Sức khỏe - Đời sống
Đằng sau công ty bán giá đỗ ngâm hóa chất cho Bách Hóa Xanh
01:30 PM 27/12/2024
(LĐXH) - Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo cung cấp giá đỗ cho Bách Hóa Xanh được lập cách đây chưa đầy 1 năm, vốn điều lệ 200 triệu đồng.

Ngày 26/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra 6 cơ sở ở TP Buôn Ma Thuột, phát hiện hơn 20 tấn giá đỗ ngâm trong chất cấm 6-Benzylaminopurine (hóa chất tăng trưởng thực vật cấm dùng cho người).

Theo cơ quan chức năng, nhóm này đã bán khoảng 2.900 tấn giá đỗ ngâm chất cấm trong năm 2024, sản lượng 8-10 tấn mỗi ngày. Một cơ sở sản xuất giá đỗ độc hại khai nhận rằng, có ký hợp đồng cung cấp cho Bách Hóa Xanh từ 350 kg – 400 kg giá đỗ/ngày.

Giá đỗ xanh do Công ty Lâm Đạo sản xuất. (Ảnh: Kinhtedothi)

Cùng ngày, đại diện Bách Hóa Xanh đã có phản hồi liên quan đến sản phẩm giá đỗ ở Đắk Lắk của nhà cung cấp Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo được bán tại chuỗi cửa hàng thực phẩm.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo vừa được thành lập vào tháng 1/2024, tức chưa tròn 1 năm tuổi. Công ty này có trụ sở chính đặt tại xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất giá đỗ. Vốn điều lệ công ty chỉ 200 triệu đồng.

Chủ sở hữu là ông Lâm Văn Đạo (sinh năm 1990), thường trú tại xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và có địa chỉ liên lạc tại xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ông Đạo cũng đang là người đại diện pháp luật và kiêm tổng giám đốc công ty.

"Giá đậu xanh Lâm Đạo" là sản phẩm mà công ty này cung cấp cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh. Trên bao bì, dán nhãn mác "vì sức khỏe của mọi người", thậm chí còn có dòng chữ khẳng định "không hóa chất, không chất kích thích, không chất bảo quản".

Bách Hóa Xanh cho biết nhà cung cấp Công ty Lâm Đạo chỉ cung cấp giá đỗ cho khu vực Đắk Lắk, chiếm khoảng 2% tổng sản lượng mặt hàng giá đỗ trong chuỗi. Đơn vị này cũng đã gửi văn bản đến Sở Công Thương TP HCM và các hệ thống phân phối để thông báo và phối hợp xử lý vụ việc.

Liên quan vụ việc này, Cơ quan chức năng cho biết chủ cơ sở cung ứng Lâm Văn Đạo cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam cùng 3 bị can khác để điều tra tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Thông tin về Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp


Trước vụ việc bắt quả tang cơ sở sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất giá đỗ tại Đăk Lăk nói trên, mới đây, ngày 20/12, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) đã phát hiện một cơ sở kinh doanh sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine mua tại TP HCM, dùng để hòa với nước tưới lên giá, kích thích thân cây phát triển, rồi bán ra thị trường. Cơ sở này có địa chỉ tại 7/1/56 Duy Tân, phường An Cựu, TP Huế, do ông Lê Thanh Vũ (67 tuổi) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này không có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Còn hồi tháng 3, Công an TP Quảng Ngãi đã phát hiện chủ 2 cơ sở sản xuất giá đỗ tại phường Nghĩa Chánh sử dụng hóa chất bị cấm để sản xuất giá, giúp tăng trưởng nhanh. Với hành vi này, 2 cơ sở sản xuất bị đình chỉ hoạt động 2 tháng, mỗi cơ sở bị xử phạt 40 triệu đồng.

Hiện nay, tình trạng dùng hóa chất, phụ gia cấm để sản xuất thức ăn tràn lan, đe dọa an toàn sức khỏe đến người tiêu dùng.

Trong đó, Chất 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin) thế hệ tổng hợp đầu tiên. Trên cây cỏ, Benzylaminopurine có ba tác dụng (1) kích thích cây phát triển, ra nhánh, đâm chồi, (2) tăng cường ra hoa và làm trái cây to hơn nhờ kích thích phân chia tế bào, (3) Tăng đề kháng với bệnh, hạn hán, lạnh, hoặc nồng độ muối cao và (4) Do benzylaminopurine có khả năng ức chế enzyme kinase hô hấp ở thực vật nên sau thu hoạch cho phun nồng độ từ 10 đến 15 ppm, sản phẩm vẫn giữ được màu sắc và tươi xanh lâu hơn.

Khảo sát trên động vật tại Mỹ cho thấy, 6-Benzylaminopurine gây độc tính cấp: ăn vào lượng lớn 6-benzylaminopurine có thể gây tử vong; nếu tiếp xúc hít, qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh.

Trên cơ thể con người, nếu 6-Benzylaminopurine văng vào mắt sẽ gây viêm kết mạc; dính vào da gây viêm da, làm nặng thêm bệnh lý da; nếu hít gây tổn thương phổi, viêm phổi, làm nặng thêm các bệnh phổi mãn tính như viêm phế quản mãn tính, COPD, xơ phổi….

Theo TS.BS Trần Bá Thoại, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nội tiết Việt Nam, khi ngâm trực tiếp với giá đỗ, dung dịch chất tăng trưởng 6-Benzylaminopurine sẽ thẩm thấu sâu vào trong thân của cọng giá. Vì chất 6-Benzylaminopurine chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm, kém tan trong nước có pH trung tính hay axit, nên giá đỗ thành phẩm dù có rửa nhiều lần với nước thông thường cũng không thể tẩy sạch được Benzylaminopurine này nên dư lượng hóa chất tồn dư rất cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Minh Hằng

Từ khóa: bach hoa xanh