Đà Nẵng: Quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật (NKT) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. NKT được tự do lựa chọn nghề, tham gia học nghề và làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị.
Tuy được quan tâm hỗ trợ nhưng công tác đào tạo nghề cho NKT còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù đối tượng học nghề là NKT. Vì thế, công tác đào tạo nghề thực sự là một “cuộc chiến dài hơi” cần sự chung tay của toàn xã hội.
Trao chiếc “cần câu” bền vững
Việc làm là nhu cầu tối thiểu của mỗi người, kể cả NKT. Trong suy nghĩ của nhiều người, NKT gần như không thể tự chăm sóc bản thân thì trên thực tế họ có thể làm việc và tạo ra thu nhập. Điều này có ý nghĩa lớn không chỉ đối với bản thân NKT mà còn với gia đình và toàn xã hội. Với ý nghĩa đó, việc chuyển cách tiếp cận NKT từ nhân đạo (xin - cho) sang quyền của NKT được xem là cách hỗ trợ cơ bản, lâu dài và nhân đạo nhất.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1953, quê Bình Định) có con gái Nguyễn Thị Hồng Luyến (SN 1995) bị khiếm thính, không nói được. 5 năm trước, qua người quen giới thiệu, chị đưa con từ Bình Định ra Đà Nẵng nhập học. Sau khi học xong chương trình tại Trường Chuyên biệt Tương Lai, Luyến tham gia học nghề may tại Trung tâm Hướng nghiệp-Dạy nghề của Hội Bảo trợ NKT, trẻ em mồ côi thành phố. Học nghề xong, em vào làm tại Công ty TNHH Tâm Ánh Minh. Từ khi con gái học được nghề và có việc làm ổn định, chị Tuyết như phần nào trút được nỗi lo. “Từ một NKT tưởng chừng như không thể làm gì, giờ đây con tôi có thể làm việc và kiếm ra tiền như bao người khác. Dù tiền lương hằng tháng của con không nhiều nhưng đó là sự khẳng định dù con bị khiếm khuyết nhưng vẫn có thể làm việc và tạo ra thu nhập như người bình thường”, chị Tuyết tâm sự.
Hướng dẫn học viên học nghề tại Trung tâm Hướng nghiệp Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng
Theo chị Trịnh Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tâm Ánh Minh (quận Thanh Khê), công ty hiện có 7 NKT đang làm việc với mức lương ổn định từ 1-2,5 triệu đồng/tháng/người. Tại đây, mỗi NKT được trang bị máy may công nghiệp, may các sản phẩm vải lau và khẩu trang.
Công ty TNHH Kinh doanh và tổng hợp Ân Điển (gọi tắt là Công ty Ân Điển) hiện có 6 NKT đang làm việc. Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc công ty, NKT làm việc tại đây có nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Để đào tạo họ biết việc, thạo việc là cả một quá trình kiên trì và nhẫn nại. Có một số anh chị đã làm việc và gắn bó với công ty hơn 10 năm với mức lương bình quân mỗi tháng 6 triệu đồng/người.
Anh Trần Văn Hai (SN 1995, quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vào làm việc tại Công ty Ân Điển gần 5 tháng nay. Anh bị khuyết tật vận động với bàn tay phải cong khoèo, giọng nói không rõ. Thời gian đầu chưa quen việc, đôi tay còn vướng víu nên anh gặp không ít khó khăn. Dần dà, đôi tay như hiểu được nỗi khổ của chủ, ngoan ngoãn vâng lời. Giờ đây, hằng ngày anh phụ nhân viên trong công ty làm lốp ô-tô, vệ sinh xe. Anh còn chạy xe máy đi giao hàng khắp thành phố. “Trước đây tôi cứ nghĩ bản thân như đồ bỏ đi vì không làm tốt được việc gì. Nhưng giờ đây, tôi có thể làm việc thành thạo, mỗi tháng kiếm được hơn 3 triệu đồng. Số tiền này tôi vừa chi tiêu cho bản thân, vừa gửi về quê giúp đỡ gia đình. Từ khi học được nghề và có việc làm, tôi thấy mình có ích hơn cho xã hội”, anh Hai nói.
Hỗ trợ tối đa cho người khuyết tật
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, toàn thành phố hiện có 182.000 NKT, trong đó có 12.634 NKT nặng trở lên. NKT có nhiều dạng như: khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật nghe, nhìn, nói,… Nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy nghề cho NKT, thời gian qua thành phố có nhiều giải pháp hỗ trợ.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội liên kết với 6 đơn vị, tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho NKT: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Đà Nẵng đào tạo nghề điện lạnh, điện công nghiệp, điện dân dụng, may công nghiệp, nuôi gia súc gia cầm, trồng nấm, trồng hoa cây cảnh; Trường Cao đẳng Lương thực-Thực phẩm đào tạo nghề nông nghiệp sạch, chế biến thực phẩm; Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đào tạo lễ tân, nghiệp vụ buồng phòng, kỹ thuật phục vụ bàn, kỹ thuật pha chế, hàn, cơ khí; Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đào tạo quản trị hệ thống mạng, thiết kế đồ họa; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng; Hội Nông dân thành phố dạy trồng hoa cây cảnh; trồng nấm. Trong năm 2017, bằng nguồn kinh phí từ ngân sách, thành phố đã hỗ trợ dạy nghề miễn phí chính quy và phi chính quy cho 21 NKT, trong đó có 11 NKT được học theo hình thức đào tạo phi chính quy kết hợp giải quyết việc làm.
Ngoài ra, các hội, đoàn thể, trung tâm hướng nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đóng góp không nhỏ trong việc đào tạo nghề cho NKT. Tại Trung tâm Hướng nghiệp Hội Chữ thập đỏ thành phố hiện có 45 NKT đang theo học. Tại đây, có lớp dạy làm hương (12 em), nghề may (13 em), lớp in (11 em) và lớp thêu, kết cườm, làm hoa (9 em). Khi theo học tại trung tâm, các em được miễn phí hoàn toàn chi phí ăn, ở với số tiền khoảng 1,5 triệu đồng/tháng/người. Trung tâm bố trí nơi ăn, ngủ cho các em ở lại. Sau khi được tiếp nhận vào trung tâm, nhiều em đã nhanh chóng hòa nhập, tiếp cận với trang thiết bị học nghề. Nhờ đó, NKT chịu khó học tập, có tay nghề khá. Trong năm 2018, có 14 em ra nghề, trong đó 6 em xin được việc làm ở các cơ sở, doanh nghiệp; 8 em tự về tổ chức làm nghề tại nhà.
Theo ông Lê Tấn Hồng, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp Hội Chữ thập đỏ thành phố, trung tâm nhận dạy nghề cho NKT của Quảng Nam và Đà Nẵng từ 14 tuổi trở lên. Trung bình mỗi năm, trung tâm đào tạo thường xuyên cho 40-50 em. Sau khi đào tạo nghề, trung tâm liên kết với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tìm việc giúp NKT. Trung tâm cũng can thiệp kịp thời với nơi làm việc để bảo đảm NKT được làm việc trong môi trường tốt nhất.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, để đào tạo nghề cho NKT thực sự có hiệu quả, các cơ sở đào tạo phải xây dựng nội dung giảng dạy phù hợp. “NKT có nhiều dạng khuyết tật và là đối tượng đặc biệt nên việc dạy nghề phải có chương trình dạy riêng, phương pháp đào tạo riêng. Giáo viên phải được trang bị nghiệp vụ thích hợp với đối tượng dạy. Cơ sở vật chất trong dạy nghề phải thiết kế phù hợp với từng dạng khuyết tật”, ông Long nói.
Mặc dù thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ NKT trong đào tạo nghề và tìm việc, tuy nhiên nhiều NKT vẫn còn cảm giác tự ti, mặc cảm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc nhận NKT vào làm việc. Mặt khác, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc đào tạo nghề cho NKT không nên chỉ dừng lại ở các nghề thủ công đơn thuần. Tùy vào tình trạng khuyết tật của mỗi người, việc đào tạo nghề cần mở rộng ra các ngành nghề hiện đại như: kỹ thuật vi tính, lập trình, điện tử,… để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Lam Phương
Từ khóa:
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
10-01-2025 08:02 32
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dành những điều tốt nhất đối với người có công bằng trách nhiệm tri ân
10-01-2025 07:04 56
-
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
09-01-2025 18:18 06
-
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
08-01-2025 13:40 25
-
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
07-01-2025 15:07 35
-
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
07-01-2025 14:55 59
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46