để đánh giá tập thể và cá nhân hàng năm.
Huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo cho công tác giảm nghèo theo phương châm: Nhà nước tạo điều kiện về sinh kế, cộng đồng hỗ trợ, bản thân người nghèo tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đa dạng hóa các hình thức tạo sinh kế, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các nguồn lực, thị trường...

Mô hình nuôi cá lồng giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo

Tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục - đào tạo, BHYT, khám chữa bệnh, nhà ở. Thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động ở vùng tái định cư; nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với tạo việc làm. Tiếp tục đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là kết nối mạng thông tin đến các vùng nông thôn.
Khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, nâng cao vai trò của các hợp tác xã, tổ tiết kiệm và vay vốn trong thực  hiện việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo với doanh nghiệp. Thu hút các doanh nghiệp về vùng nông thôn liên kết sản xuất. Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh cam kết sử dụng một tỷ lệ nhất định lao động địa phương thuộc hộ nghèo.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng trong thực hiện công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo giảm nghèo và năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; chú trọng công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo và tình hình hộ nghèo để kịp thời chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và điều chỉnh các chính sách, giải pháp cho phù hợp. Tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” để huy động sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội đối với người nghèo./.
Thảo Lan
Từ khóa: