Xã hội
Đẩy mạnh hỗ trợ khẩn cấp người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu
11:45 AM 13/04/2022
(LĐXH) - Trước tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các tỉnh thuộc khu vực miền Trung vừa qua, Bộ Lao động - TBXH đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thường xuyên theo dõi tổng hợp tình hình thiệt hại để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Cục Bảo trợ xã hội đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng thống kê những hộ dân bị ảnh hưởng để có giải pháp hỗ trợ, không để nhân dân bị thiếu đói vào thời điểm giáp hạt.
Theo tin từ Cục Bảo trợ xã hội, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng La Nina cộng với không khí lạnh và vùng áp thấp tăng cường, từ ngày 31/3/2022 đến ngày 4/4/2022, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đã xảy ra mưa lớn kèm theo giông lốc, lượng mưa phổ biến từ 250 - 500 mm, gió giật mạnh cấp 6-7 đã gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, sản xuất và tài sản. Đặc biệt, một số khu vực có mưa lớn như Quảng Trị 378 mm, Thừa Thiên Huế 643 mm; Bình Định 345 mm; Phú Yên 273 mm, Khánh Hòa 275 mm. Đây là hiện tượng thời tiết rất bất thường gây thiệt hại nhiều về tài sản và người cho bà con trong vùng.
Sáng ngày 01/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp với 07 tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, giông lốc, gió mạnh trên biển khu vực miền Trung. Đồng thời đã tổ chức đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại khu vực miền Trung.
Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 298/CĐ-TTg ngày 02/4/2022 về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đã có văn bản số 167/VPTT ngày 28/3/2022, văn bản số 171/VPTT ngày 30/3/2022 và văn bản số 176/VPTT ngày 31/3/2022 chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên ứng phó với mưa lớn, lũ, lốc, sét, gió mạnh trên biển.
Cục Bảo trợ xã hội đã thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình đời sống dân sinh. Phối hợp, đôn đốc hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên theo dõi tình hình diễn biến thiên tai, tổng hợp, thiệt hại, tổ chức huy động nguồn lực tại chỗ kịp thời, hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ gia đình có người bị chết, mất tích, bị thương, có nhà bị đổ, sập, hư hỏng nặng về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu; thăm hỏi, hỗ trợ các hộ gia đình có người bị chết, mất tích, bị thương, nhà đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng để kịp thời hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ để bảo đảm sớm ổn định cuộc sống trở lại.
Về tình hình thiệt hại, theo thông tin tổng hợp từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tình hình mưa lũ đã gây ảnh hưởng đời sống người dân như sau: Người chết: 04 người (Phú Yên: 01 người do lốc xoáy khi trên ghe; Quảng Nam: 01 người do di chuyển máy xúc qua ngầm tràn bị lũ cuốn trôi; Quảng Trị: 01 người bị lũ cuốn trôi từ ngày 2/4, ngày 3/4 đã tìm thấy thi thể; Thừa Thiên Huế: 01 người do chạy xe máy đi trên đê, gặp nước sâu chảy mạnh và gió to nên bị cuốn trôi). Người mất tích: 01 người (Phú Yên) do chìm ghe. Người bị thương: 05 người (Thừa Thiên Huế) do giông lốc. Nhà đổ, sập: 39 nhà (Phú Yên: 02 nhà), (Thừa Thiên Huế: 37 nhà).  Nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng: 38 nhà (Quảng Trị: 01 nhà; Thừa Thiên Huế: 27 nhà; Phú Yên: 10 nhà).
Về nông nghiệp: 50.172 ha lúa, 7.946 ha hoa màu bị ngập, đổ.  Về giao thông: 06 điểm sạt lở (Thừa Thiên Huế: 01 điểm; Đà Nẵng: 02 điểm; Quảng Nam: 03 điểm). Ngoài ra, 261 ghe, thuyền bị chìm (Thừa Thiên Huế: 07; Bình Định: 77; Phú Yên: 117; Khánh Hòa: 60); 2.480 lồng bè thiệt hại tại tỉnh Phú Yên.
Kết quả cứu trợ khắc phục hậu quả: Tại tỉnh Quảng Trị: Hiện đang gia cố đê bao vùng trũng huyện Hải Lăng, sẵn sàng phương án sơ tán 4.914 hộ/15.679 người nếu tiếp mưa lớn. Tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi: Chỉ đạo cấm biển và tổ chức sắp xếp lồng bè, tàu thuyền neo đậu. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo vận hành hồ chứa để giảm ngập lụt hạ du. Tại tỉnh Phú Yên: Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng biên phòng, công an và bộ đội cùng người dân cứu hộ các tàu cá gặp nạn, trục vớt 80 tàu. Thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị chết, mất tích và hỗ trợ khắc phục nhà ở bị đổ, sập và hư hỏng. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Chính quyền địa phương cùng các lực lượng xung kích đã hỗ trợ nhân dân khắc phục nhà ở bị sập, đổ, bị ngập nước, riêng nhà bị đổ, sập, tiếp tục huy động nguồn kinh phí để khắc phục.
Các địa phương đã chủ động kiểm tra, thống kê tình hình thiệt hại dân sinh; huy động lực lượng giúp nhân dân vệ sinh môi trường, vệ sinh các cơ sở hạ tầng, công sở để sớm đi vào hoạt động. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ khắc phục dân sinh ngay và trong khi thiên tai xảy ra. Trong đó, kịp thời thực hiện hỗ trợ khẩn cấp hộ có người bị chết, người mất tích, người bị thương nặng và nhà bị sập, đổ, hư hỏng nặng theo đúng quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm tất cả các hộ sớm ổn định đời sống sinh hoạt, làm việc trở lại./.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: