Tham dự Tọa đàm còn có ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ – TBXH; ông Đặng Như Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; lãnh đạo Vụ Bảo hiểm Xã hội, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lãnh đạo các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu…
Phát biểu tại buổi Tòa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân cho rằng: Chính sách BHXH là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, được Đảng và Nhà nước quan tâm. Giai đoạn 1962- 1995, chính sách BHXH được thực hiện tập trung vào đối tượng công chức viên chức nhà nước. Sau đó, được đổi mới qua từng giai đoạn và mở rộng đến nhiều loại hình đơn vị, nhất là doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên. Đặc biệt, từ 1/1/2018, chính sách BHXH tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia đến khu vực lao động có hợp đồng lao động HĐLĐ từ 1-3 tháng, NLĐ (NLĐ) nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Tính đến nay, cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHXH (chiếm 28% lực lượng lao động); hằng năm có khoảng 4-5 triệu người hưởng chính sách BHXH ngắn hạn; 150.000 hưởng các chế độ dài hạn và có gần 3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng.
Thứ trưởng Lê Quân đánh giá, chính sách BHXH đang có những hạn chế, nhất là tỉ lệ bao phủ BHXH chưa cao. Do vậy, để đạt mục tiêu an sinh, đòi hỏi cần phải nâng độ bao phủ và đây là vấn đề rất cần được quan tâm thực hiện tốt. Bên cạnh đó, số người tham gia BHXH tự nguyện cũng đạt thấp; rất nhiều NLĐ hưởng BHXH 1 lần (khoảng 700.000 người/năm), nhất là những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, làm trong các lĩnh vực nặng nhọc, lao động nữ...
Thứ trưởng Lê Quân đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình triển khai và thực chính sách BHXH trong thời gian qua, đồng thời cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách BHXH hiện nay. Thứ trưởng Lê Quân cũng đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm cần tập trung thảo luận và đưa ra các biện pháp, giải pháp cũng như các kiến nghị đề xuất liên quan đến cải cách chính sách BHXH, những vẫn đề tồn tại, những vấn đề mới để các cơ quan quản lý Nhà nước tổng hợp và kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi luật phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Toàn cảnh tại buổi Tọa đàm
Còn theo ông Trần Đình Liệu – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Tính đến hết tháng 9/2017, số người tham gia BHXH là 14.663.000 người. Trong đó, số người đang đóng BHXH là 13.369.000 người (bao gồm BHXH bắt buộc là 13.150.000 người, BHXH tự nguyện là 219.000 người); số người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH là 1.294.000 triệu người. Số thu BHXH tính đến hết tháng 9/2017 đạt 141.171 tỷ đồng, trong đó thu BHXH tự nguyện là 858 tỷ đồng. Ông Trần Đình Liệu cũng cho biết, từ năm 1995 đến năm 2016, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho trên 85 triệu lượt người hưởng chế độ, trong đó hưởng hàng tháng trên 2 triệu người; hưởng BHXH một lần gần 8 triệu lượt người và trên 75 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.
Hàng năm, Ngành BHXH chi trả các chế độ BHXH cho khoảng 3 triệu lượt người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; khoảng 700 nghìn người hưởng trợ cấp BHXH một lần và 7 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Công tác quản lý và chi trả các chế độ BHXH tương đối ổn định, chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng quy định với nhiều hình thức chi trả, trong đó chi trả qua hệ thống bưu điện đã đạt được mục đích và yêu cầu đặt ra, chất lượng phục vụ người hưởng được nâng lên, đảm bảo an toàn tiền mặt.
Ông Trần Đình Liệu cũng cho biết, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ra đời cách đây 22 năm, mô hình tổ chức BHXH không giống bất cứ một nước nào, duy nhất chỉ có ở Việt Nam. Hiện nay, BHXH đang hoạt động và được điều chỉnh bởi các Luật như Luật BHXH, Luật BHYT, Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật Việc làm. Mô hình BHXH ở Việt Nam được xác định là đơn vị sự nghiệp. Hiện toàn ngành BHXH Việt Nam chỉ có 20 ngàn cán bộ, viên chức, bình quân một cán bộ quản lý khoảng 100 doanh nghiệp với 5000 ngàn người lao động, và quản lý, thực hiện 8 chế độ hiện hành. Chính vì vậy, vấn đề cải cách chính sách BHXH Việt Nam hiện nay là một xu thế tất yêu, do đó ông Liệu cũng đề nghị cán bộ của ngành BHXH tham dự Hội thảo hôm nay phải đưa ra được những vấn đề như: cái gì thuận lợi, cái gì khó khăn, khó khăn như thế nào và cần những giải pháp gì để thực hiện, thủ tục, chính sách, thời gian và lỗ trình thực hiện. Để qua đó đề xuất, kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung phù hợp và thực hiện có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động.
Thứ trưởng Lê Quân chia sẻ tại Tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng được nghe ông Phạm Trường Giang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội nêu lên một số nhận định trong thời gian tới, như: Tình trạng dân số của nước ta trong thời gian tới có chiều hướng già hóa nhanh; Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động mạnh và gây tình trạng mất việc làm của các ngành có tham dụng lao động, như ngành may mặc, da giày..; cải cách chính sách BHXH cần có lộ trình và thời gian như thế nào? Các vấn đề liên quan đến thực hiện chính sách BHXH trong thời gian qua như: Tình trạng nợ đọng, trục lợi BHXH, BHYT, phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHXH như thế nào, vấn đề lương hưu còn phù hợp với điều chỉnh ở mức tỷ lệ 75% nữa hay không… cần phải có những giải pháp gì để thực hiện có hiệu quả trong việc đề xuất, kiến nghị về cải cách chính sách BHXH trong thời gian tới.
Còn theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – chuyên gia an sinh xã hội đánh giá: Từ năm 1995 đến nay, chính sách BHXH từng bước được hoàn thiện, đánh dấu sự tiến bộ và cải cách căn bản mô hình BHXH cho phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu hướng chung về phát triển BHXH của thế giới. BHXH thực hiện nguyên tắc đóng – hưởng có chia sẻ rủi ro trong thụ hưởng các chế độ BHXH; phạm vi và đối tượng được điều chỉnh của hệ thống chính sách BHXH được quy định cụ thể và mở rộng dần cả về số lượng, đối tượng và chất lượng – tăng hình thức BHXH (bắt buộc, tự nguyện, thất nghiệp).
Bà Nguyễn Diệu Hồng cũng cho biết: Thành lập quỹ BHXH độc lập, tách khỏi ngân hàng Nhà nước trên cơ sở đóng góp của các chủ thể tham gia và được Nhà nước bảo hộ; Tách từ chức năng thu – chi BHXH ra khỏi hệ thống quản lý Nhà nước về BHXH thông qua việc thành lập tổ chức BHXH Việt Nam. Mô hình BHXH qua các lần đã cải cách ngày càng phù hợp hơn với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế của ILO theo hướng từng bước thực hiện các quyền cơ bản của công dân, người lao động.
Bà Hồng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả vẫn còn nhiều tồn tại về mô hình BHXH hiện nay như: Quan điểm và nhận thức về BHXH, chính sách BHXH, tổ chức thực hiện. Bà Diệu Hồng cũng đưa ra một số đề xuất trong cải cách về BHXH trong thời gian tới như: Làm rõ các mục tiêu cần đạr được trong cải cách thời gian tới; Nghiên cứu, xây dựng các chính sách thiết lập mối liên kết chặt chẽ và hiệu quả giữa các chính sách BHXH với các hợp phần khác của hệ thống ASXH. Xây dựng cơ chế, giải pháp đồng bộ, liên thông giữa công tác quản lý lao động – việc làm, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế với quản lý BHXH để đảm bảo mọi cá nhân bước vào độ tuổi lao động được đăng ký vào hệ thống BHXH….
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng được nghe ông Trần Xuân Hà – Trưởng phòng thu BHXH TPHCM, đại diện Bảo hiệm Xã hội tỉnh Đồng Nai, Khánh Hòa và đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu những vấn đề tồn tại trong việc triển khai và thực hiện chính sách BHXH tại cơ sở. Theo ông Trần Xuân Hà, hiện nay, ở TPHCM đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp đào thải lao động có độ tuổi từ 35 trở lên, số doanh nghiệp trốn nợ BHXH, không ký hợp đồng lao động với người lao động mà tìm cách thỏa thuận với người lao động với nhiều hình thức như hợp tác, liên kết nhằm trốn trách BHXH.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Chuyên gia nghiên cứu An sinh xã hội phát biểu
Ông Hà cũng đề xuất một số giải pháp như: Sửa quy định kéo dài thời gian được nhận BHXH 1 lần sau khi nghỉ việc từ sau 12 tháng tăng lên 36 tháng, 72 tháng…( như lộ trình thay đổi tỷ lệ tính lương hưu đối với nam) và có một thời điểm chấm dứt hẳn việc nhận trợ cấp BHXH 1 lần (ví dụ đến năm 2025). Cho phép người lao động đang tham gia BHXH mà trước đó đã được hưởng BHXH 1 lần được trả lại tiền đã nhận để bảo lưu thời gian đóng BHXH. Tuy nhiên, ngoài số tiền đã nhận còn phải trả thêm một khoản lãi suất (ví dụ lãi suất đầu tư quỹ tương ứng với thời gian từ lúc nhận đến lúc trả tiền).
Với giải pháp như vậy thì trong tương lai số người hưởng lương hưu sau khi hết tuổi lao động sẽ nhiều hơn và đúng như mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra.
Tại hội thảo, đa số các ý kiến của các đại biểu cũng đề cập đến một vấn đề tồn tại ma lâu nay không thể giải quyết được đó là người lao động đã có thời gian dài tham gia BHXH vì một lý do nào đó họ đã nhận trợ cấp một lần mà sau khi có điều kiện muốn quay trở lại tham gia không thực hiện được bởi vướng luật đã quy định. Do vậy, nhiều đại biểu kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng họp các ý kiến, đề xuất của các đại biểu để trình Chính phủ xem xét, sửa đổi trong luật BHXH phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của người lao động hiện nay.
Hoàng Cảnh
-
Cảnh giác chiêu lừa giả danh nhân viên đăng kiểm
23-01-2025 14:35 19
-
Cha mẹ mất sớm, anh trai tật nguyền giúp em gái đến trường
23-01-2025 07:32 54
-
AstraZeneca đồng hành cùng Quỹ Ngày Mai Tươi Sáng mang yêu thương đến với bệnh nhân ung thư dịp Tết Ất Tỵ 2025
22-01-2025 21:16 22
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
-
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
21-01-2025 14:53 47
-
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
21-01-2025 09:12 54