Xã hội
Gần 5.500 nạn nhân bom mìn được hỗ trợ sinh kế và tặng quà
03:43 PM 24/12/2019
(LĐXH)- Ngày 24/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội hỗ trợ khắc phục hậu quản bom mìn Việt Nam (VNASMA) tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vì cuộc sống bình yên và phát triển (2014 - 2019); đề ra mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Các đại biệu dự hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động hỗ trợ khác phục hậu quả bom mìn
Phát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch VNASMA, cho biết, Từ sau năm 1975 đến nay, công cuộc giải quyết hậu quả chiến tranh đã và đang được tiến hành khẩn trương trên cả nước, trong đó có vấn đề bom mìn, vật nổ còn tồn sót lại sau chiến tranh. Với số lượng rất lớn ước tính khoảng 800 ngàn tấn còn tồn sót đang gây ô nhiễm trên diện tích đất đai khoảng 6,6 triệu ha, tính mạng con người bị đe dọa nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, số người bị tai nạn chết và bị thương do bom mìn, vật nổ là rất lớn (bị thương 62.163 người, bị chết 42,135 người) đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội.
Chung tay hỗ trợ nạn nhân bom mìn
Với mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, kết nối các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, 5 năm qua VNASMA đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn nhằm góp phần giảm thiểu, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, góp phần đảm bảo an toàn và lợi ích của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch VNASMA phát biểu khai mạc
VNASMA đã phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ tiến hành các đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho các cháu học sinh và nhân dân tại các địa bàn trọng điểm ô nhiễm bom mìn, tập trung các huyện biên giới, kết hợp trao hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, từ năm 2018 - 2019 Hội đã cùng Quỹ Hòa Bình Mỹ Lai, Nhóm từ thiện Chia Sẻ - Shapring thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức thành công các đợt tuyên truyền, hỗ trợ nạn nhân, kết hợp tổ chức khám chữa bệnh cho nạn nhân và người nghèo, tặng quà, tặng sách cho học sinh tại các địa phương tỉnh Đắc Lắc, Khánh Hòa, Cao Bằng, Hà Giang, Kon Tum…
Trong 5 năm, Hội đã phát triển tổ chức đến nhiều tỉnh thành, tập trung trên các vùng trọng điểm ô nhiễm nặng bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. VNASMA đã tập hợp được gần 1.500 hội viên tham gia. Các hội và chi hội đã tích cực vận động tài trợ, ủng hộ về tài chính để hỗ trợ sinh kế và tặng quà cho gần 5.500 nạn nhân. Trong đó, có 240 gia đình nạn nhân được hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản (riêng nạn nhân tỉnh Hà Giang đã được trao 93 con, Quảng Nam 80 con, Quảng Bình 35 con, Đà Nẵng 16 con; gần 5.000 người được hỗ trợ sinh kế và nhận quà tặng với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể như: tặng nhà tình nghĩa (35 triệu đồng/nhà), hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, sửa chữa nhà ở (mức hỗ trợ từ 5- 12 triệu đồng/ người), tặng một số phương tiện nghe nhìn ( tivi 42 inch), hàng trăm chân tay giả, xe lăn và dụng cụ chỉnh hình, phục hội chức năng cho nạn nhân... Công tác hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân luôn được bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả, đúng nhu cầu, đúng đối tượng, góp phần giúp đỡ cho các nạn nhân vượt qua khó khăn, tái hòa nhập cộng đồng, tiếp tục tạo được ấn tượng tốt đẹp, nâng cao hình ảnh, vị thế về hoạt động nhân đạo của Hội…
T.S Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội trao đổi tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, T.S Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động – TBXH) đánh giá các hoạt động hỗ trợ sinh kế, tặng quà các nạn nhân bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh trong 5 năm qua của VNASMA. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Hội đã phát huy tốt vai trò vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng cùng chung tay chăm lo cho người khuyết tật nói chung và nạn nhân bom mìn nói riêng.
T.S Nguyễn Văn Hồi, cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm và ban hành nhiều chính sách về công tác đảm bảo an sinh xã hội với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả người dân, chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có người khuyết tật và nạn nhân bom mìn. Bộ Lao động – TBXH đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Quốc hội ban hành Luật Người khuyết tật, trình Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người khuyết tật…
Các đại biệu dự hội nghị chụp ảnh chung
"Hàng năm, chúng ta đang giải quyết chính sách trợ giúp xã hội cho 1,1 triệu người khuyết tật; cả nước đã hình thành được hàng trăm Trung tâm bảo trợ xã hội để đón hàng chục nghìn người khuyết tật đặc biệt nặng và nạn nhân bom mìn vào chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở. Chương trình dạy nghề của Bộ Lao động – TBXH đang hỗ trợ mỗi năm khoảng 60.000 người khuyết tật học nghề; Chương trình giải quyết việc làm cũng dành hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật, những người có hoàn cảnh khó khăn về vốn để giải quyết việc làm; trên 1 triệu học sinh khuyết tật được hỗ trợ về tiếp cận về giáo dục… Đây là sự quan tâm rất lớn và cũng là sự nỗ lực của tất cả các cơ quan, ban ngành, cộng đồng và xã hội" - T.S Nguyễn Văn Hồi, trao đổi.
Hướng đến hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm phù hợp
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ sinh kế, phù hợp đối tượng, mang tính bền vững cho nạn nhân bom mìn, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch VNASMA, cho biết: Năm 2020 và những năm tiếp theo, Hội sẽ tập trung nghiên cứu vận dụng các mô hình như hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp và hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ tái định cư ở vùng bị ô nhiễm nặng bom mìn, vật nổ, đồng thời, sẵn sàng xử lý việc hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn đột xuất do bom mìn trên các địa bàn. Hội cũng tập trung khảo sát đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình “ngân hàng bò” mà tổ chức đã hỗ trợ những năm qua tại các địa phương. Phối hợp chặt chẽ với Quỹ Hòa bình Mỹ Lai và các tổ chức xã hội nhân đạo, từ thiện để mở rộng địa bàn hỗ trợ sinh kế, kết hợp khám chữa bệnh cho người nghèo, nạn nhân bom mìn, chất độc da cam, người tàn tật và các đối tượng chính sách tại các địa phương trọng điểm, vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa.
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó Chủ tịch VNASMA báo cáo kết quả 5 năm hoạt động của Hội  
Bên cạnh đó, VNASMA đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phòng ngừa và khắc phục hậu qủa bom mìn, vật nổ sau chiến tranh cũng như vận động tài trợ, quản lý sử dụng các nguồn vốn tài trợ. Nâng cao hiệu quả các mô hình hỗ trợ sinh kế, phù hợp đối tượng, bền vững. Triển khai nghiên cứu vận dụng các mô hình khác như: hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ tái định cư ở vùng bị ô nhiễm nặng bom mìn, vật nổ.
Tiếp tục triển khai công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Lao động - TBXH xây dựng quy định về thống kê nạn nhân bom mìn, nhu cầu của đối tượng trong khuôn khổ cơ sở dữ liệu về người khuyết tật, tiếp tục nghiên cứu và đề xuất việc thống kê nạn nhân bị chết do tai nạn bom mìn, nhu cầu của gia đình đối tượng…
Trung tướng Nguyễn Đức Soát tặng Bằng khen cho các tập thể
Nhân dịp này, Trung ương Hội hỗ trợ khắc phục hậu quản bom mìn Việt Nam đã tặng Bằng khen, Giấy khen của Chủ tịch Hội cho 22 tập thể và 32 cá nhân đã có đóng góp tích cực trong công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh – Vì cuộc sống bình yên và phát triển.

Chí Tâm

Từ khóa: