Giáo dục - Nghề nghiệp
Điểm sáng trong phong trào đào tạo nghề và khởi nghiệp ở Kế Sách
11:46 AM 16/09/2024
(LĐXH) - Thực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỉnh Sóc Trăng nói chung và huyện Kế Sách nói riêng xác định, chăm lo cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề, giúp đồng bào Khmer tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống; từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh.
Tại huyện Kế Sách, thời gian qua, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị như Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sóc Trằn, Trung tâm GDNN – GDTX huyện cùng các UBND xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức hội nghị, hội thảo, đối thoại, Phiên giao dịch việc làm nhằm tư vấn việc làm, nghề nghiệp và xuất khẩu lao động nhằm tạo điều kiện cho lao động tại địa phương tìm việc làm phù hợp, góp phần ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
HUyện cũng tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm Trực tuyến tại huyện và trực tiếp tại xã, thị trấn tạo cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động thông qua hoạt động giới thiệu việc làm.
Kết quả, trong 10 tháng đầu năm 2024, Trung tâm GDNN – GDTX huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn để mở được 30 lớp đào tạo nghề cho người lao động với 540 học viên tham dự, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, có 07 lớp nghề Phi nông nghiệp với 126 lượt học viên (03 lớp Đan Lục Bình với 54 học viên, 04 lớp Tin Học Văn Phòng với 72 học viên); 23 lớp Nông nghiệp 23 với 414 học viên (07 lớp Trồng cây ăn quả với 126 học viên, 12 lớp Chăn nuôi Thú Y với 216 học viên, 03 lớp nuôi Thủy Sản với 54 học viên, 01 lớp chăm sóc hoa kiểng với 18 học viên). Riêng đối với công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 – 2024), Trung tâm đã đã mở được 08 lớp với 144 học viên. Trong đó, có 06 lớp đào tạo Nông Nghiệp  với 108 học viên (05 lớp Chăn nuôi Thú Y với 90 học viên, 01 lớp trồng cây ăn quả với 18 học viên). Tổ chức 02 lớp nghề Phi nông nghiệp cho 36 lượt học viên (tin học văn phòng).
Các phong trào thanh niên khởi nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật thời gian qua cũng được Kế Sách chú trong thực hiện. Từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị đã tổ chức nhiều chuyến tham quan mô hình thanh niên khởi nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên tại các xã: An Mỹ, Nhơn Mỹ, Kế An, Đại Hải và An Lạc Tây. Đây là một trong những hoạt động tạo điều kiện cho cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên tham gia trải nghiệm các mô hình thực tế và học tập kinh nghiệm. Giải quyết vấn đề "khát" vốn, các cơ sở đoàn làm tốt công tác ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp đoàn viên, thanh niên hiện thực hóa mô hình đang hướng đến.
Cùng đồng hành với đoàn viên, thanh niên lập nghiệp, Huyện đoàn và Huyện hội Kế Sách tiếp tục nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả trong thanh niên như: mô hình nuôi lươn trong bể bạt của thanh niên Thạch Thị Liên, xã Kế Thành; mô hình nuôi ếch thương phẩm kết hợp nuôi cá rô của thanh niên Sơn Văn Giào, xã Kế An; mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kín của đoàn viên Mai Trương Chí Tâm, thị trấn An Lạc Thôn; mô hình nuôi ong của thanh niên xã An Lạc Tây.
đoàn thanh niên còn triển khai hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp cho đoàn viên Trần Văn Hòn, đoàn viên ấp An Hòa, xã An Lạc Tây với mô hình “Nuôi ong lấy mật tự nhiên trên phấn hoa”. Với việc hỗ trợ vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, đoàn thanh niên còn hỗ trợ các mô hình, sản phẩm sáng tạo của đoàn viên, thanh niên được ứng dụng vào thực tế, tiêu biểu như: mô hình “Sản xuất mứt bưởi, rượu bưởi lên men tự nhiên, nguyên liệu thuần tự nhiên, tận dụng trọn vẹn trái bưởi, không gây lãng phí, thân thiện với môi trường”. Qua đó góp phần tạo động lực thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương.
Về vấn đề giải quyết việc làm, Huyện đoàn Kế Sách đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức Ngày hội việc làm cho đoàn viên, thanh niên, học sinh (bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến) tại UBND xã Trinh Phú. Các đoàn viên, thanh niên, học sinh đã được nghe các nhà tuyển dụng thông tin về nhu cầu tuyển dụng của công ty; tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước; chế độ tiền lương, các khoản phúc lợi người lao động được hưởng. Điều đó giúp các bạn trẻ được tiếp cận các thông tin cần thiết về nhu cầu việc làm, xác định nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân, từ đó góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại địa phương.
Hà Giang
 
Từ khóa: