Xã hội
Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2020: Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ
02:24 PM 01/10/2020
(LĐXH) Sáng ngày 30/9, Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2020 diễn ra theo hình thức chức trực tuyến, với sự tham gia của các Bộ trưởng, Trưởng đoàn, các quan chức cao cấp và đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên. APEC. Đoàn đại biểu Việt Nam do bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn tham dự Diễn đàn tại đầu cầu Hà Nội.
Tham dự còn có các khách mời đến từ Ban Thư ký APEC quốc tế, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, Ban Thư ký ASEAN, Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương và Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương.
Đây là sự kiện cấp Bộ trưởng được tổ chức hằng năm trong khuôn khổ hợp tác APEC về phụ nữ và kinh tế. Diễn đàn năm nay do nền kinh tế chủ nhà của APEC 2020 là Malaysia chủ trì, với chủ đề “Thúc đẩy hệ sinh thái hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ”. Diễn đàn đã nghe Chủ tịch Nhóm Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế và Chủ tịch Nhóm công tác về doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC trình bày báo cáo kết quả hoạt động của các Nhóm. Các thành viên APEC cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội vốn đã tồn tại từ trước; gia tăng phạm vi và mức độ nghiêm trọng của các vấn đề mà phụ nữ và trẻ em gái ở các bối cảnh khác nhau phải đối mặt như bạo lực trên cơ sở giới, gánh nặng của công việc chăm sóc không được trả lương; các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị đóng cửa trên diện rộng...
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà làm trưởng đoàn
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Datuk Seri Rina Mohd Harun, Bộ trưởng Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng Malaysia, nhấn mạnh, việc trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế rất quan trọng. Đây cũng chính là một trong những nội dung để chúng ta có thể tăng cường, thúc đẩy việc hồi phục nền kinh tế trong bối cảnh mới một cách hiệu quả. Qua đó, có thể giải quyết một cách căn bản những yêu cầu, những nhu cầu cũng như có thể hỗ trợ một cách căn bản, hiệu quả cho những phụ nữ đang ở trong điều kiện phòng, chống dịch. "Vì vậy, nền tảng trong việc xây dựng chính sách này hôm nay thực sự là một hành động chung, tập thể của các nền kinh tế, để chúng ta có thể huy động, tiếp cận được các nguồn lực dành cho phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bình đẳng, thịnh vượng cho tất cả mọi người"- bà Datuk Seri Rina Mohd Harun nhấn mạnh.
Thảo luận về các hoạt động hợp tác khu vực có thể thực hiện nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nỗ lực của các nền kinh tế thành viên, thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã chia sẻ về những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tới kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em trước nguy cơ bị tổn thương, xâm hại. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh những chính sách và nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm đối phó với tình hình trên như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để trợ giúp khoảng 20 triệu người nhằm chia sẻ với người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch ở giai đoạn 1, trong đó phụ nữ và các thành viên trong gia đình họ là những đối tượng được quan tâm hỗ trợ. Để ứng phó với tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, một loạt biện pháp cũng được tiến hành như: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng kêu gọi tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các nỗ lực phục hồi kinh tế, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; Thúc đẩy thực hiệnc ác cơ chế và sáng kiến hiện tại; đề xuất các dự án, ý tưởng về lồng ghép giới và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của APEC; xem xét sớm thành lập Mạng lưới nữ doanh nhân APEC.
Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2020:Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ - Ảnh 1.
Toàn cảnh buổi Diễn đàn trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội
Sau khi thảo luận, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã cam kết đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của các nỗ lực phục hồi kinh tế, bằng cách tạo ra các cơ hội, phát huy hơn nữa tiềm năng của họ, xóa bỏ các rào cản và hướng tới sự phục hồi nhanh chóng, bao trùm và bền vững. Các ý kiến, quan điểm của Việt Nam cũng như của các Bộ trưởng/Trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC đã được phản ánh trong bản Tuyên bố chung được thông qua sau phiên đối thoại chính sách cấp cao tại Diễn đàn. Tuyên bố của Diễn đàn sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo APEC vào cuối năm 2020.  
Cũng tại Diễn đàn, đại diện New Zealand đã trình bày kế hoạch tổ chức Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2021. Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn cho biết sẽ tiếp tục gặp nhau tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2021 do New Zealand chủ trì để chia sẻ về kết quả thực hiện các cam kết đã đề ra.
Ngọc Trần
Từ khóa: