Xã hội
Đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại Việt Nam
08:51 PM 22/01/2024
(LĐXH)- Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, đến nay, công tác xã hội ở nước ta đã phát triển với nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu trợ giúp đối tượng và người dân.
Chăm sóc đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội
Triển khai nhiệm vụ năm 2023, Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các Chương trình phát triển công tác xã hội, Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, bảo vệ môi trường tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội đã hình thành và phát triển trên phạm vi toàn quốc, trong đó, có nhiều mô hình trung tâm công tác xã hội đã vận hành rất hiệu quả, cung cấp dịch vụ công tác xã hội như tham vấn, tư vấn, quản lý trường hợp, trị liệu, phục hồi chức năng hỗ trợ cho hàng ngàn lượt đối tượng.
Hiện có gần 250 nghìn công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội trên phạm vi cả nước, trong đó, có 35 nghìn công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng, tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm.
Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp với Báo điện tử Dân trí tổ chức Hội thảo công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với một số Hội, đoàn thể, trường đại học tổ chức tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên trong các lĩnh vực liên quan về công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ; nghiên cứu, biên soạn, chỉnh sửa, hoàn thiện các chương trình công tác xã hội, trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; phối hợp với trường Đại học Công đoàn hội thảo công tác xã hội với người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường Đại học Khoa học xã hội văn tổ chức hội thảo phát triển nguồn nhân lực về công tác xã hội trong chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ; tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội và sức khỏe tâm thần cho các tỉnh, thành phố.
Thực hiện công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội, hiện nay, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội (191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập) đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng, chăm sóc nuôi dưỡng cho khoảng 70.000 đối tượng; quản lý hàng trăm nghìn đối tượng tại cộng đồng; hỗ trợ chăm sóc khẩn cấp cho khoảng 600.000 lượt đối tượng. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, lao động và dạy nghề, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa và chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 966/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các tỉnh, thành phố từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Tham mưu Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các mô hình Trung tâm công tác xã hội, trung tâm chăm sóc và PHCN cho người tâm thần và tổ chức lại các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch- Đầu tư hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho khoảng 50 cơ sở trợ giúp xã hội, hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình gia đình cá nhân nhận nuôi và mô hình dạy nghề đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng mô hình cơ sở tạm lánh tại một số địa phương.
Trong thời gian tới, Cục Bảo trợ xã hội tập trung triển khai quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ về trợ giúp xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng; điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật; nâng cao chất lượng, hiệu quả trợ giúp xã hội góp phần phòng ngừa người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của đối tượng cần được trợ giúp và nâng cao sức khỏe nhân dân. Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm đáp ứng yêu cầu chăm sóc và cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng trợ giúp xã hội./.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: