Điêu đứng vì virus corona, 72% công ty ô tô cũ ở Trung Quốc tạm ngừng kinh doanh
Không mở cửa hàng lại được vì lệnh phong tỏa, thiếu nguồn cung xe và cả khách hàng, áp lực tài chính khiến giới buôn xe cũ ở Trung Quốc cũng đang điêu đứng, chỉ mong mọi thứ trở lại như cũ.
Dịch Covid-19 đã lan rộng và ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Trung Quốc. Nhưng ngành ô tô đã qua sử dụng đặc biệt tồi tệ hơn. Giới phân tích tin rằng mặc dù dịch bệnh sẽ làm giảm doanh số bán xe mới trong thời gian ngắn, nhưng trong trung và dài hạn, người dân sẽ tăng nhu cầu mua xe vì sức khỏe sẽ giúp tăng trưởng doanh số bán xe mới. Trong khi xe đã qua sử dụng phụ thuộc vào giao dịch của các phương tiện hiện có, dịch bệnh lần này ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhu cầu mua và bán xe.
"Chẳng có ai mường tượng về một điều như vậy," Zhang Bin, chủ một đại lý xe hơi cũ ở Thượng Hải, nói về sự bùng phát bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát, khiến anh phải hoãn việc quay trở lại làm việc cho đến cuối tháng 2.
Zhang Bin cười cay đắng nói rằng anh mất khả năng phán đoán thị trường. Zhang Bin đã tham gia vào việc mua bán xe ô tô cũ trong hơn hai thập kỷ. Trước Tết, anh vẫn tìm mua và bán xe, nhưng khi dịch bệnh leo thang, Zhang Bin chưa thấy cửa ra cho công việc của mình. Theo thông lệ, cửa hàng mở cửa mùng 5 Tết, nhưng bây giờ đã phải hoãn vào cuối tháng 2, hoặc sang đầu tháng 3, và cũng không có gì chắc chắn.
"Một mặt, tôi phải thông báo việc nối lại công việc; mặt khác, không ai đến mua xe trong tình cảnh này." Zhang nói rằng việc tìm mua xe cũ về bán cũng chẳng biết bao giờ được nối lại.
Zhang Bin dù chỉ là một ông chủ của cửa hàng buôn xe nhỏ nhưng là một ví dụ điển hình cho giới kinh doanh ô tô cũ tại đất nước tỷ dân. Gần đây, một khảo sát do Hiệp hội đại lý ô tô Trung Quốc công bố cho thấy, tính đến ngày 13/2/2020, trong số 318 công ty ô tô cũ được hiệp hội khảo sát, chỉ có 32 nơi mở cửa kinh doanh trở lại, chiếm 10,84%. Ngoài ra, có 50 công ty điều chỉnh lại nhân viên, chiếm 17,13% và 72,03% còn lại tạm ngừng kinh doanh.
Chiếm 79% lý do tạm ngừng kinh doanh là do quy định của chính quyền địa phương về thời gian đóng cửa dập dịch. Dù tạm nghỉ nhưng không vì thế mà áp lực tài chính của giới kinh doanh xe cũ giảm đi.
Quy mô cửa hàng của Zhang Bin không lớn. Hiện tại, anh có 30-50 xe, công ty có hơn 10 nhân viên và chi phí hàng tháng khoảng 200.000 đến 300.000 nhân dân tệ. "Áp lực lớn nhất là tiền thuê cửa hàng, thường chiếm 20% -30% tổng chi phí của chúng tôi, đó là điều không thể tránh khỏi," Zhang Bin nói.
Gần đây, nhiều tập đoàn bất động sản đã đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, công ty thuê mặt bằng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, phần lớn các hỗ trợ này là ở các trung tâm mua sắm hay khu công nghiệp. Với những người kinh doanh ô tô cũ, việc thuê địa điểm thường giao dịch cá nhân với các chủ nhà. Ngoài tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên cũng chiếm đến 30% chi phí. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, lương nhân viên chủ yếu liên quan đến hiệu quả bán hàng nên khi tạm nghỉ, giới chủ showroom cũng giảm bớt phần nào gánh nặng.
Lo lắng nhất chính là số lượng xe tồn kho, tương đương với khoản vay cũng “treo” lơ lửng.
Zhang Bin kể rằng anh vẫn cảm thấy may mắn vì đã giảm quy mô kinh doanh từ năm ngoái khi “đánh hơi” thấy dấu hiệu đi xuống của thị trường xe cũ. Một năm trước, quy mô hàng tồn kho của Zhang Bin vào khoảng 100 chiếc, bao gồm các mẫu siêu sang, nhưng trong nửa cuối năm ngoái, anh bắt đầu kiểm soát hàng tồn ở mức 30-50 xe và tập trung vào các mẫu xe từ trung cấp đến cao cấp.
"Thị trường ô tô cũ đã gần đến mức bão hòa. Trong vài năm qua, có quá nhiều người tham gia và lợi nhuận ngày càng thấp hơn,” Zhang nói. Theo những điều chỉnh như vậy, số tiền vay của Zhang Bin từ các tổ chức tài chính cũng đã giảm đi rất nhiều.
Trên thực tế, phán đoán của Zhang Bin không phải là không có lý. Theo thống kê, năm 2019, có khoảng 15 triệu giao dịch xe đã qua sử dụng ở Trung Quốc, tăng 7,96% so với cùng kỳ. Trong ba năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành này là 11,46%, 19,33% và 10,33%. Xu hướng ngày một giảm dần.
Trong bối cảnh khó khăn chung chưa tìm thấy hy vọng từ thị trường xe cũ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các mô hình kinh doanh nhỏ có nhiều khả năng tồn tại hơn, nhưng vẫn còn áp lực khác.
Luo Lei, phó tổng thư ký Hiệp hội đại lý ô tô Trung Quốc, nhận định rằng các đại lý xe cũ chủ yếu là các quy mô đầu tư nhỏ hơn so với các ngành sản xuất khác, nhưng đang gặp phải những khó khăn chưa từng thấy khi dịch bệnh kéo dài.
"Rất khó để các đại lý xe hơi này vay được tiền từ ngân hàng, và họ thường thông qua các công ty tài chính và các khoản vay tư nhân, khiến chi phí đầu tư cao hơn," Luo Lei nói. "Không có doanh thu, không có thu nhập, mất mát này là một gánh nặng lớn."
Sun Shaojun, một người môi giới bán xe hơi, nói rằng thời gian này nhiều đại lý xe cũ đã kết nối với anh để tìm người mua. “Họ đã khá tự tin trong ngành này nhiều năm trước, nhưng giờ thì không như vậy,” anh nói.
Đối với Zhang Bin, anh hiện chỉ cầu nguyện cho “mọi hoạt động bình thường càng sớm càng tốt". "Sẽ ổn thôi nếu chúng tôi có thể mở cửa vào tháng 3.” .
Theo Vietnamnet/Sohu
Từ khóa:
-
Nhìn lại một năm 'khó quên' của giá vàng
30-12-2024 13:03 15
-
Tài sản của 6 tỷ phú Việt Nam tăng giảm thế nào năm 2024?
30-12-2024 12:37 30
-
Những mẫu xe đáng chú ý ra mắt năm 2025
30-12-2024 08:29 06
-
Giá đỗ chứa chất cấm có thể gây hàng loạt nguy hiểm
28-12-2024 08:49 46
-
TingTong - Doanh nghiệp tiên phong xây dựng không gian sống tiện ích cho mọi người
27-12-2024 22:31 13
-
Vụ giá đỗ ngâm hóa chất cấm, Bách Hóa Xanh có trách nhiệm gì?
27-12-2024 16:23 43