Xã hội
Diễn đàn Nữ Sinh Việt Nam 2023: Phá bỏ rào cản định kiến giới...
09:38 PM 27/05/2023
(LĐXH) - Ngày 27-5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam) Việt Nam phối hợp cùng Saigon Children's Charity tổ chức “Diễn đàn Nữ Sinh Việt 2023”...
Hiện nay, các cơ quan ban ngành của nhà nước đã ban hành những chính sách về bình đẳng giới; ban hành chương trình quốc gia về bình đẳng giới, cũng như ban hành chương trình truyền thông về bình đẳng giới; các tổ chức vẫn đang nỗ lực thực hiện các sáng kiến, chương trình hành động cụ thể để dần xóa bỏ những nhận thức và hành vi có tính phân biệt trên cơ sở giới. Liệu những chuẩn mực xã hội về giới, những định kiến và khuôn mẫu về giới có còn ảnh hưởng như thế nào đối với em gái, nhất là trong lĩnh vực giáo dục?
Báo cáo “Những thách thức về giới trong tiếp cận giáo dục của trẻ em gái Việt Nam” được Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Saigon Children thực hiện tháng 4/2023 với 7000 cá nhân cho thấy trẻ em gái và nữ sinh Việt Nam hiện đang đối mặt với rất nhiều các rào cản khiến các em khó có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Nghiên cứu này thu thập ý kiến từ gần 7.000 cá nhân, là trẻ em hưởng lợi trong các chương trình của hai tổ chức cũng như là cộng đồng nói chung.
Hướng tới xây dựng một cơ sở nền tảng để em gái có thể được trao quyền, phát triển bình đẳng và tiếp cận đến các cơ hội phát huy năng lực cũng như kỹ năng lãnh đạo, diễn đàn được thiết kế dành cho các trẻ em gái và do nữ thanh thiếu niên và phụ nữ điều phối. Với sự tham gia của gần 250 nữ sinh THCS, THPT và các cơ sở đào tạo nghề. Cùng với đó, có sự hiện diện hơn mười diễn giả là những phụ nữ lãnh đạo và có tầm ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực truyền cảm hứng, hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản về giao tiếp, quản trị tài chính cá nhân cho các em.
 Bà Trần Vân Anh – Phó Viện trưởng Viện MSD phát biểu khai mạc chương trình
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Trần Vân Anh – Phó Viện trưởng Viện MSD cho biết: “Phần lớn các kết quả từ nghiên cứu của chúng tôi cho rằng hầu hết các em thanh thiếu niên tham gia khảo sát đều quen thuộc với các nhận định mang định kiến giới. Như vậy, sự phổ biến của các định kiến giới, đặc biệt ở các bạn nữ, sẽ tác động đến nhận thức về bản thân, về vai trò của bản thân và định hướng nghề nghiệp của các em. Có một phát hiện khá tích cực từ nghiên cứu này đó là hầu hết các em nữ sinh tham gia khảo sát cho biết các em chưa bao giờ có ý định bỏ học để kết hôn. Như vậy, diễn đàn là cơ hội cho các em gái được tiếp cận, giao lưu và học hỏi những người phụ nữ lãnh đạo trong các lĩnh vực khác nhau để các em được truyền cảm hứng, khơi gợi tiềm năng và nâng cao sự tự tin của mình để các em có thể tiếp tục được học tập và phát triển bản thân”.
TS. Lê Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng Đại học VinUni chia sẻ câu chuyện tại diễn đàn
Trong bài phát biểu truyền cảm hứng của mình, TS. Lê Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng Đại học VinUni chia sẻ 2 câu chuyện “bức tường thuỷ tinh” và “con đường tự chọn của mình". TS Lê Mai Lan khuyên các bạn nữ sinh hãy nên cảnh giác về những lời khen, lời khuyên của mọi người xung quanh như con gái phải thuỳ mị, nết na, đừng học nhiều khó lấy chồng, học khoa học tự nhiên khô khan, v.v. Về câu chuyện “con đường tự chọn của mình", chị cho lời khuyên: “Khi không còn những bức tường nào ngăn cản, chúng ta đi ra khám phá thế giới, nhưng đi về đâu, đi ra sao thì hãy xây nó bằng chính đôi tay và bước đi của mình. Hãy theo đuổi những công việc phù hợp với bản thân, theo đúng định hướng, sở thích và khả năng của mình. Khi đã quyết định theo đuổi con đường của mình thì hãy theo đuổi đến cùng, không ngừng cố gắng và thành công theo cách của mình!”.
Sau những bài phát biểu truyền cảm hứng, Chương trình diễn ra 03 toạ đàm với các chủ đề rất được các bạn nữ sinh quan tâm.

Toạ đàm 1: “Vẻ đẹp ngàn like, vượt qua áp lực từ mạng xã hội" với sứ tham gia của Hoa Hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà; Người mẫu Ngô Thúy Quỳnh; Nghệ sỹ/Họa sỹ Tử Mộc Trà, và MC Biên tập viên Xuân Quỳnh: mang đến các câu chuyện của các diễn giả khách mời câu chuyện họ đã từng bị khen chê, thậm chí bị bắt nạt, bịa đặt, vu khống trên môi trường mạng, những ảnh hưởng tới đời sống cá nhân và cách họ đã dũng cảm vượt qua để có thể tự tin toả sáng, và lan toả những giá trị đẹp và tích cực cho bản thân và cộng đồng.

Các khách mời chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm vượt qua áp lực từ mạng xã hội

Hoa hậu Đỗ Thị Hà tâm sự: “ Ngay sau đêm chung kết, Hà bị soi tất cả mọi thứ từ đời tư và cách ăn mặc, đặc biệt là xuất thân của Hà, những bình luận ác ý,, rồi cả những nhóm anti-fan, những bịa đặt, vu khống. Có những khoảng thời gian Hà cũng rất buồn và ảnh hưởng đến sự tự tin của bản thân. Hà chia sẻ “Vẻ đẹp "nghìn like" - đó là vẻ đẹp tạo ra từ các áp lực và cách mình vượt lên nó. Hà đã không lựa chọn né tránh mà học cách đọc từng bài viết để cảm nhận cả khen và chê, lọc khen và chê để biết mình cần hoàn thiện những gì và cũng vẫn còn rất nhiều người động viên, ủng hộ và là nỗ lực cho mình vươn lên. Sau tất cả, mình không thể lựa chọn mình sinh ra ở đâu, như thế nào nhưng mình có thể lựa chọn cách mình sống, vươn lên và toả sáng”.

Ở một góc độ khác là người làm nghệ thuật, Nghệ sỹ/hoạ sỹ Tử Mộc Trà cũng từng gặp rất nhiều lời chê bai, bình phẩm ác ý trên môi trường mạng, có hẳn 1 “group anti" khiến Trà cũng từng ảnh hưởng tâm lý đáng kể. Tuy nhiên sau đó, Trà nhận ra rằng vấn đề không hẳn nằm ở phía bản thân mình mà do mình khác biệt với các bạn. Từ sự khác biệt này, Trà đã tìm ra lại chính là điểm mạnh của bản thân mình để đầu tư để vươn lên và đạt được các thành tựu trong cuộc sống và sự nghiệp.

MC Xuân Quỳnh cũng chia sẻ về câu chuyện của chính mình khi là một cô gái Pleiku ra Hà Nội theo đuổi nghề MC và bị “ném đá" vì giọng nói không hợp “chuẩn Bắc", gầy gò, cắt tóc tém không nữ tính, v.v. và những bình luận đó cũng từng khiến bản thân hoài nghi về chính bản thân mình. Nhưng rồi khi nhận thức bản thân, Xuân Quỳnh đã bản lĩnh vượt qua và coi việc trau dồi kiến thức, kỹ năng là nền tảng vững vàng để có được tự tin hơn trong cuộc sống”.

Tọa đàm 2: “Phá bỏ rào cản - thoát khỏi những định kiến giới truyền thống” với sự tham gia của nhân vật chính trong phim tài liệu “những đứa trẻ trong sương” – bạn Má Thị Di; Ca sĩ Thái Thùy Linh; Á Hậu quốc tế Phạm Hồng Thúy Vân: kể câu chuyện của các nữ diễn giả phải trải qua những định kiến để được sống thật với bản thân mình.

Các khách mời chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm vượt qua những định kiến giới

Má Thị Di - cô gái dân tộc Mông đến từ huyện vùng cao Sapa (Lào Cai) - Nhân vật chính của bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” chia sẻ câu chuyện bản thân và các em gái dân tộc khi phải đối mặt với tục bắt vợ đã bị biến tướng, khiến rất nhiều em bị bắt về làm vợ, phải bỏ học và làm vợ làm mẹ khi tuổi đời còn quá trẻ. Di chia sẻ “ Với người dân tộc Mông, nếu con gái không đi theo người đầu tiên kéo mình, thì cô gái ấy như thể bị mất đi một phần giá trị của một người phụ nữ. Định kiến giới không chỉ đến từ những người xa lạ, định kiến giới có thể đến từ chính những người thân quen, những người gần gũi, tưởng chừng như hiểu chúng ta nhất trong cuộc sống. Em thấy sợ, vì em chẳng có thể tin được ai, thậm chí cả những cô dì chú bác sống quanh em... Di buồn, Di sợ, nhưng bạn không mất hy vọng.  đặt niềm tin vào bản thân, em quyết tâm rằng sẽ tự dành lại tự do cho chính mình. Em đã vượt lên tất cả các định kiến giới truyền thống để đứng lên mạnh mẽ, trở thành niềm tự hào của thôn làng. Hiện tại, Di vẫn là một người vợ, một người mẹ, nhưng cuộc sống của em không phải do một tập tục truyền thống quyết định, mà là cho chính em đưa ra lựa chọn của bản thân mình.”

Lắng nghe câu chuyện của Má Thị Di, Ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ về thực trạng những định kiến giới truyền thống, không chỉ ở các vùng sâu xa, dân tộc thiểu số mà hiển hiện như đương nhiên trong cuộc sống. Chị Linh cũng đưa ra lời khuyên cho các nữ sinh trong diễn đàn khi đối mặt với các định kiến con gái phải “xinh, nữ tính”: “Khi biết được giá trị bản thân thì ko có ai xấu. Những điều tích cực mình đạt được chính là "vẻ đẹp" của mình: với ca sĩ sắc đẹp chính là giọng hát, với người làm khoa học đó là thành tựu sáng chế, với người làm nông là sản phẩm cây trái... Chính các bạn hãy xác định đâu là vẻ đẹp của bản thân mình, không cần trông chờ những lời tán dương của người khác. Chúng ta không thể lúc nào cũng xù lông, phản ứng dữ dội,ko nhất thiết phải gồng mình ăn miếng trả miếng mà đáp trả bằng thành quả cá nhân. Các em gái hãy tập trung tìm kiếm giá trị, thế mạnh để phát huy,  cải thiện và bù đắp điểm yếu để tự tin toả sáng...".

Toàn cảnh diễn đàn

Tọa đàm 3: Dám khác biệt - Câu chuyện từ những người phụ nữ đi theo tiếng gọi đam mê với sự tham ra của GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng; Đỗ Thị Ngọc Châm - Cựu cầu thủ bóng đá nữ - Danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2008; Lê Mỹ Quỳnh - Chuyên gia bảo mật tại Singapore: chia sẻ câu chuyện của những nữ diễn giả đang làm những công việc được coi là lãnh địa của nam giới.

Chị Đỗ Thị Ngọc Châm - Cựu cầu thủ bóng đá nữ - Danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2008 chia sẻ hành trình theo đuổi bóng đá vốn được coi là môn thể thao vua dành cho nam giới. Chị Châm không được gia đình ủng hộ theo đuổi bóng đá… Chị cũng khuyên các bạn trẻ: “Để đạt được thành công, không ai không phải đánh đổi, không phải trải qua khó khăn, thất bại nhưng quan trọng là đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Thức thách, rào cản cũng có thể trở thành động lực, khiến yêu nghề hơn!”

Lê Mỹ Quỳnh - Chuyên gia bảo mật tại Singapore chia sẻ về con đường dẫn đến đam mê với nghề nghiệp hiện tại của mình: Ngay cả khi mình học an toàn thông tin, Quỳnh cũng cảm thấy mọi thứ rất mới, và vẫn chưa biết ngành này gồm có những gì hay mình sẽ làm gì. Nhưng khi đã lựa chọn, Quỳnh nói là sẽ phải làm cho thật tốt. Và dần dần, với những mốc thành công như tốt nghiệp thủ khoa, cơ hội việc làm ở Singapore được mở ra, Quỳnh ngày càng có thêm niềm vui và mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về ngành an toàn thông tin, và cho tới hiện tại có thể gọi nó là đam mê. Với Quỳnh, đam mê không phải xuất hiện từ khi bắt đầu nhưng là được bồi đắp và trau dồi theo từng quá trình.

Kể 1 câu chuyện truyền cảm hứng khác về hành trình của bản thân trở thành nhà Khoa học, nữ giáo sư trẻ nhất Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng chia sẻ về rất nhiều các rào cản khi “Nữ giới chiếm khoảng 28% lực lượng lao động khoa học kỹ thuật và đóng các vai trò thiết yếu trong sự phát triển. Tuy nhiên, khoa học kỹ thuật không được coi là vùng đất thân thiện với phụ nữ. Những định kiện giới ăn sâu bám rễ ngành khoa học kỹ thuật"

Chị chia sẻ câu chuyện thực tế khi phụ nữ dù có bằng cấp, trình độ chuyên môn cao đến đâu vẫn hay có xu hướng bị đẩy cho các công việc bàn giấy. Định kiến giới thậm chí tồn tại trong những điều nhỏ nhặt, cơ bản như ở một số nhà máy lọc dầu còn không có nhà vệ sinh nữ, trong trường hợp nhà khoa học nữ như chị đến nhà máy thực địa, khi có nhu cầu, đã phải dùng chung nhà vệ sinh nam. Dù chị được mời tới để phát hiện và sửa lỗi máy móc, kết luận của chị nhiều khi vẫn không được coi trọng vì là “con bé ở đâu đến sợ không biết gì".

Những câu chuyện và kinh nghiệm thu hút sự quan tâm từ các bạn nữ sinh tham gia tọa đàm

Những thông điệp và lời khuyên chân thành của các diễn giả đã tiếp thêm động lực và cảm hứng cho các bạn nữ sinh theo đuổi các chân giá trị của bản thân, nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, vượt qua mọi rào cản, định kiến. Từ đó, các em có thể tự tin phát triển năng lực, và tin tưởng và các giá trị của bản thân, dám vượt qua các rào cản và thách thức nảy sinh từ sự bất bình đẳng trên cơ sở giới, dám vượt qua giới hạn để phát triển bản thân và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng.

Diễn đàn sẽ tiếp tục với các hoạt động trao đổi kiến thức với chủ đề: Tự tin tỏa sáng để thành công và hạnh phúc của Career Coach Khanh Trần – CEO VIJA Link và Tự chủ tài chính – Công cụ và kỹ năng để đạt được ổn định về tài chính của Vũ Thị Tú Anh - Giám Đốc phòng Tài Chính Doanh Nghiệp- khối Khách Hàng Doanh Nghiệp lớn và Định Chế Tài Chính; Ngân Hàng Standard Chartered Việt Nam. Các hoạt động hướng nghiệp  từ các bạn trong nhóm Young Change Maker của trường Đại học VinUni và và Workshop vẽ tranh của nhóm hội hoạ của trường VinUni/./.

Nguyễn Hoàng