Thứ Ba 1/4/2025 11:47 AM
Sức khỏe - Đời sống
Gen Z thấy hạnh phúc trong xu hướng ‘cá nhân hóa’
07:45 AM 18/03/2025
(LĐXH) - Giới trẻ Hàn Quốc đang có xu hướng biến những món đồ thông thường thành dấu ấn cá nhân độc đáo, thể hiện cá tính của bản thân.

Trong xã hội tràn ngập hàng hóa sản xuất hàng loạt, thời trang không chỉ đơn thuần là chạy theo xu hướng mới nhất đối với Millennials (Gen Y) và Gen Z am hiểu phong cách. Người tiêu dùng trẻ đang tái định nghĩa sự thể hiện bản thân thông qua cá nhân hóa. Điều này thúc đẩy một xu hướng bùng nổ trong việc trang trí mọi thứ theo hướng cá nhân từ nhật ký, bàn phím cho đến túi xách và không gian bàn làm việc...

Theo công ty nghiên cứu dữ liệu KPR Insight Tree, sự quan tâm đến "cá nhân hóa" đang tăng lên đáng kể. Số lần nhắc đến “customization” (cá nhân hóa) trên mạng tăng 75,3% từ tháng 1 đến tháng 8/2024.

Xu hướng cá nhân hóa đồ dùng trở thành trào lưu trong giới trẻ Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap.

Nhật ký cá nhân hóa – xu hướng mở đầu trào lưu

Trang trí nhật ký là một trong những xu hướng khởi nguồn cho hiện tượng cá nhân hóa. Không chỉ đơn thuần là ghi chép, nhiều người còn trang trí sổ nhật ký bằng ảnh, tranh vẽ và thiết kế bìa theo sở thích.

Trào lưu này đang trở nên phổ biến trên YouTube. Nhiều người dùng mạng còn chia sẻ các video hướng dẫn cho người mới bắt đầu học cách sắp xếp và trang trí nhật ký.

“Khi trang trí nhật kí theo cách riêng của mình, tôi cảm thấy có thể nhớ tới những kỷ niệm một cách sâu sắc, đặc biệt hơn”, nữ diễn viên Jo A-ram chia sẻ trong một tập của chương trình thực tế I Live Alone. Cô cũng tiết lộ rằng mình có thể dành hàng giờ chỉ để trang trí một trang nhật ký.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc thích trang trí nhật ký. Ảnh: MBC's YouTube channel.

Cá nhân hóa túi xách, bình nước và bàn phím

Bên cạnh nhật ký, việc trang trí túi xách với móc khóa, thú nhồi bông, hay trang trí bình nước với nhãn dán và móc khóa cũng trở thành xu hướng phổ biến.

Giáo sư Lee Young-ae tại Đại học Quốc gia Incheon cho biết, chính sự trân trọng trải nghiệm của thế hệ trẻ đã góp phần thúc đẩy xu hướng này.

“Millennials và Gen Z rất coi trọng trải nghiệm cá nhân. Trong khi các thế hệ trước tập trung vào việc mua sản phẩm hoàn chỉnh, thế hệ này ưu tiên trải nghiệm, giá trị thực tế và tính ứng dụng của sản phẩm.

Họ không đơn thuần mua hàng mà muốn tạo ra những thứ mang dấu ấn cá nhân và phản ánh giá trị của họ. Thế hệ này có xu hướng ‘tự tay làm lấy’ (DIY) mạnh mẽ hơn so với các thế hệ trước. Không chỉ mua sản phẩm đắt tiền để phô trương, họ muốn sở hữu những thứ mang dấu ấn cá nhân độc đáo khiến họ hạnh phúc”, giáo sư Lee nói.

Thị trường DIY phát triển mạnh

Sự bùng nổ của xu hướng cá nhân hóa đã làm tăng nhu cầu về các sản phẩm trang trí. Theo nền tảng mua sắm trực tuyến 29CM, doanh số bút máy, bút bi và bút chì cao cấp đã tăng 240% vào tháng 2/2025 so với cùng kỳ năm trước. Nhật ký và sổ kế hoạch cũng tăng 64%, sổ tay tăng 43%.

Trong giai đoạn từ tháng 10/2024 đến tháng 1/2025, doanh số móc khóa tăng 178% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, móc khóa thú nhồi bông tăng 28% và móc khóa túi mini tăng 173%.

Xu hướng này được dự đoán phát triển mạnh trong tương lai. Ảnh: Korea Times.

Các thương hiệu lớn cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng tung ra các bộ nhãn dán dễ thương, con dấu nhân vật cùng móc khóa thú nhồi bông DIY cho những ai thích trang trí túi xách. Một vài thương hiệu khác cũng triển khai chương trình thêu chữ cái theo yêu cầu trên bộ đồ ngủ...

Không dừng lại ở nhật ký và túi xách, người tiêu dùng trẻ hiện đang mở rộng xu hướng này sang các vật dụng hàng ngày khác như bàn phím. Trung tâm thương mại I’Park Mall thậm chí còn tổ chức một lễ hội bàn phím, quy tụ khoảng 20 thương hiệu cung cấp các sản phẩm được tùy chỉnh hay phiên bản đặc biệt.

Xu hướng DIY sẽ tiếp tục mở rộng

Theo giáo sư Lee, xu hướng cá nhân hóa sẽ không dừng lại mà còn tiếp tục mở rộng ra nhiều sản phẩm khác.

“Các món đồ có thể thay đổi nhưng xu hướng tạo ra sản phẩm cá nhân qua trải nghiệm sẽ luôn tồn tại. Sự hấp dẫn cơ bản của DIY (việc dành thời gian làm ra thứ gì đó độc đáo và chia sẻ trên mạng xã hội) sẽ không bao giờ biến mất dù các trào lưu cụ thể có thể thay đổi”, bà Lee nhận định.

Bà cũng dự đoán rằng khi nền kinh tế đối mặt với lạm phát, ngày càng nhiều người sẽ tìm cách tự làm đồ để tiết kiệm chi phí.

“Thị trường DIY của Hàn Quốc đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế nội thất và tự xây dựng vẫn đang ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi chi phí lao động tăng cao, ngày càng nhiều người sẽ tự thực hiện các dự án của riêng mình dẫn đến sự gia tăng các khóa học DIY, tài nguyên hướng dẫn và chia sẻ trên mạng xã hội.

Tại các nước phương Tây, chi phí lao động cao đã thúc đẩy xu hướng tự cải tạo nhà cửa và thủ công mỹ nghệ. Một sở thích nhỏ lẻ có thể trở thành một phong trào văn hóa rộng lớn hơn, biến DIY từ một hoạt động trang trí đơn thuần thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ. Khi thị trường này mở rộng, sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển và nâng cao chất lượng ngành công nghiệp DIY”, nữ giáo sư bày tỏ.

Băng Tâm