Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nội dung quan trọng, gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 08/7/2016, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định số 1542/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của địa phương phấn đấu đến năm 2020 tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó đào tạo nghề chiếm 51%, tổ chức dạy nghề cho 12.500 lao động nông thôn, trong đó số lao động học nghề nông nghiệp là 3.750 người, chiếm tỷ lệ 30%; số lao động học nghề phi nông nghiệp 8.750 người, chiếm tỷ lệ 70%; tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 2.500 lượt cán bộ, công chức cấp xã.
Hướng dẫn nông dân cách chế biến thức ăn cho trâu bò (Nguồn: baophuyen.com.vn)
Để đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 55% tăng lên 70% vào năm 2020, trong đó, đào tạo nghề phấn đấu tăng từ 41% lên 51%, đòi hỏi tỉnh Phú Yên phải đưa ra được các giải pháp cụ thể mang tính sáng tạo, đột phá. Theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, việc hoàn thiện chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng giúp người học nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Cụ thể, Đề án thực hiện chính sách đối với người học nghề như sau: mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Lao động là người khuyết tật: mức tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học. Lao động là người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo qui định của Thủ tướng Chính phủ: mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học. Lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân: mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học. Lao động là người thuộc hộ cận nghèo: mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Người học nghề là phụ nữ, lao động nông thôn khác: mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học. Mức hỗ trợ cụ thể từng nghề và thời gian học nghề thực tế do UBND tỉnh quy định. Riêng ngư dân học các nghề vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo và thực hiện theo qui định của Chính phủ.
Ngoài ra, người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng còn được hỗ trợ tiền ăn với mức 30.000 đồng/ người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, buôn thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên.
UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các ngành, các cấp phối hợp với các hội, đoàn thể tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp; đi đôi với công tác vận động, giáo dục định hướng, tuyên truyền, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, gắn với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Phú Yên lần thứ XVI đã đề ra. Việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn (bao gồm cả đào tạo nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp) chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của người học. Các nghề đào tạo cho lao động nông thôn đa dạng cụ thể, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất, từđào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định, đến đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ một cách đầy đủ, toàn diện theo quy định của luật giáo dục nghề nghiệp. Các cấp, ngành tổ chức lồng ghép, huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách linh hoạt, phù hợp giữa các đề án chương trình, nhất là chương trình phổ biến, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho cộng đồng, giữa các chính sách khác nhau, các đối tượng đào tạo, các địa phương. Tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả, đào tạo nghề tại doanh nghiệp, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới, làng nghề; tiếp tục nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn đào tạo nghề với hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn./.
Trần Huyền
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47