Xã hội
Đồng Văn: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 6% trong năm 2023
10:42 AM 05/06/2023
(LĐXH) – Thời gian qua, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã triển khai hiệu quả các chính sách và giải pháp giảm nghèo bền vững, nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Năm 2023, huyện Đồng Văn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 6%
Huyện Đồng Văn có 17 xã, 2 thị trấn, 216 thôn bản, 17 dân tộc anh em cùng sinh sống với gần 17 nghìn hộ. Trong đó, hộ nghèo chiếm trên 10 nghìn hộ, chiếm 61,12 %; hộ cận nghèo là 2.338 hộ, chiếm 18,83 %. Số hộ thoát nghèo năm 2022 là 1.036 hộ, đạt 6,2%; số hộ nghèo phát sinh là 186 hộ và không có hộ nào tái nghèo.
Huyện đang triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ các chủ trương, chính sách, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, huyện đã triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, kiên cố hơn, người dân từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm.
Bà con xã Sủng Trái mở đường vào bản
Để tỷ lệ giảm nghèo hàng năm một cách thực chất, huyện đã tổ chức thực hiện việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích nguyên nhân nghèo để đưa ra những giải pháp cụ thể tới từng hộ gia đình. Cùng với đó, xây dựng, ban hành các kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, yêu cầu các ban, ngành đoàn thể, các xã tiến hành đánh giá, khảo sát nhu cầu hỗ trợ của các hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như phân loại các hộ nghèo. Từ đó, có các chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên của các hộ nghèo; các địa phương tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững. 
Huyện cũng đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm ưu tiên, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước; khuyến khích, động viên các hộ mạnh dạn tham gia phát triển các mô hình phát triển kinh tế, lựa chọn các cây, con phù hợp tại địa phương, nhằm nâng cao thu nhập. Tập trung hỗ trợ về sinh kế cho các hộ nghèo; chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động người đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn để người dân lựa chọn thị trường mới phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục và trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ và đúng quy định. Không ngừng cải thiện các dịch vụ xã hội chăm lo về sức khỏe, giáo dục cho người nghèo...
Đến nay, kinh tế trên địa bàn huyện chuyển biến tích cực; chương trình phát triển “3 cây, 4 con” và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, cải thiện thu nhập cho người dân. Đặc biệt, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện được vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi, xây dựng các gia trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, đến nay toàn huyện có 114 gia trại. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện đẩy mạnh cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; ủ chua cỏ dự trữ thức ăn cho đàn gia súc với phương thức Nhà nước hỗ trợ túi nilon, bột cám ngô, muối; người dân đóng góp thức ăn thô xanh, công lao động. Các xã, thị trấn phân công cán bộ xuống tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật, các bước ủ chua cỏ, đảm bảo dự trữ từ 4 - 5 tháng. Cách làm này giúp các hộ chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn chất lượng tốt cho gia súc, giảm thiểu tình trạng gia súc chết do đói, rét trong mùa đông. Năm 2022, huyện duy trì đàn gia súc phát triển ổn định, duy trì 78 hộ chăn nuôi quy mô gia trại hoạt động trên 18 xã, thị trấn; duy trì 13.500 đàn ong; 10 mô hình liên kết các sản phẩm đặc trưng của huyện phát huy tối đa hiệu quả, giá trị liên kết ước đạt trên 18,1 tỷ đồng.
Chăn nuôi bò vỗ béo giúp người dân xã Sà Phìn tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo.
Phát huy thế mạnh của huyện trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề thực hiện; trong đó, xác định huyện xây dựng 1 xã, mỗi xã xây dựng 1 thôn điển hình về phát triển kinh tế, mỗi làng một sản phẩm và chọn xã Lũng Cú làm điển hình của huyện; mỗi xã lựa chọn 1 thôn điển hình dựa trên thế mạnh từng địa phương, có khả năng trở thành hàng hóa. Qua triển khai, huyện lựa chọn 19 thôn/19 xã, thị trấn là thôn điển hình về phát triển kinh tế gắn với 16 sản phẩm đặc trưng có thế mạnh; trong đó, 14 sản phẩm, bộ sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và 3 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao theo chương trình OCOP của tỉnh. Chăn nuôi gà đen địa phương giúp nhiều gia đình ở Đồng Văn nâng cao đời sống. Huyện còn duy trì 10 mô hình liên kết các sản phẩm đặc trưng, giá trị liên kết ước đạt trên 18,1 tỷ đồng; xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm chè Lũng Phì, sản phẩm mật ong OCOP lên sàn giao dịch điện tử Khuyến nông tỉnh. Triển khai rà soát, đăng ký 16 sản phẩm chủ lực tham gia chương trình OCOP năm 2022. Từ phong trào phát triển kinh tế, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao… 
Huyện cũng tận dụng, khai thác lợi thế địa phương, lồng ghép với các chương trình hỗ trợ giúp nông dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ, đi đôi với khuyến khích, động viên nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý... nhờ có các mô hình hiệu quả làm chuyển biến nhận thức, của đồng bào các dân tộc tạo niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết, kiên cường bám trụ, bảo vệ đường biên, mốc giới, yên tâm lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, tham gia tích cực vào nhiệm vụ bảo tồn văn hóa truyền thống, đẩy lùi các hủ tục, góp phần xây dựng Nông thôn mới ở địa phương, đồng bào có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.
Năm 2023, huyện Đồng Văn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 6%.  Huyện cũng đã xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm ưu tiên, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Tiếp tục đầu đầu tư về cơ sở hạ tầng, tập trung các nguồn lực phát triển cho các vùng khó khăn; ưu tiên phát triển kinh tế các vùng khó khăn, nhất là các thôn, bản xa trung tâm, những nơi đời sống bà con còn nhiều thiếu thốn, kéo gần khoảng cách giữa các khu vực trong huyện. Khuyến khích, động viên các hộ mạnh dạn tham gia phát triển các mô hình phát triển kinh tế, lựa chọn các cây, con phù hợp tại địa phương nhằm nâng cao thu nhập…/.
Minh Hưng
Từ khóa: