Xã hội
Đắk Lắk: Thực hiện hiệu quả những chính sách giảm nghèo bền vững
05:44 PM 17/04/2020
(LĐxH) - Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, trong đó có Quyết định 670/QĐ- UBND ngày 28/3/2019 và Quyết định 1929/QĐ-UBND ngày 17/7/2019 về việc phân bổ kinh phí, thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Theo đó, chương trình đã đạt hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, an ninh – quốc phòng của địa phương.

Anh Nguyễn Kim Thường ở  xã Ea Púk  (huyện Krông Năng) được nhận từ con bò giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững

Đẩy mạnh chương trình khuyến nông

Ông Trần Phú Hùng – Giám đốc – Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong năm 2019 toàn tỉnh đã giải quyết cho 57.755 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi với hơn 1.686.800 triệu đồng, doanh thu nợ hơn 1.222.480 triệu đồng, tổng dư nợ đạt 4.828.800 triệu đồng, số khách hàng dư nợ 200.853 hộ (trong đó, dư nợ hộ nghèo là 1.337.979 triệu đồng với 47.196 hộ), số khách hàng dư nợ quá hạn là 3.803,4 triệu đồng, chiếm 0,08%. Đồng thời, Chương trình Giảm nghèo bền vững còn đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ khuyến nông, lâm và phát triển thủy sản cho bà con nông dân như: Tổ chức gần 100 lớp tập huấn hướng dẫn cách làm ăn cho hơn 2.000 lượt người tham gia, trong đó có 718 lượt người thuộc diện hộ nghèo. Đặc biệt, chương trình đã xây dựng 24 mô hình phát triển kinh tế để trình diễn cho 698 lượt người dân tham quan học hỏi kinh nghiệm; Triển khai 27 lớp tập huấn về hoạt động thủy hải sản cho 861 lượt ngươi tham gia (trong đó có 305 lượt người thuộc hộ nghèo); Tiến hành thả 52.600 con cá giống tại các thủy vực giúp tạo lại nguồn lợi thủy sản và để người dân khai thác cá sống quanh các thủy vực duy trì được nguồn sinh kế ổn định và bền vững.

Trong năm, chương trình còn tổ chức đào tạo nghề cho hơn 4.430 lao động nông thôn, trong đó đào tạo phi nông nghiệp là 2.821 người, đào tạo nông nghiệp là 1.610 người với kinh phí thực hiện là hơn 16.483 triệu đồng.  Về công tác giáo dục, năm qua toàn tỉnh cũng đã hỗ trợ học phí, chi phí học tập, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở,… cho hơn 49.764 lượt học sinh, sinh viên với kinh phí thực hiện 33.858 triệu đồng.

 Về y tế toàn tỉnh đã hỗ trợ cấp mới gần 971.814 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng được ngân sách hỗ trợ với số tiền là 747.597 triệu đồng. Số người nghèo, cận nghèo và các đối tượng được khám chữa bệnh bằng từ thẻ Bảo hiểm y tế là 1.333.153 lượt người, với số tiền là 662.918 triệu đồng. Thực hiện theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng 1.638/2.605 căn nhà hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, gia đình chính với kinh phí thực hiện là 59.689 triệu đồng. Trong đó, Ngân sách tỉnh là 5.554,5 triệu đồng, ngân sách huyện là 2.135,5 triệu đồng, vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội là 35.500 triệu đồng, vốn từ Quỹ “Ngày vì người nghèo” là 2.224 triệu đồng, vốn huy động là 14.275 triệu đồng. Trong năm, UBND tỉnh còn chỉ đạo Ngành Tư pháp cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí miễn phí cho người dân với 515 vụ việc, trong đó có 80 lượt người nghèo; tổ chức 58 đợt truyền thông trợ giúp pháp lý tại 39 xã, 01 thị trấn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông tại các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã biên giới với 3.049 người tham dự; Tư vấn trực tiếp 61 vụ việc, trong đó có 6 lượt người nghèo. Tổng kinh phí thực hiện là 3.075 triệu đồng.

Với sự chỉ đạo của tỉnh Ủy, UBND các ngành, các cấp trong tỉnh Đắk Lắk trong năm 2019 cũng tích cực huy động quỹ hỗ trợ người nghèo sản xuất, xây dựng nhà ở, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã huy động các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân tham gia đóng góp vào Quỹ “Ngày vì người nghèo” để hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các hộ gia đình khó khăn xây mới, sửa chữa nhà ở, phát triển sản xuất, y tế, giáo dục, công trình vệ sinh, nước sạch,… Theo đó, trong năm Quỹ “Ngày vì người  nghèo” trong năm đã huy động được tổng số tiền là 19.074 triệu đồng, hỗ  trợ cho hằng chục hộ gia đình khó khăn xây mới, sửa chữa nhà ở, phát triển sản xuất,…. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp vận động vận động các chi Hội và hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hỗ trợ cho cây giống, con giống, lương thực và tổ chức hướng dẫn cách sản xuất, phổ biến kinh nghiệm khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo và các gia đình chính sách khó khăn với 26.150 lượt người với kinh phí 21.489 triệu đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động các tổ chức, cá nhân cho phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số vay vốn khởi nghiệp,…với kinh phí 13.987 triệu đồng. Đoàn thanh niên cũng đã thực hiện xây nhiều nhà nhân ái, sửa chữa nhà cộng đồng, sân bóng chuyền, bê tông hóa đường giao thông, nhà vệ sinh cộng đồng, tặng quà cho gia đình khó khăn; Xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn với kinh phí 29.295 triệu đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và sự vào cuộc tích cực, triển khai thực hiện đồng bộ của UBND các cấp, sở, ban, ngành cùng các cơ quan đoàn thể trong toàn tỉnh, Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Đắk Lắk đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,48%, từ 12,81% xuống còn 9,33%; số hộ nghèo giảm được 11.147 hộ, từ 57.180 hộ xuống còn 46.033 hộ (đạt chỉ tiêu đề ra). Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm được 6,56%; từ 25,49% xuống còn 18,93%; số hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm được 6.478 hộ, từ 37.067 hộ xuống còn 30.589 hộ (đạt chỉ tiêu đề ra).

Nhiều thôn, bản đã có đường ô tô đến trung tâm xã

Đồng thời, việc phân bổ vốn, phê duyệt danh mục các dự án đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019 được thực hiện sớm hơn nhiều so với những năm trước, tính đến cuối năm 2019 đã có nhiều thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; Khoảng 70% số thôn, buôn bản đã có trục đường giao thông đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. Hơn 97% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gần 98% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân,…  Bên cạnh đó, nhiều chương trình khác đã được lồng ghép, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội như, nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình Giảm nghèo bền vững còn chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hỗ trợ đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo,… Bên cạnh đó, cấp xã làm chủ đầu tư hầu hết các dự án, trong khi đó trình độ, kinh nghiệm của cán bộ, công chức triển khai thực hiện ở cấp xã còn hạn chế, nhất là trong quản lý đầu tư xây dựng dẫn đến việc tham mưu triển khai còn lúng túng, thủ tục hồ sơ, công tác thẩm định còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện chương trình.


Theo ông Trần Phú Hùng- giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, phát huy thành quả đạt được, năm 2020 tỉnh sẽ phất đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,36 – 4,49%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm đạt 6,5-7,0%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn đạt 4.0- 4,5%. Để đạt được chỉ tiêu này, thời gian tới Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá thực hiện công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội; tăng cường sự tham gia của UBMTTQ tỉnh cùng các tổ chức đoàn thể và người dân, không để xẩy ra tình trạng tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn.

Đăng Hải

Từ khóa: