Xã hội
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật
09:31 PM 26/03/2024
(LĐXH) - Thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách trợ giúp người khuyết tật (NKT), qua đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề NKT.
    
NKT ngày càng được quan tâm, trợ giúp học nghề, việc làm
Theo đó, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về NKT có nhiều đổi mới. Bên cạnh việc duy trì các chuyên mục, chuyên đề, chuyên san về NKT, các cơ quan báo chí, truyền hình tập trung hơn cho việc xây dựng các phóng sự, tài liệu phản ánh sinh động về tấm gương NKT vượt khó vươn lên và những tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác trợ giúp NKT.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức của NKT tổ chức nhiều sự kiện truyền thông nhằm thu hút dư luận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội về việc thực hiện quyền của NKT. Cụ thể năm 2023, Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường, Hiệp hội Paralympic Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan tổ chức chương trình chào mừng ngày NKT Việt Nam (18/4) năm 2023 chủ đề: “Thể thao - Hòa nhập - Vươn lên” tại TP. Hồ Chí Minh và chương trình chào mừng ngày Quốc tế về NKT (3/12) và diễn đàn lắng nghe tiếng nói của NKT tại Hà Nội, tại buổi lễ đã trao 28 Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và 20 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho huấn luyện viên, vận động viên là NKT có thành tích xuất sắc trong thể thao. Phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lựa chọn 35 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu để tuyên dương tại Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2023 và tặng sổ tiết kiệm 10 triệu đồng/sổ và lựa chọn 03 sáng kiến của thanh niên hỗ trợ vốn khởi nghiệm 50 triệu đồng/dự án.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp Truyền hình Quốc hội, Đài truyền hình Việt Nam, trong Chương trình góc nhìn VNews - Truyền hình thông tấn Việt Nam để truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý cho đối tượng chính sách và NKT. Bộ Y tế in ấn tài liệu chuyên môn về phục hồi chức năng, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông về phòng ngừa khuyết tật, phục hồi chức năng (PHCN) và hiệu quả PHCN trên truyền hình Việt Nam, truyền hình Quốc hội, VTV2, Báo Sức khỏe đời sống, Báo Nhân dân…
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động các lực lượng trong xã hội tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Người khuyết tật về công tác trợ giúp giáo dục NKT, Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của NKT và pháp luật liên quan đến giáo dục NKT; Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các chương trình truyền hình dành cho NKT, dạy ngôn ngữ kí hiệu trên truyền hình, sản xuất các chương trình truyền hình có phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu; Xây dựng các Website dành cho NKT tham gia học tập trên mạng internet, cung cấp các bài học có chuyển đổi chữ viết thành lời nói giúp người khiếm thị tiếp cận được thông tin, xây dựng bài giảng các môn học thông qua ngôn ngữ kí hiệu, dạy ngôn ngữ kí hiệu...; Phối hợp với các Bộ, ngành và Mạng lưới Cha mẹ trẻ tự kỷ Việt Nam tổ chức thành công Ngày hội thể thao cho trẻ tự kỷ Việt Nam. Tổ chức kỷ niệm ngày NKT Việt Nam 18/4/2023 và ngày Quốc tế về NKT 03/12/2023 tại các cơ sở giáo dục.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, truyền thông cho phụ nữ nói chung, trong đó có phụ nữ khuyết tật tại các địa phương, xây dựng được 01 clip truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống ung thư vú sử dụng ngôn ngữ kí hiệu dành cho người khiếm thính.
Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức thành công Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ 18 tri ân các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng hành cùng hoạt động Hội; tổ chức chương trình Trung thu yêu thương - Tiếp sức em tới trường, tặng quà cho học sinh khuyết tật, mồ côi các tỉnh. Tổ chức đưa các cháu học sinh khuyết tật, mồ côi một số tỉnh phía bắc về thăm thủ đô Hà Nội, gặp mặt đại diện lãnh đạo Quốc hội. Phối hợp tổ chức Chương trình Tọa đàm “Tự tin cất cánh ước mơ” dành cho học sinh khiếm thị; phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tặng quà, học bổng, động viên trẻ mồ côi tham dự Trại hè Hoa Hướng Dương.
Hội Người mù Việt Nam Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc mời giảng viên nói chuyện chuyên đề; Hội thảo thúc đẩy công tác giáo dục phổ thông đối với người khiếm thị; tổ chức cuộc thi “Thắm sắc hoa nghị lực”, cuộc thi “Lan toả cuốn sách tôi yêu và tấm gương học tập suốt đời”. Với sự hỗ trợ của Công đoàn Bộ Kế hoạch Đầu tư Hội Người mù Việt Nam đã trao 6.540 cây gậy trắng cho người mù các tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức chương trình “Đồng hành cùng trẻ em nghèo, khuyết tật”; tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ từ thiện, các buổi Hội thảo, diễn đàn và nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm giúp đỡ trẻ khuyết tật, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân và đặc biệt là các nhà tài trợ; nhân dịp tết Trung thu, Hội đã phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội truyền hình trực tiếp Chương trình “Thắp sáng niềm tin cho em” lần thứ 8, có 700 đại biểu tới dự. Tại chương trình 200 trẻ khuyết tật tiêu biểu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận quà, mỗi suất trị giá 1.500.000đ/suất. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam (4/12/1993 - 4/12/2023), đã tặng quà cho 50 trẻ em khuyết tật tiêu biểu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận quà mỗi suất trị giá 1.000.000 đồng tiền mặt và quà/suất; tặng bằng khen và kỷ niệm chương cho 137 cá nhân và tập thể có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Cứu trợ trẻ em khuyết tật năm 2023 và thời gian qua.
Có thể nói, những đổi mới tích cực trong hoạt động truyền thông đã mang lại nhiều hiệu quả thực chất trong việc nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội về vấn đề NKT, thu hút sự quan tâm và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư; giảm thiểu định kiến xã hội về năng lực của NKT, thúc đẩy chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề, tạo sinh kế phù hợp để NKT tự chủ cuộc sống. Các rào cản xã hội, từng bước giảm dần, quyền của NKT ngày càng được bảo đảm tốt hơn, các cơ quan, đơn vị đã cố gắng thực hiện các quy định hỗ trợ cho NKT./.
Hồng Phượng
 
 
Từ khóa: