Đắk Lắk giải quyết cho 34.283 lượt hộ nghèo vay vốn
(LĐXH)- Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 7 tháng năm 2022, tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết cho vay đối với 34.283 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với doanh số cho vay là 1.312.944 triệu đồng (trong đó, có vay ưu đãi hộ nghèo là 7.951 hộ, với doanh số 362.630 triệu đồng).
Thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh đạt từ 1,5 - 2,0%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3,0 - 4,0%. Ước cuối năm 2022 đạt 100% kế hoạch đề ra.
Về nguồn lực thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo, tỉnh Đắk Lắk được ngân sách Trung ương bố trí 235.146 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 166.460 triệu đồng, vốn sự nghiệp 68.686 triệu đồng); vốn ngân sách địa phương dự kiến bố trí thực hiện Chương trình là 13.870 triệu đồng (trong đó, vốn đầu tư phát triển là 7.000 triệu đồng, vốn sự nghiệp dự kiến bố trí đối ứng từ ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình là 6.870 triệu đồng).
Tỉnh huy động các nguồn hỗ trợ, giúp đỡ từ các cá nhân, tổ chức; các sở, ngành, đơn vị, các địa phương kết nghĩa và các nguồn lực huy động từ các nguồn lực hợp pháp khác: dự kiến tổng kinh phí huy động là 1.350 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 450 triệu đồng, vốn sự nghiệp 900 triệu đồng) từ cộng đồng, doanh nghiệp… sử dụng để triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình; hỗ trợ làm nhà ở, phát triển sản xuất, sinh kế, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản mà người dân thiếu hụt...
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trong 7 tháng năm 2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk, đối với chính sách tín dụng ưu đãi, toàn tỉnh đã giải quyết cho vay đối với 34.283 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với doanh số cho vay là 1.312.944 triệu đồng (trong đó, có vay ưu đãi hộ nghèo là 7.951 hộ, với doanh số 362.630 triệu đồng).
Nhiều hộ nghèo tại buôn Kring, xã Bông Krang, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) đã vươn lên nhờ mô hình hỗ trợ bò giống sinh sản
Chính sách hỗ trợ về học nghề, Đắk Lắk tổ chức 25 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, nông nghiệp cho 875 lao động nông thôn là người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số… tham gia, tổng kinh phí thực hiện là 2.900 triệu đồng (ngân sách của huyện, thị xã, thành phố).
Hỗ trợ về y tế, toàn tỉnh đã cấp 822.520 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng được ngân sách hỗ trợ do ngành Lao động - Thương và Xã hội quản lý (trong đó có 98.041 người nghèo), với số tiền là 652.604 triệu đồng. Số người nghèo, cận nghèo và các đối tượng được khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế là 922.796 lượt người (trong đó có 116.733 người nghèo), với số tiền 599.041 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ về giáo dục, thực hiện chính sách hỗ trợ học phí, chi phí học tập, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở… cho 69.835 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số… với kinh phí thực hiện 137.722 triệu đồng.
Trợ giúp pháp lý, Ngành Tư pháp Đắk Lắk đã cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí 209 vụ việc, trong đó có 25 lượt người nghèo, 91 lượt người dân tộc thiểu số; thực hiện 02 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở tại 02 xã, trong đó tập trung tại các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã biên giới trên địa bàn tỉnh, với hơn 200 người tham dự, đã tư vấn trực tiếp 02 vụ việc cho người nghèo và người dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí thực hiện là 1.702 triệu đồng.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk còn hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các hộ gia đình khó khăn… với các hoạt động như: xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng quà Tết, hỗ trợ phát triển sản xuất, y tế, giáo dục, công trình vệ sinh, nước sạch với số tiền là 36.508 triệu đồng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số… như: tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cho vay khởi nghiệp, hỗ trợ vật nuôi, trao sinh kế khoa học kỹ thuật, nhà ở, công trình vệ sinh… với kinh phí hơn 21.350 triệu đồng.
Hội Cựu chiến binh tỉnh triển khai các hoạt động xây dựng quỹ hội, xóa nhà dột nát, tạm bợ, vay vốn, xây dựng công trình nông thôn mới và mô hình kinh tế… cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia, với kinh phí hơn 656 triệu đồng.
Tỉnh đoàn Đắk Lắk thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, xây dựng nhà nhân ái, sửa chữa nhà cộng đồng, sân bóng chuyền, bê tông hóa đường giao thông, nhà vệ sinh cộng đồng, tặng quà cho gia đình khó khăn, xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên…, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh với kinh phí hơn 5.219 triệu đồng...
Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn là nơi khó khan nhất, kinh tế - xã hội chậm phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng kinh tế, tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản chưa cao; nguồn nhân lực, thu nhập bình quân đầu người ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung của tỉnh vẫn còn ở mức thấp. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Bên cạnh đó, người nghèo chủ yếu lao động giản đơn trong sản xuất nông nghiệp, bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu và diễn biến dịch bệnh xảy ra ngày càng phức tạp. Chính vì vậy, việc thực hiện chính sách giảm nghèo của tỉnh Đắk Lắk còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, mới đây (ngày 6/9/2022), UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề ra mục tiêu thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; tập trung nguồn lực hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2022 – 2025.
Cụ thể, tỉnh phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025) từ 1,5 - 2,0%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 3,0-4,0%. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo như: tín dụng ưu đãi; khuyến nông, lâm và phát triển thủy sản; học nghề; y tế; giáo dục; trợ giúp pháp lý…
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
15-11-2024 17:18 24
-
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
02-11-2024 16:33 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55