Giá bán lẻ điện bình quân nhiều lần điều chỉnh tăng
Mới đây, Bộ Công thương đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Bộ Công thương tiếp tục đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần, thay vì 3 tháng như hiện nay.
Theo dự thảo, khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% hoặc giảm từ 1% so với giá hiện hành, giá điện sẽ được điều chỉnh tương ứng.
Trong 15 năm qua (giai đoạn 2009 - 2025), giá bán lẻ điện bình quân đã trải qua nhiều lần điều chỉnh tăng, không có lần nào điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 948,5 đồng/kWh năm 2009 lên 2.103,1 đồng/kWh năm 2024 (chưa bao gồm thuế VAT).
Lần gần đây nhất, ngày 11/10/2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố Quyết định số 1046/QĐ-EVN tuân theo Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 về việc tăng giá điện bình quân lên 2.103,1 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng 4,8% so với giá được áp dụng từ ngày 9/11/2023 đến ngày 10/10/2024.
Năm 2011, giá điện tăng trải qua 2 lần điều chỉnh, lần 1 từ 1.058 đồng/kWh (2010) lên 1.220 đồng/kWh từ ngày 1/3/2011; Lần 2, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.220 đồng/kWh lên 1.304 đồng/kWh từ ngày 20/12/2011.
Năm 2012 giá bán lẻ điện cũng trải qua 2 lần điều chỉnh tăng từ 1.304 đồng/kWh lên 1.369 đồng/kWh (lần 1 từ 1/7/2012) và tăng lên 1.437 đồng/kWh (lần 2 từ 22/12/2022).
Từ 2013 - 2019, các đợt điều chỉnh giá điện trung bình 2 năm/lần từ 1.508 đồng/kWh tới 1.864 đồng/kWh.
Năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân trải qua 2 lần điều chỉnh tăng, 1.920 đồng/kWh (từ 4/5/2023) đến 2.006 đồng/kWh (từ 9/11/2023).
Chứng khoán BSC dự báo, năm 2025 EVN có thể tăng giá bán lẻ điện bình quân 4 – 8% trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân hiện hành vẫn thấp hơn giá thành sản xuất điện năm 2023 (2,088.90 đ/kWh).
Đề xuất giá bán lẻ điện sinh hoạt cao nhất gần 3.800 đồng/kWh
Cũng trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc.
Cụ thể, 5 bậc thang tính giá điện mới dự kiến bao gồm bậc 1 là 100 kWh đầu tiên; bậc 2 là 101-200 kWh tiếp theo; bậc 3 là 201-400 kWh tiếp theo; bậc 4 là 401-700 kWh tiếp theo và bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc 1, bậc 2 và bậc 3. Việc này nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp thuộc bậc 1 (chiếm 33,4% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện ở bậc này được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ bậc 4 và bậc 5.
Theo phương án này, giá thấp nhất là bậc 1 vẫn giữ nguyên 1.893 đồng/kWh và cao nhất là bậc 5 là 3.786 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế VAT, cao hơn so với mức cao nhất hiện nay là 3.302 đồng/kWh. Như vậy, so với giá điện sinh hoạt hiện tại, những khách hàng dùng từ 400 số trở lên sẽ phải chịu giá điện cao hơn.
Cũng với đề xuất mới, Bộ Công Thương tính toán, giá bán điện của nhóm khách hàng sản xuất làm tăng cơ cấu giá bán lẻ điện ngành sản xuất từ 1 - 2% so với giá bán lẻ điện bình quân và các doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu tác động tăng giá điện từ 2,4-3,3%. Phương án mới đảm bảo lộ trình từng bước tính đúng, tính đủ chi phí cho nhóm khách hàng sản xuất.
Ngọc Anh
-
Nhà báo Lê Trường Sơn được giao phụ trách tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam
13-01-2025 21:31 31
-
Mẫu xe máy điện không cần bằng lái, giá gần 18 triệu đồng
13-01-2025 17:37 43
-
Grab Việt Nam gặt hái loạt giải thưởng với những chiến dịch Marketing ấn tượng trong năm 2024
13-01-2025 15:55 24
-
Sự thật về đùi heo muối la liệt chợ mạng cận Tết Nguyên đán
11-01-2025 17:35 04
-
Giao thông xanh góp phần bảo vệ môi trường với các dòng xe năng lượng mới
11-01-2025 17:19 35
-
Học Apple, Dell đổi tên laptop thành Dell Pro và Dell Pro Max
11-01-2025 14:44 58