Xã hội
Điều phi thường của những người không bình thường
03:45 PM 27/10/2018
(LĐXH)- Khóc đấy, rồi cười đấy! Vừa hân hoan như bắt được vàng, đã lại ỉu xìu như bị mẹ đánh đòn... Đó là tâm trạng chung của người bệnh tâm thần tại các cơ sở nuôi dưỡng và điều trị trong cả nước.
Nhưng may mắn thay, nhờ chế độ ưu việt của Đảng và Nhà nước, nhiều người bệnh được thu dung vào các trung tâm, được nuôi dưỡng và chữa bệnh với những điều kiện và phương pháp đặc thù. Tại đây, tôi đã thấy và không chỉ thấy mà còn cảm nhận trước việc những người bệnh tâm thần tham gia lao động chữa bệnh, luyện tập phục hồi chức năng, chơi thể thao... Cùng với những toa thuốc đặc dụng và các phác đồ điều trị, thì tấm lòng của cán bộ, nhân viên các trung tâm đang dần tiếp sức cho người bệnh, “nâng” họ dậy theo đúng nghĩa đen của động từ này, tạo cơ hội cho người "không bình thường" làm những điều "phi thường" để có thể trở về với cuộc sống gia đình và cộng đồng...
Góc khuất "người điên"
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 8.000 người mắc các thể bệnh tâm thần. Tuy nhiên, với 3 Trung tâm thuộc Sở Lao động - TBXH Hà Nội hiện đang thực hiện quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho gần 900 người tâm thần phân liệt, cùng với khoảng 200 người đang được chăm sóc dịch vụ tại các cơ sở tư nhân, như vậy mới chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu thực tế.
Tận tình chăm sóc người tâm thần như người thân của mình
Những ngày đầu đông, khi cái giá lạnh bắt đầu tràn về khẽ khàng len lỏi qua từng con phố, chúng tôi có dịp trở lại Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội. Nơi mà ai đã từng đến đây sẽ cảm nhận được sự ấm áp, sẻ chia về cuộc sống, nỗi vất vả nhưng đong đầy tình người của cả những người chăm sóc cũng như người mắc bệnh tâm thần trong “gia đình” khá đặc biệt này. Và trong niềm vui rất con người ấy, nhất là trong khát vọng nhân văn ấy, chúng tôi được nghe kể về hoàn cảnh của rất nhiều "người điên" sau những nỗ lực chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng.
Ban đầu, tôi khá băn khoăn vì còn hoài nghi về câu chuyện "tình điên" của chị Nguyễn Diệu H. đang được nuôi dưỡng và chăm sóc tại Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội. Song qua lời chứng thực của Trưởng phòng Công tác xã hội Nguyễn Phi Lin thì đây là câu chuyện khá thú vị.
Ngày ấy, từ một cô gái dân quê ở xã Châu Sơn (huyện Ba Vì), chị thi đỗ và lên Hà Nội học đại học. Xa lạ và bỡ ngỡ. Thế rồi, chị gặp anh Lê Ngọc K. cùng xóm trọ. 4 năm học, anh ấy đã giúp chị rất nhiều trong lúc khó khăn, bên chị những lúc nhớ nhà, an ủi động viên khi chị bị điểm kém. Chị và anh bên nhau rồi yêu nhau lúc nào không hay. Cả hai đã có một thời yêu nhau rất sâu sắc, ai cũng nói họ là Kim Đồng – Ngọc Nữ. Ra trường, chị xin vào làm việc cho một công ty tư nhân, còn K. làm việc trong một công ty nước ngoài.
Chị và anh đã từng mơ ước về một mái ấm, có vợ có chồng và có cả những đứa con. Chị trẻ trung xinh đẹp lại giỏi giang, nhiều anh chàng trồng cây si mà H. không để ý bởi đơn giản cả trái tim chị đã dành trọn cho K. Nhưng rồi, một ngày K. nói với chị lời chia tay trong khi đám cưới của anh và chị dự định chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra. Chị mất phương hướng, nước mắt là thứ duy nhất bên chị lúc bấy giờ. Chị không hiểu sao anh lại bỏ mình. Hai tuần sau, chị nhận được thiệp cưới của anh, cô dâu là một người hoàn toàn xa lạ. Cả chân trời bỗng chốc đổ sụp, chị gào thét, điên cuồng và bất lực.
Những người "không bình thường" nỗ lực làm điều "phi thường"
Sau một thời gian dài lang thang vô định “nhặt lá đá ống bơ”, “ngả đâu là nhà, ngã đâu là giường” dù nắng nóng, rét buốt hay mưa gió, anh Phùng Quốc V. (sinh năm 1975) ở xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) được gia đình tìm kiếm khắp nơi rồi đưa vào Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội. Đến nay, “gắn bó” với Trung tâm gần chục năm, từ một bệnh nhân cách ly, anh V. được chuyển sang chế độ chăm sóc thuyên giảm, thực hiện tự phục vụ như mắc màn, đánh răng, rửa mặt và lao động trị liệu. Khi chúng tôi hỏi anh có nhớ nhà, vợ con không? Anh rơm rớm nước mắt quay đi và nói như không muốn ai nghe thấy “chỉ mong nhanh chóng khỏi bệnh”, khiến lòng tôi bàng hoàng xót xa cho những số phận hẩm hiu.
Xây đắp niềm tin
Tiền thân là Trại nuôi dưỡng người tâm thần (năm 1984), rồi Khu điều trị người tâm thân (năm 1994), đến nay, Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội đóng trên địa bàn xã Thụy An, huyện Ba Vì đang quản lý 671 bệnh nhân tâm thần phân liệt diện khuyết tật đặc biệt nặng, gồm 395 đối tượng nam giới, 174 nữ và 2 trẻ em.
Ông Phạm Quang Thịnh, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội, trao đổi: Trong các lĩnh vực công tác xã hội quan tâm, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người bệnh tâm thần phân liệt là một trong những lĩnh vực đặc biệt vất vả, khó khăn, gặp nhiều trở ngại nhất. Hiện nay, các cơ sở đa phần thiên về thực hiện các chế độ hỗ trợ của Nhà nước để duy trì chăm sóc, nuôi dưỡng, chưa có các phương pháp trợ giúp hiệu quả, phù hợp với thực tế để phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Chính vì tầm quan trọng trong lĩnh vực này, trong 3 năm trở lại đây, Trung tâm đã nghiên cứu vận dụng, tiến hành triển khai đồng bộ nhiều mô hình, các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng kết hợp với điều trị duy trì và hoạt động can thiệp, hỗ trợ phục hồi toàn diện cho người bệnh tâm thần phân liệt.
Trò chơi múc nước từ bát đổ vào cốc bằng thìa là điều quá khó đối với người "không bình thường"
Trong các mô hình hiệu quả mà Trung tâm đã và đang thực hiện, chúng tôi rất ấn tượng với mô hình dạy và làm nghề vàng mã cho bệnh nhân tâm thần nữ. Sau khi sàng lọc sức khỏe, lựa chọn bệnh nhân và hướng dẫn nghề đã tạo được sự hăng say đối với thành quả lao động của người bệnh. Học nghề với người bình thường đã khó, học nghề với bệnh nhân tâm thần còn khó hơn rất nhiều lần. Việc học nghề của các “học trò khó tính” là cả một hành trình đầy khó khăn và thử thách với nhiều kỷ niệm thật khó quên vì cái sự nhớ nhớ quên quên của bệnh nhân. Mặc dù liên tục được hướng dẫn, nhưng rồi lại như chẳng nhớ gì, còn một số thì hướng dẫn một đằng lại làm một kiểu, cũng có khi làm được rồi nhưng họ lại tự làm hỏng. Ấy vậy mà mỗi ngày trôi qua, những khó khăn đó dần được thay thế bằng sự hăng say, niềm vui trong công việc của người bệnh khi tự mình có thể làm ra được những “sản phẩm” bằng sự quyết tâm, yêu nghề và đôi bàn tay khéo léo.
Chị Nguyễn Thị T., bệnh nhân có 30 năm được chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng tại Trung tâm, cho biết: Giờ đây, những bệnh nhân như chúng tôi đã có thể tự làm ra những sản phẩm của mình một cách nhanh và khéo léo nhất. Tôi thấy hạnh phúc vì có thêm niềm vui mỗi ngày, chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm được việc gì. Vậy mà bây giờ, tôi còn biết làm vàng mã, cái nghề này hay lắm đã làm thì say sưa quên hết thời gian.
Không những vậy, mô hình trợ giúp nhóm phục hồi thể lực, trí lực với nhiều hoạt động đa dạng, thu hút nhiều bệnh nhân tham gia tập luyện thành thục bài tập thể dục và duy trì bài tập trở thành chế độ thể dục buổi sáng sau khi báo thức. Thông qua hoạt động sinh hoạt nhóm đã khuyến khích bệnh nhân chia sẻ thông tin, sở thích cá nhân từ đó lựa chọn tổ chức các trò chơi trị liệu tâm lý, hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao; tổ chức hội thi văn nghệ, thi tìm hiểu kiến thức xã hội…
Trong tác phẩm “Đánh thức con người phi thường trong bạn”, nhà thuyết giảng nổi tiếng người Mỹ Anthony Robbins có nói: “Mỗi người đều có thực tài, có năng khiếu và có cả một chút khí chất thiên tài chỉ đang chờ được đánh thức”. Nhìn thấy những bệnh nhân trong niềm vui tươi, hồ hởi khi mỗi ngày tỉnh giấc lại có một công việc mới đang chờ mình để bắt đầu, chúng tôi càng thêm hiểu về niềm tin mà họ có được từ hoạt động, việc làm đầy ý nghĩa này. Những tưởng là bình thường, nhưng đối đối với những người “không bình thường” thì đây lại là một điều “phi thường”, và trên hết là sự phục hồi trở lại nhân cách đã mất của một con người đang dần trở lại bình thường.
Chí Tâm
Từ khóa: