Xã hội
Gia Lai: Chỉ đạo nghiêm túc chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất
06:18 PM 25/07/2023
(LĐXH) - Tỉnh Gia Lai đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu biết các chế độ, chính sách của Nhà nước; tiếp thu các phản ánh, kiến nghị của nhân dân và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.
Hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân trên địa bàn tỉnh
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh xem xét ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định, chương trình, đề án giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Gia Lai đã giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho 39.167 đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó: trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng là 597 trẻ; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang sinh sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn là 6.740 trẻ; người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo 08 người; người đơn thân nghèo, cận nghèo nuôi con nhỏ là 1.274 người; người cao tuổi là 17.075 người; trẻ em và người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng: 13.472 người. Hiện nay, tổng số người và hộ gia đình chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng là 3.326 người.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 06 cơ sở trợ giúp xã hội đã được thành lập và cấp phép hoạt động (gồm: 01 cơ sở tổng hợp, 03 cơ sở chăm sóc trẻ em, 01 cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật, 01 cơ sở chăm sóc người già); 05 cơ sở đang triển khai các thủ tục cấp phép hoạt động (01 cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật, 03 cơ sở chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 01 cơ sở chăm sóc người tâm thần). Cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng của hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc đối tượng. Phương thức hoạt động của nhiều cơ sở được cải tiến, tổ chức nhiều hoạt động với nhiều hình thức phong phú mang ý nghĩa thiết thực cho đối tượng đang sống tại các cơ sở.
Thực hiện các chương trình trợ giúp khác, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã xuất ngân sách hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng đang hưởng trợ cấp hàng tháng và đối tượng, hộ gia đình nuôi dưỡng chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số 45.043 người (300.000đ/người), tổng số tiền 13.512 triệu đồng; Thăm chúc tết cho 127 cụ tròn 100 tuổi (mỗi suất trị giá 1.000.000 đồng). Các huyện, thị xã, thành phố đang tổ chức triển khai việc cấp tiền Tết và trợ cấp xã hội hàng tháng theo kế hoạch hoàn thành trước tết cho đối tượng bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, còn xuất ngân sách hỗ trợ cho 389 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, mỗi đối tượng 150.000đ/3 ngày tết, với tổng kinh phí 58,3 triệu đồng; tỉnh tổ chức đến thăm, chúc tết 06 cơ sở trợ giúp xã hội, mỗi cơ sở 01 suất quà trị giá 1.000.000 đồng/suất; thăm tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với 470 suất quà, trị giá: 94 triệu đồng.
Chính quyền địa phương các cấp, các ngành thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân để có giải pháp đảm bảo ổn định đời sống dân sinh khi gặp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và các nguyên nhân bất khả kháng. Từ đầu năm đã chủ động bố trí ngân sách địa phương, huy động cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng hóa, lương thực cho các cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Gia Lai đã cấp gạo cứu đói của Chính phủ cho người dân nhân dịp Tết Nguyên Đán 2023 với 604.185 kg gạo cấp cho 9.875 hộ (40.279 khẩu); tổ chức cấp gạo cứu đói giáp hạt đầu năm 2023 của Chính phủ cấp cho 9.375 hộ (39.433 khẩu) với 591.495 kg gạo.
Trợ giúp khẩn cấp kịp thời cho những người, hộ gia đình gặp rủi ro, đặc biệt do thiên tai, bảo đảm an sinh cho người dân trong tình trạng khẩn cấp; triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị trôi, cháy theo quy định.
Nhìn chung, với việc thực hiện đồng bộ các chính sách bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế của tỉnh đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội cơ bản, qua đó từng bước ổn định và nâng cao đời sống. Tuy nhiên bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng gặp một số khó khăn trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội như: Số đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội khá lớn, biến động liên tục, thường tập trung ở các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều đối tượng, đặc biệt là người từ đủ 80 tuổi là người đồng bào dân tộc thiếu thông tin cá nhân, nhất là thông tin về ngày tháng năm sinh của đối tượng trên các giấy tờ làm hồ sơ hưởng chế độ chính sách trước đây. Đến nay sau khi được cấp căn cước công dân một số đối tượng thông tin không trùng khớp; các đối tượng cách xa trung tâm, trình độ hiểu biết chế độ chính sách của Nhà nước còn hạn chế nên chưa chủ động trong quá trình làm hồ sơ hưởng chế độ. Do đó, ảnh hưởng đến công tác triển khai làm hồ sơ, xét duyệt hồ sơ hưởng và tính kịp thời hưởng chế độ chính sách cho các đối tượng đủ điều kiện hưởng.
Việc thực hiện chế độ trợ giúp thường xuyên của một số địa phương có lúc chưa đảm bảo theo quy định; công tác rà soát, cập nhật các đối tượng phát sinh, đối tượng chuyển đổi mức hưởng chưa kịp thời; việc triển khai rà soát đối tượng của một số nơi chưa được theo dõi, cập nhật thường xuyên. Các chế độ, chính sách và kinh phí hỗ trợ hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội hiện nay mới chỉ bảo đảm hỗ trợ được một phần các nhu cầu thiết yếu tối thiểu của đối tượng.
Trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách cho những người yếu thế trong xã hội, đảm bảo cơ bản các đối tượng yếu thế, đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội. 
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương trong việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP; Nghị định số 06/2011/NĐ-CP, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP.
Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa công tác bảo trợ xã hội. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo trợ xã hội./.
Hồng Phượng
Từ khóa: