Đến với những “Nghệ nhân” khuyết tật ở Trung tâm Hi Vọng thành phố Huế
(LĐXH) – Với thông điệp: “Hãy dành một phần trái tim và chia sẻ hạnh phúc của mình cho những người khuyết tật, khó khăn trong xã hội”, Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho Người khuyết tật - TEKK Hy Vọng, tọa lạc ở 20 Nhật Lệ, thành phố Huế đã tổ chức Ngày hội hi vọng với mong muốn người khuyết tật có thể nhận ra giá trị của bản thân cũng như tự mình trang trải cho cuộc sống.
Với nhiều hoạt động như được trải nghiệm các công đoạn làm gốm Raku, làm sản phẩm bằng bàn xoay, trải nghiệm đan chén, dĩa, móc khóa, làm nhẫn, đan phin cafe,... từ chất liệu dây điện tái chế, ngày hội đã thu hút rất nhiều nhiều người dân trên địa bàn TP. Huế và du khách trong và ngoài nước tham gia.
Suốt thời gian diễn ra ngày hội từ sáng cho đến chiều tối, trung tâm liên tục đón các đoàn khách tham gia. Đông nhất vẫn là các ông bố bà mẹ đưa con đến trải nghiệm. Có mặt từ sáng sớm, mẹ con chị Lê Thị Thái An, đến từ TP. Huế say mê với trải nghiệm làm gốm Raku của mình, chị An chia sẻ: “Được tận tay làm các sản phẩm gốm nổi tiếng Raku, tôi cảm thấy rất thú vị, tôi sẽ cất giữ những sản phẩm của hai mẹ con làm được trong ngày hôm nay để làm kỷ niệm”.
Càng về sau, ngày hội Trung tâm Hy vọng đón càng nhiều các đoàn du khách đến từ các nước Châu Âu. Ngoài tham gia trải nghiệm và mua sản phẩm cho các em, nhiều du khách con quyên góp tiền ủng hộ. Chị Regina, đến từ Ấn Độ tham gia hầu hết các hoạt động diễn ra tại ngày hội. “Chứng kiến tinh thần lạc quan, niềm vui của các em khi hướng dẫn tôi từng công đoạn, tôi lại muốn nán lại để làm các em vui thêm”. Không chỉ hào hứng tham gia các hoạt động trải nghiệm, nhiều bạn sinh viên con mở gian hàng bán nước giải khát gây quỹ cho các em tại ngày hội.
Gần cuối giờ chiều, anh Nguyễn Thanh Lâm đến từ phường Thủy Xuân mới đưa các con tới ngày hội. Sợ hết thời gian, cha con anh Lâm nhanh chóng tham gia trải nghiệm các hoạt động rồi cùng chụp ảnh lưu niệm với người hướng dẫn đặc biệt này. Anh Lâm chia sẻ: Tình cờ đi ngang qua nên biết được ngày hội này. Nhìn thấy các cháu nhỏ khuyết tật hướng dẫn con tôi làm những sản phẩm handmade, tôi muốn giáo dục con tôi nghị lực vươn lên và biết yêu thương chia sẻ với những người không may trong cuộc sống, biết trân trọng những gì mình đang có”.
Được đón nhiều đoàn khách, được hướng dẫn cho khách cùng làm những sản phẩm hàng ngày của mình, chương trình đúng nghĩa là ngày hội cho các em khuyết tật. Hầu hết các em đều câm điếc, thiểu năng trí tuệ nhưng chứng kiến những hành động, cử chỉ, niềm vui trong những ánh mắt nụ cười có phần ngô nghê của các em, điều mà tôi cảm nhận được là các em đang rất hạnh phúc. Bận rộn nhất vẫn là bạn Nguyễn Văn Hậu, tuy bị câm nhưng Hậu rất giỏi làm gốm Raku. Hậu thay nghệ nhân Oliver Oet hướng dẫn cho khách từng chi tiết một, miệng lúc nào cũng tươi cười. Không riêng Hậu, các thành viên khác cũng vui không kém. Khi được một du khách nước ngoài nhờ hướng dẫn làm cái dĩa bằng dây điện sáng chế, em Huỳnh Công Trí vui ra mặt, em cầm tay khách hướng dẫn từng công đoàn một. Chứng kiến thái độ tự hào của em khi hướng dẫn khách làm ra một sản phẩm, người khác cũng vui lây
Nhiệm vụ chính của Đoàn Văn Bảo, là phục vụ tổ may song để phục vụ ngày hội, Bảo được tăng cường hướng dẫn khách trải nghiệm các công đoạn làm nan đan rổ. Không tròn vành rõ chữ nhưng Bảo vẫn tự tin: “Giỏi một nghề biết nhiều nghề, chị ngồi xem em hướng dẫn khách đan rổ mà xem đẹp lắm”.
Chứng kiến từng đoàn người người vào ra liên tục trong suốt ngày hội, chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng phấn khởi: Hy vọng sau ngày hội này, sẽ có nhiều người biết về trung tâm nhiều hơn, sẽ có nhiều tour du lịch đến với trung tâm để trải nghiệm sản phẩm du lịch làm gốm, đan lát sản phẩm thủ công mỹ nghệ với chất liệu thân thiện môi trường, tận dụng phế liệu để tái chế góp phần làm sạch môi trường, chế tác sản phẩm thổ cẩm… Chị Hồng cũng cho biết : "Sắp tới Trung tâm sẽ phải trả lại địa điểm cho phường vì vậy hiện nay trung tâm đang tìm cách gây quỹ và xin các đơn vị hỗ trợ để xây dựng một địa điểm mới cho các em".
Nghệ nhân gốm Oliver Oet, đại diện tổ chức AVMO Paris (Pháp), tổ chức hỗ trợ Trung tâm Hy vọng từ nhiều năm nay cho biết: “Tôi ấp ủ mở ngày hội này từ hai năm trước song do nhiều lý do nên giờ mới tổ chức được. Thông qua hoạt động này, tôi muốn mọi người có cái nhìn tích cực hơn với các em khuyết tật ở đây. Các em hoàn toàn có thể làm được những điều như người bình thường, điều quan trọng là tạo cho các em niềm tin và hy vọng. Từ sáng sớm đến giờ, được trực tiếp hướng dẫn giới thiệu nhiều lượt khách đến với trung tâm bằng tất cả tấm lòng tôi làm thấy rất hạnh phúc”. Hiện ông cũng đang nỗ lực kết nối với những bạn bè của mình ở Pháp và những người Việt Nam từng du học tại Pháp mà ông quen biết để kêu gọi chung tay giúp đỡ các em tại trung tâm.
Ông Oliver Oet được biết đến là người tình nguyện vượt đại dương xa xôi đến với đất nước Việt Nam đễ giúp đỡ và hỗ trợ trẻ khuyết tật. Năm 2015, thông qua các mối quan hệ của mình, ông đã vận động bạn bè và người thân đứng ra thành lập một tổ chức phi chính phủ cho những người khuyết tật trong đó có cả việc hỗ trợ cho trung tâm Hy vọng Huế. Không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện học nghề cho người khuyết tật, vợ chồng ông Oliver còn giúp đỡ các hộ dân nghèo tại huyện miền núi A Lưới của tỉnh Thừa Thiên – Huế bằng việc triển khai mô hình thí điểm nuôi dê.
Khánh Quyên
Từ khóa:
-
‘Biển người’ đổ về hồ Tây xem 2.025 drone trình diễn ánh sáng
19-01-2025 17:47 48
-
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
18-01-2025 10:32 19
-
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
17-01-2025 17:06 58
-
“Bữa ăn hạnh phúc” cùng 662 phần quà được trao cho học sinh trường Khao Mang
14-01-2025 14:34 36
-
Đắk Lắk: Chăm lo chu đáo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
14-01-2025 11:10 58
-
Chương trình “Xuân biên cương - Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”
14-01-2025 11:10 55