Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn bom mìn tại các địa phương
(LĐXH)- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giúp người dân và cộng đồng biết tự bảo vệ mình, tránh được những hậu quả đáng tiếc do bom mìn gây ra khi không có các lực lượng chức năng ở đó.
Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm, có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hoá học. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn là do kiến thức về phòng tránh tai nạn bom mìn còn hạn chế. Vì vậy vấn đề cấp thiết cần thực hiện trước hết là công tác truyền thông, tuyên truyền giáo dục phòng tránh bom mìn, vật liệu nổ cho cộng đồng trên địa bàn nhằm bảo vệ và chăm sóc người dân, cũng như cộng đồng, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ tổn thương.
Tại tỉnh Lạng Sơn, theo kết quả điều tra khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 45.000 ha đất bị ô nhiễm, chiếm 10% diện tích đất của tỉnh. Vì vậy, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ sau chiến tranh cho nhân dân, đặc biệt là học sinh là rất cần thiết. Trong năm 2022, hoạt động tuyên truyền được tổ chức với nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, chiếu phim lưu động, hệ thống loa phát thanh thôn bản tại các huyện biên giới (Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập) và tổ chức cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại” cho học sinh trường Tiểu học và Trung học Cơ sở ở địa bàn biên giới...
Toàn tỉnh đã có hơn 50 loạt tin bài đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Lạng Sơn tổ chức trên 20 lượt tuyên truyền cho gần 2.000 lượt cán bộ chiến sỹ; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cử cán bộ xuống thôn bản của 20 xã thị trấn biên giới để chiếu phim, truyền thông bằng loa phát thanh của thôn bản, thu hút gần 4.000 lượt người nghe, xem. Cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại” thu hút trên 1.360 học sinh tham gia… Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn trên địa bàn tỉnh. Người dân đã tiếp cận thông tin hữu ích, học sinh cơ bản nắm được kỹ năng phòng tránh tai nạn do các loại bom mìn, vật nổ sau chiến tranh gây ra.
Còn tại tỉnh Tây Ninh, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, theo kết quả điều tra khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ năm 2023, toàn tỉnh có trên 191.000 ha đất ô nhiễm, chiếm khoảng 47,4% diện tích đất của tỉnh. Chính vì vậy, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệt nổ sau chiến tranh cho nhân dân, đặc biệt là các em học sinh, đối tượng dễ bị tổn thương là rất cần thiết.
Tỉnh đã tích cực phối hợp với Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho các ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Theo đó, đã có 40 loạt tin, bài được đăng tải trên các phương tiện truyền thông địa phương. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cử cán bộ đến tận ấp, xã của huyện Tân Châu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng tuyên truyền với hình thức chiếu phim và thông tin truyền thông trên loa phát thanh của ấp, xã thu hút hơn 6.000 lượt người tham dự.
Song song các hoạt động tuyên truyền, ban tổ chức đã phát động Cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn do chiến tranh để lại” tại 9 trường THCS trên địa bàn các huyện biên giới Tân Châu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng (là khu vực ô nhiễm bom mìn nặng) thu hút hơn 1.135 học sinh tham gia với 1.135 tác phẩm dự thi. Kết quả ban tổ chức trao giải cho 2 tập thể và 42 cá nhân. Kết quả các đợt tuyên truyền, hầu hết người dân được tiếp cận những thông tin hữu ích, đặc biệt là những em học sinh cơ bản nắm được những kỹ năng phòng tránh tai nạn do các loại bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh gây ra.
Đặc biệt là cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại” nhận được số lượng lớn tác phẩm dự thi có chất lượng, thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo cũng như hiểu biết của các em học sinh về sự cần thiết phải bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh trước tác hại của bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh. Đây là kết quả đáng khích lệ làm tiền đề cho các đợt phát động tuyên truyền, thi đua trên phạm vi rộng lớn hơn trong thời gian tới./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
13-11-2024 08:48 35
-
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
12-11-2024 17:27 31
-
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
12-11-2024 17:27 25