Xã hội
Đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính
09:57 AM 11/12/2024
(LĐXH)- Nhằm chủ động trong công tác tích hợp dữ liệu thông tin ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân với Cơ sở dữ liệu Căn cước theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, nhiều tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, theo Kế hoạch, Phú Thọ sẽ tiến hành triển khai thực hiện khảo sát, thu thập thông liệt sĩ và thân nhân gồm: Thông tin liệt sĩ đã xác định được phần mộ và người hưởng trợ cấp của liệt sĩ, thông tin liệt sĩ chưa xác định được phần mộ và thân nhân. Thực hiện xác minh, cập nhật, bổ sung thông tin các liệt sĩ chưa xác định được hài cốt và thông tin thân nhân liệt sĩ trên phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đánh giá, phân loại thân nhân gia đình có liệt sĩ chưa xác định được thông tin hài cốt có thể thu mẫu đối sánh, trong đó xác định các gia đình có người thân ở mức độ ưu tiên có khả năng đối sánh cao; các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo… để ưu tiên thực hiện trước, các thân nhân còn lại thực hiện sau.
Đơn vị chức năng tiến hành lấy mẫu hài cốt liệt sĩ 
Hiện tỉnh Ninh Bình còn hơn 9.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, ngày 11/9/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được thông tin trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. 
Việc thu nhận ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính do Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, giúp mở ra cơ hội để các gia đình có điều kiện sớm tìm thấy thi hài liệt sĩ.
Ngày 18/11, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn thành phố.
Theo UBND TP, đây là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách tìm kiếm, xác định liệt sĩ chưa xác định danh tính; là trách nhiệm của xã hội, của mỗi người và đề cao đạo lý "Đền ơn đáp nghĩa", tri ân đối với gia đình các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời vận động người dân có thân nhân là liệt sĩ hy sinh chưa xác định được thông tin, chưa tìm được hài cốt cung cấp mẫu ADN để phục vụ công tác tìm kiếm, xác định danh tính…
Theo kế hoạch, Thành phố sẽ triển khai thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính đang hưởng trợ cấp liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ theo danh sách do Sở LĐTBXH quản lý gắn với việc tạo lập kho dữ liệu thông tin liệt sĩ trên CSDL quốc gia về dân cư trên địa bàn đối với người dân đang cư trú tại Thành phố là thân nhân liệt sĩ đã hy sinh qua các thời kỳ hoặc người hưởng trợ cấp liệt sĩ. Thời gian triển khai là từ nay đến hết năm 2025.
Sau khi hoàn thành công tác rà soát, sẽ tiến hành thực hiện thu mẫu, lưu mẫu ADN thân nhân liệt sĩ. Điều này được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 600/NCC-LTHS ngày 21/6/2012 của Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin quy định về việc lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ.
Cụ thể:  Đối tượng lấy mẫu sinh phẩm: Ít nhất lấy mẫu của 02 người trong số những người thân có mối quan hệ huyết thống theo dòng mẹ của liệt sĩ, theo thứ tự ưu tiên: (1) Mẹ liệt sĩ; (2) Mẹ đẻ của mẹ đẻ (bà ngoại ruột) của liệt sĩ; (3) Anh chị em cùng mẹ đẻ với liệt sĩ; (4) Bác, cậu, dì là anh, chị, em ruột của mẹ liệt sĩ (cùng mẹ đẻ).
Khi không có thân nhân là những đối tượng nêu trên, có thể lấy của những người có quan hệ họ hàng xa hơn nhưng vẫn có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ với liệt sĩ như: (5) Anh, em con của chị gái, em gái mẹ đẻ liệt sĩ; (6) Con của chị gái, em gái của liệt sĩ.
Quy trình thu nhận, bảo quản, phân tích mẫu với thân nhân liệt sĩ đảm bảo giải pháp xác thực thông tin công dân và thu kèm sinh trắc ảnh mặt hoặc vân tay để đối sánh xác thực lại với thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước và giải pháp kết nối, tích hợp dữ liệu. 
Để triển khai Kế hoạch có hiệu quả, UBND các tỉnh, thành đã đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện, trong đó nhấn mạnh: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và việc triển khai thu mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình thực hiện.
Tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin liên quan đến thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính; tuyên truyền, động viên các cá nhân là thân nhân các liệt sĩ chưa xác định danh tính tham gia thu nhận ADN vì các mục tiêu tốt đẹp và các tiện ích mang lại.
Các cơ quan đã tiến hành rà soát các văn bản pháp luật và kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu để làm hành lang pháp lý cho quá trình triển khai thực hiện.
Công an tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phối hợp với UBND các huyện, thành thị tập trung triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin liệt sĩ và thân nhân đầy đủ, chính xác đảm bảo kết nối, tích hợp với các cơ sở dữ liệu liên quan, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước có thể tích hợp, chia sẻ đầy đủ thông tin ADN hài cốt liệt sĩ (kèm theo thân nhân) có thể thực hiện tích hợp, đối sánh, truy nguyên thông tin nhân thân của các liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai Đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ LĐTBXH triển khai. Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng.

Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin./.

Minh Hồng