Văn hóa - Thể thao
Đường đến “Bến thơ tròn nghĩa vuông tình”
07:29 PM 21/09/2024
(LĐXH)-Tám mươi lăm năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, hơn 10 năm tham gia Thamh niên xung phong (TNXP) trong chiến tranh ác liệt ở mặt trận Lào, có thời gian lâm trọng bệnh tưởng không kịp viết di chúc – đó là tất cả những khó khăn, thử thách của cuộc đời mà nhà thơ Ngô Thái đã trải qua và vượt qua. Trong sự tự tin, bền bỉ sống này có một phần sức mạnh của thơ ca vì nhà thơ đã biết cách vịn câu thơ đứng dậy, nhờ thơ mà không ngã lòng, nhờ thơ mà luôn luôn lạc quan yêu đời, vui sống với niềm tin mãnh liệt “Sự sống không bao giờ chán nản!”.

Văn sản thơ Ngô Thái không có cái đồ sộ về số lượng nhưng hợp với quy luật sáng tạo nghệ thuật “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Thơ của Ngô Thái cũng chỉ mới đủ đếm bằng năm ngón tay của một bàn tay: Tình yêu và cuộc sống (thơ, 2010), Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông (Trừờng ca, 2019), Nẻo đường thi (Thơ Đường, 2011), Vớt trăng (Thơ, 2016) và “Bến thơ tròn nghĩa vuông tình” (Tuyển tập thơ, 2024), chưa tính đến Ngô Thái - Thơ và bầu bạn (2012) dạng “Tác phẩm và dư luận” thường thấy hiện nay trên văn đàn khi bạn văn nói /kể về bạn văn. Năm 2016, nhà thơ Ngô Thái in tập thơ Vớt trăng và quyết định chọn Thủ đô Hà Nội làm không gian ra sách. Từ đó đến nay mới gặp lại thi nhân miền Đất Tổ qua tập thơ “Bến thơ trọn nghĩa vuông tình” với 153 bài thơ được đánh số thứ tự từ 1 đến 153.
Với “Bến thơ tròn nghĩa vuông tình” có thể nhận thấy có sự hài hòa giữa cái tình “riêng - chung” trong thơ Ngô Thái. Đặc tính này của thơ Ngô Thái thể hiện rõ nhất trong cấu trúc tác phẩm gồm 5 phần: Phần một (Tình đất tình người: Ý Đảng tình Bác sáng đời tôi, Tình quê, Tình đồng đội, Đất và người); Phần hai (Lạc quan cách mạng: Chùm thơ mùa thu; Tình thơ lãng mạn); Phần ba (Viết trên giường bệnh); Phần bốn (Thơ Đường luật); Phần năm (Các bản nhạc phổ thơ).
Cái “lõi” của từng phần, từng bài, từng câu thơ của Ngô Thái trước sau vẫn như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt là cái tình, cái nghĩa với quê hương đất nước, Lãnh tụ, Đảng, nhân dân, đồng bào, đồng chí. Thơ Ngô Thái có sự trải lòng (“phổ” thơ rộng dài) mênh mang, rộng khắp như thể muốn ôm trùm vạn vật tạo hóa và đông đảo nhân gian. Trong phần thơ viết theo tinh thần đại nghĩa, đại khí về cái chung thì Nguyên tiêu nhớ Bác là một dấu chỉ, khắc cốt ghi tâm của nhà thơ với lãnh tụ anh minh - Bác Hồ: “Nguyên tiêu trăng sáng vô ngần/ Vẳng câu thơ Bác “Trăng ngân đầy thuyền”. Cái hay của những vần thơ viết về Lãnh tụ, Đảng, nhân dân, đất nước, đồng bào và đồng chí trong thơ Ngô Thái là ở chỗ tất cả rất hồn nhiên, nói tự đáy lòng, nên thơ có sức thuyết phục của sự thật tiến gần đến chân lý và tiệm tiến văn hóa, hợp với quy luật “Thi dĩ ngôn chí”.      
Nói về màu sắc thơ Ngô Thái thì nổi trội là “điệu nói” (trong khái niệm “giọng điệu” như là hạt nhân của cá tính sáng tạo, của phong cách nghệ thuật). Điệu nói trong thơ Ngô Thái có hai sắc màu: nói như là tường thuật sự kiện, tình huống tâm trạng, cảm xúc khi hồi cố lịch sử, kiểu như “Quảng trường Ba Đình, ngập tràn sắc đỏ/ Đã vang lên lời Bác đọc Tuyên ngôn/ Giây phút thiêng liêng nhớ lại bây giờ/ Xúc động lắm với niềm tin kiêu hãnh” (Bài thơ số 4 - Niềm tin tỏa sáng). Thậm chí, khi dùng thơ viết về thơ tác giả vẫn thích nói “Có phải hồn thơ bắt nguồn từ lời ru của Mẹ/ Tiếng ầu ơ vang vọng giữa trưa hè/ Bên cánh võng đưa ta vào giấc ngủ/ Mơ cánh cò bay lả bờ tre?” (Bài thơ số 9 -Hồn thơ).
Đa số trường hợp “điệu nói” của Ngô Thái trong thơ là dựa vào điệu nói của lục bát, Lối nói dựa vào lục bát có tác dụng để người đọc thơ, nghe thơ dễ nhớ, dễ thuộc, dễ vận dụng, kiểu như “Minh Nông.../ Mùa gặt tôi về/ Đường làng, ngõ xóm bộn bề rạ rơm/ Thoảng mùi gạo mới...cơm thơm/ Dẻo săn giống lúa Nàng Hương quê nhà/ Bát canh cua, đĩa dưa cà/ Vị quê đau đáu đậm đà xiết bao/ Bước đi dù ở phương nào/ Minh Nông mùa cấy hanh hao hẹn về” (Bài thơ số 10 - Hương quê).
Thơ Ngô Thái được viết từ trải nghiệm sống và từ trải nghiệm văn hóa, thể hiện bởi một chữ TÌNH hiển hiện, thấm đượm trong tuyển tập thơ “Bến thơ tròn nghĩa vuông tình” gồm 153 bài: Tình Bác, Tình quê, Tình cha, Tình đồng đội, Tình thơ lãng mạn, Hương tình, Bốn mùa tình yêu, Tình anh, Tình bạn,... “Tình quê hương” trong thơ Ngô Thái thật hào sảng, tràn trề nhịp sống khi dấu chân của thi nhân đã đặt được đến nhiều miền đất Tổ quốc với tâm thức “Đất nước mình đâu cũng đẹp như tranh” (Cảm xúc Hồ Tây, Lễ hội ruộng bậc thang, Tam Đảo mờ sương, Trời mây Sa Pa, Nhật Tân cảm, Bán đảo Sơn Trà, Sông Thu Bồn, Du thuyền sông Hàn, Cảnh ngộ miền Trung, Một thoáng Ban Mê,..).  “Tình lứa đôi” cũng được Ngô Thái thể hiện qua những bài thơ tình “Bên em” (nhan đề Bài thơ số 68), “Lời của sóng” (nhan đề Bài thơ số 74) và  “Nồng nàn hoa bưởi” (nhan dề Bài thơ số 79). Có đôi khi, nhà thơ thậm chí “đi bên em” mà cảm thấu được “em một bên và thu một bên” (nhan đề Bài thơ số 89 - Thu và em), lại cũng vì có em mà hình dung ra cảnh “Đáy hồ có mảnh trăng rơi/ Với tay khỏa nước em ngồi vớt trăng/ Vớt lên những tháng những năm/ Lung linh giát bạc ánh trăng đáy hồ/ Chòng chành trăng lặn trong mơ/ Vớt bao nhiêu nỗi đợi chờ...không anh” (Bài thơ số 90 - Vớt trăng).
Tin tưởng rằng, tập thơ “Bến thơ tròn nghĩa vuông tình” của Ngô Thái sẽ được đón nhận từ nhiều độc giả và lan tỏa được cảm xúc lãng mạn, tích cực cũng như tinh thần lạc quan, vui vẻ, yêu đời, yêu người, yêu quê hương, đất nước đến vơi cuộc sống của mỗi bạn đọc./.
Hà Nội, tháng 5-2024
B.V.T