Các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã kịp thời cụ thể hóa kế hoạch và tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân; quan tâm lồng ghép giới trong kế hoạch hoạt động của ngành, địa phương; các mục tiêu, chỉ tiêu được xác định đến năm 2025 cơ bản đạt và đã từng bước kiện toàn, củng cố Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp. Công tác cán bộ nữ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ được chú trọng, bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong công tác quản lý, trong hệ thống chính trị của tỉnh; tỷ lệ tăng lên qua các nhiệm kỳ. Tỉnh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tạo việc làm tăng thu nhập, đặc biệt là tạo điều kiện cho phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được vay vốn ưu đãi từ chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng khác nhau.
Riêng tại huyện Bác Ái – địa phươn có trên 88% người dân tộc Raglay sinh sống, với hơn 8.047 hộ, riêng phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có 9.692 người sinh sống tại 38 thôn thuộc địa bàn 9 xã. Đến thời điểm này, hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh không ngừng được hoàn thiện, luôn ưu tiên bố trí huy động các nguồn lực để thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, không chỉ hỗ trợ trực tiếp về đời sống cho đồng bào DTTS nói chung trong đó có phụ nữ DTTS mà còn mở ra cho họ nhiều cơ hội về sinh kế, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội…
Triển khai Dự án 8 Chương trình MTQG 1719 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến 2025, Hội LHPN huyện Bác Ái đã phối hợp với Hội cấp trên tổ chức thực hiện hiệu quả truyền thông nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, thu hút trên 350 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Giới thiệu tài liệu tuyên truyền thực hiện Dự án 8 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát hành...
Trước đó, Ban Công tác phía Nam Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Ninh Thuận tổ chức Chương trình Giao lưu gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn huyện Bác Ái năm 2024. Tại chương trình, 05 gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn huyện Bác Ái tham gia các phần thi chào hỏi; tìm hiểu kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc, về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và thi gia đình tài năng. Thông qua các phần thi, các gia đình đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện bình đẳng giới; xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc; phòng chống tảo hôn; cũng như những cách thức phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…Qua đó, góp phần bảo vệ, gìn giữ các giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, bà Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết, huyện sẽ tập trung tăng cường tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc Raglay huyện Bác Ái.
Mặc dù các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới ở Ninh Thuận đã đạt được nhiều kết quả tích cực đi vào chiều sâu và thực chất, song để thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, Ninh Thuận còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới, nhất là mục tiêu bình đẳng cho phụ nữ DTTS. Thực tế trong các lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe..., phụ nữ DTTS là nhóm có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau, định kiến xã hội về trao quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công trong bối cảnh phụ nữ DTTS thường nghèo và bấp bênh về thu nhập. Do đó, địa phương vẫn phải nhất quán và sát sao và đồng bộ trong triển khai các giải pháp với sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả cộng đồng địa phương.
Trước mắt, để làm tốt công tác bình đẳng giới ở các địa phương có đông đồng bào DTTS như huyện Bác Ái, nhiệm vụ cần thiết vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán địa phương. Tập trung tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình trong các trường học, nhất là các trường lớp bán trú và dân tộc nội trú. Đồng thời, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả tại cấp cơ sở, tăng cường giáo dục pháp luật, kiến thức về bình đẳng giới tại vùng DTTS bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào DTTS để lan tỏa tới cộng đồng những thông điệp ý nghĩa về bình đẳng giới.
Đăng Doanh
-
Yên Bái: Triển khai hiệu quả nhiều mô hình giảm nghèo
18-11-2024 07:18 32
-
Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV và bạo lực trên cơ sở giới
12-12-2024 07:09 55
-
Yên Bái: Hoàn thiện mạng lưới công tác xã hội
18-11-2024 07:15 33
-
Tháo gỡ vướng mắc trong xác nhận, thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công
28-11-2024 15:20 26
-
Đẩy mạnh các chính sách, tăng cơ hội bình đẳng cho phụ nữ ở Ninh Thuận
09-12-2024 15:15 54
-
Một số quy định mức trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công
12-11-2024 14:49 29