Xã hội
Gia Lai tăng cường giám sát thực hiện công tác giảm nghèo
06:34 PM 24/09/2019
(LĐXH)- Chiều 23/9, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai do ông Đặng Phan Chung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2018 trên địa bàn tỉnh.
Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông và đại diện lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh.
Gia Lai là tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Nguyên với dân số hơn 1,4 triệu người, riêng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 44,38%, tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân chung cả nước. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 34.873 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,04% (giảm 3,3% so với cuối năm 2017), trong đó có 30.441 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số; 34.955 hộ cận nghèo (hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số chiếm 76,67%), giảm 10,06% và tăng 0,23% so với cuối năm 2017. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, Gia Lai thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch đề ra, trên địa bàn không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng.
Các hộ dân ở Gia Lai hưởng lợi của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tỉnh tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững đề ra. Đặc biệt, định kỳ hàng tháng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xuống làm việc với các địa phương để kiểm tra, chỉ đạo thực hiện công tác phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị bố trí một ngày/tuần đi cơ sở để nắm bắt tình hình và chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo; cấp ủy, UBND cấp huyện phân công các đồng chí cấp ủy viên, thành viên UBND phụ trách công tác giảm nghèo ở các xã, thôn, làng; Đảng ủy, UBND xã, thị trấn phân công các đảng viên, cán bộ, đoàn thể cấp xã phụ trách giúp đỡ từng hộ nghèo thoát nghèo, đưa việc thực hiện giảm nghèo vào tiêu chí xếp loại thi đua hàng năm; phân công 1 - 2 đơn vị, doanh nghiệp phụ trách giúp đỡ ít nhất 1 hộ thoát nghèo.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1 huyện nghèo, 61 xã đặc biệt khó khăn, 7 xã biên giới và 664 thôn, làng đặc biệt khó khăn (số liệu trước khi sáp nhập); đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 44,75%. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân, giai đoạn 2016-2018, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt những kết quả nhất định. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm; bình quân mỗi năm giảm trên 3,1%, vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao và chỉ tiêu của tỉnh đề ra, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS mỗi năm giảm bình quân 6,37%. Chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã góp phần giúp người nghèo, đồng bào DTTS có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa…; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2018 hơn 782 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hơn 758,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 23,3 tỷ đồng, vốn giai đoạn trước chuyển sang gần 3,8 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, tỉnh đã giải ngân và thanh quyết toán nguồn kinh phí trên 713,1 tỷ đồng; kinh phí thu hồi, nộp trả hơn 64,8 tỷ đồng và chuyển kỳ sau 7,72 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp, ngành còn đóng góp, huy động được trên 65 tỷ đồng để hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển sản xuất, xây dựng và sửa chữa nhà ở, làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Riêng năm 2019, kinh phí thực hiện Chương trình trên 219,6 tỷ đồng.
Ông Đặng Phan Chung, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh kết luận buổi giám sát
Bên cạnh đó, trong 3 năm (2016-2018), 4 huyện nghèo của tỉnh được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a gồm: Kbang, Kông Chro, Ia Pa và Krông Pa đã tích cực thực hiện công tác giảm nghèo, bình quân mỗi năm giảm trên 4%. Đến tháng 3-2018, tỉnh chỉ còn huyện Kông Chro được bổ sung vào danh sách huyện nghèo nhóm 2, tiếp tục thụ hưởng Chương trình này trong giai đoạn 2019-2020. Đối với 61 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 6%, vượt chỉ tiêu Trung ương và tỉnh đề ra. Hiện nay, qua rà soát, toàn tỉnh có 1 xã và 90 thôn đã đáp ứng được tiêu chí hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 năm 2018. Tỉnh cũng đã thực hiện vượt chỉ tiêu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện, xã, thôn thuộc Chương trình phù hợp quy hoạch dân cư và sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân. 
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã tập trung làm rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Phan Chung đề nghị UBND tỉnh thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục một số tồn tại, hạn chế lớn như: số hộ nghèo DTTS vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, số lượng người nghèo đi xuất khẩu lao động chưa nhiều, công tác tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế; kế hoạch giảm nghèo chưa sát với thực tiễn… 
Đồng thời, Trưởng đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng yêu cầu UBND tỉnh chủ trì cùng Mặt trận và các đoàn thể bàn bạc, nghiên cứu lồng ghép các nguồn quỹ hỗ trợ người nghèo; lồng ghép việc thực hiện các chương trình giảm nghèo một cách hiệu quả; phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo của người dân để có hướng hỗ trợ họ thoát nghèo; phối hợp với các doanh nghiệp, HTX, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh… tìm hiểu nhu cầu lao động để đào tạo nghề hiệu quả. Các sở, ngành, đoàn thể căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân từng bước thoát nghèo. Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh nên xây dựng, lựa chọn các mô hình giảm nghèo mang tính bền vững để triển khai thí điểm trong toàn tỉnh…

Chí Tâm

Từ khóa: