Xã hội
Vốn tín dụng chính sách với công cuộc giảm nghèo bền vững ở Sơn La - Kỳ 1: Đóng góp tích cực của vốn tín dụng chính sách vào thành tựu giảm nghèo ở Sơn La
10:54 AM 04/08/2020
(LĐXH) Với những đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, Sơn La có tỷ lệ hộ nghèo cao so với cả nước. Song, vượt lên nhiều khó khăn, trở ngại, những năm gần đây tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng trong công tác giảm nghèo, trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm nghèo bền vững.
Kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo
Tỉnh Sơn La có diện tích tự nhiên 14.174 km2 với 250 km đường biên giới, dân số trên 1,2 triệu người gồm 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Do địa hình nhiều đồi núi hiểm trở, chia cắt, phân hóa phức tạp, độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn, dễ gây sạt lở, lũ lụt về mùa mưa, đa số đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp... nên tỉnh Sơn La có tỷ lệ hộ nghèo cao so với cả nước. Tỉnh có 12 huyện, thành phố; 204 xã, phường, thị trấn thì có tới 5 huyện nghèo, 112 xã và 1.708 bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thời điểm đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 34,44%, có một số xã đặc biệt khó khăn, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên tới 60- 70%.

Vốn vay tín dụng ưu đãi đã giúp nhiều người dân bản Phiên Cại, Xã Chiềng Lao, huyện Mường La

cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo

Theo ông Lê Viết Trực, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, những năm gần đây, chương trình giảm nghèo được thực hiện đồng bộ với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn tỉnh đã tạo nguồn lực quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Sơn La là gần 2.269 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư là 1.709 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 561 tỷ đồng. Việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La đã góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệnh về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc, các nhóm dân cư. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần thoát nghèo bền vững.
Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm đạt 1,62%, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 40,6 triệu đồng/năm. Đã có 41 xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, 02 huyện thoát nghèo; 03 xã, 91 bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc xóa nhà tạm trên địa bàn các huyện nghèo; có 196/204 xã (chiếm tỷ lệ 96,08%) có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông-Vận tải; 100% số xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia, 96% số hộ được sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 74,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 50%; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn từ 34,44% năm 2016 xuống còn 21,62% vào cuối năm 2019, đạt mục tiêu mà tỉnh đã đề ra.
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện đúng đối tượng, định mức, đảm bảo tính phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phương thức canh tác của người dân. Qua đó, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và người dân nói chung được hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho chất lượng và sản lượng cao, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, bước đầu phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ và vừa, tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Đáng chú ý là chương trình phủ xanh đất trống, đồi  trọc, trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng mừng, nhiều người xem Sơn La là một “trang trại” vùng Tây Bắc với những sản phẩm được ngày càng nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận, yêu thích.
Người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước; mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, vệ sinh-môi trường, thông tin, truyền thông... được nâng lên. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung và người nghèo nói riêng được từng bước cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ gần 15,5 triệu đồng/năm vào năm 2016 lên gần 20 triệu đồng/năm vào cuối năm 2019. Cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và các huyện nghèo, xã, bản đặc biệt khó khăn giảm nhanh,chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Sơn La nói chung
và người nghèo nói riêng được từng bước cải thiện.
 Đóng góp tích cực của nguốn vốn tín dụng chính sách
Ông Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La cho biết: Tính đến cuối năm 2019, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La đã thực hiện cho vay 17 chương trình tín dụng; ký kết văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác với 04 tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Chi nhánh đã phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác, Ban giảm nghèo xã thành lập được 3.947 tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các thôn, bản, tổ dân phố. Công tác củng cố tổ chức và hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn được rà xoát thường xuyên, đảm bảo các tổ hoạt động hiệu quả, là cầu nối giữa Ngân hàng chính sách với các đối tượng thụ hưởng để chuyển tải vốn nhanh chóng đến người vay. Mạng lưới điểm giao dịch tín dụng chính sách tiếp tục được mở rộng, đến nay toàn Chi nhánh đã thực hiện giao dịch tại 204/204 xã, phường trong toàn tỉnh. Chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch ngày càng được nâng cao, tiết giảm đáng kể chi phí, thời gian đi lại cho người dân đến giao dịch. Các thủ tục hành chính được công khai hóa nhằm hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách tìm hiểu, giám sát công tác thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Trao Bằng khen cho những người có thành tích xuất sắc về tín dụng chính sách xã hội
tại xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã.
Hàng năm, chi nhánh đã căn cứ vào mục tiêu phát triển - kinh tế xã hội, giảm nghèo của tỉnh, nhu cầu vay vốn các đối tượng thụ hưởng chính sách, nhất là người nghèo để phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức xây dựng  chỉ tiêu kế hoạch tín dụng sát với yêu cầu thực tế. Bám sát chỉ tiêu được Tổng Giám đốc giao triển khai cho vay, hàng năm Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Sơn La  đều đạt từ 99-100% chỉ tiêu kế hoạch dư nợ được giao. Kết quả, đến cuối năm 2019, tổng nguồn vốn thực hiện của chi nhánh NHCSXH tỉnh là 4.357,2 tỷ đồng, tăng trưởng gần 1.246 tỷ đồng (tăng 40,05%) so với năm 2016, bình quân tăng trưởng hằng năm đạt 13,35%. Tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương là hơn 112,3 tỷ đồng, chiếm 2,58% tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH Sơn La, tăng 37 tỷ đồng (49,24%) so với năm 2016, (trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh: 90,9 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện, thành phố: 21,4 tỷ đồng). Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đã có gần 184.000 người được vay vốn, trong đó tỉnh đặc biệt ưu tiên một số Chương trình cho vay đối với các đối tượng là hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; hộ đồng bào dân tộc thiểu số ... Tổng dư nợ của Chi nhánh NHCSXH Sơn La tính đến cuối năm 2019 là hơn 4.349 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch đạt 99,82%, tăng gần 1.242 tỷ đồng (tăng 39,97%) so với dư nợ năm 2016 (trong đó dư nợ 4 huyện nghèo là 1.295,3 tỷ đồng, chiếm 29,78%tổng dư nợ của NHCSXH) với 132.305 khách hàng còn dư nợ, bình quân 32,87 triệu đồng/hộ. Hiện Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La xếp thứ 9 trong số 63 Chi nhánh NHCSXH trên toàn quốc; là đơn vị có dư nợ tín dụng chính sách xã hội cao nhất trong số 14 tỉnh miền núi trung du phía Bắc.
Với những thành tích xuất sắc và những đóng góp rất hiệu quả của mình vào công cuộc giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở Sơn La, 6 tháng đầu năm, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La đã được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhìn chung, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm nghèo bền vững. Hệ thống chính sách tín dụng ưu đãi không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được vay vốn và mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, qua đó ý thức trách nhiệm cũng như kinh nghiệm sử dụng vốn vay ngày càng được nâng lên, đã có hàng ngàn hộ nghèo nhờ vay vốn ưu đãi, làm ăn có hiệu quả và đã vươn lên thoát nghèo.

Thảo Lan

 

Từ khóa: