Xã hội
Đến cuối năm 2020 Lai Châu còn 16,62% hộ nghèo
09:37 AM 01/10/2020
(LĐXH) - Giai đoạn vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh Lai Châu giảm trung bình 4,76%/năm, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,3%/năm, riêng các huyện nghèo, ước giảm 5,64%/năm…
Lai Châu đã có nhiều cách làm có hiệu quả giúp người dân thoát nghèo bền vững
Trong các năm từ năm 2016 đến năm 2019, tỉnh Lai Châu đã giảm 15.920 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 20,28%, trung bình mỗi năm giảm 5,07%. Và theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019, tỉnh Lai Châu còn 20.174 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 20,12%; còn 10.097 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 10,07%. Ước thực hiện đến hết năm 2020, tỉnh còn 17.055 hộ nghèo, chiếm 16,62%; còn 8.755 hộ cận nghèo, chiếm 8,57%.
Trước tiên, cơ chế chính sách được ban hành đồng bộ, đầy đủ, được cụ thể hoá vào điều kiện của địa phương. Nguồn lực thực hiện Chương trình được giao theo trung hạn đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động trong việc cân đối, bố trí vốn, hạn chế nợ đọng vốn. Việc phân bổ nguồn lực được thực hiện theo tiêu chí cụ thể, rõ ràng, phù hợp với trình độ phát triển và nhu cầu của từng huyện, xã và bản nghèo. Công tác chỉ đạo, điều hành đã có nhiều đổi mới về nội dung; nhận thức trách nhiệm về công tác giảm nghèo của các cấp, các ngành và người dân được nâng lên, đã huy động được cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là ở cấp cơ sở. Đặc biệt, là công tác tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức của người dân, nhất là người nghèo, nhiều hộ nghèo đã chủ động đăng ký thoát nghèo.
Ưu tiên các thế mạnh của từng vùng để có giải pháp phù hợp trong công tác giảm nghèo
Các chính sách đến với đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả tích cực. Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn từng bước được đầu tư hoàn thiện, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, giải quyết cơ bản nhu cầu của người dân về giao thông, nước sinh hoạt, nước sản xuất, trường, lớp học... tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm từng bước phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho người lao động tự tạo được việc làm hoặc tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định; chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục đã tạo điều kiện để người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản; chính sách về hỗ trợ sản xuất đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn và giúp cho người nghèo được tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thể nhận thấy, đời sống của nhân dân nhất là ở các xã nghèo từng bước được nâng lên. Bình quân thu nhập đầu người toàn tỉnh nói chung đặc biệt là vùng khó khăn nói riêng đều có tốc độ tăng trưởng khá. Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
NHB
 
Từ khóa: