Xã hội
Giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số: Thành tựu và thách thức - Kỳ 1: Tập trung nguồn lực giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số
11:06 AM 06/04/2020
(LĐXH) Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN). Những chương trình, dự án mang tầm quốc gia với nguồn vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng đã thực sự là lực lượng vật chất to lớn góp phần thúc đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo ở các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, từng bước làm thay đổi diện mạo của nông thôn vùng DTTS, MN và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
Hàng chục nghìn tỷ đồng cho mục tiêu giảm nghèo
Vùng DTTS, MN chiếm ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, bao gồm 5.266 xã của 548 huyện, thuộc 51 tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống theo cộng đồng tại các thôn, bản, phum, sóc. Đây là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, đối ngoại, đặc biệt là quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Tính đến tháng 4/2019, nước ta có khoảng 14 triệu người DTTS, chiếm 14,7% dân số cả nước. Đồng bào DTTS nước ta chủ yếu tập trung và chiếm tỷ lệ cao ở các Vùng Trung du, Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc
Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện trên địa bàn vùng DTTS và miền núi là chủ trương lớn, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo, định hướng, bố trí nguồn lực. Những năm gần đây, mặc dù cân đối ngân sách nhà nước, đặc biệt là cân đối ngân sách trung ương khó khăn, nhưng Nhà nước vẫn quan tâm ưu tiên bố trí nguồn kinh phí lớn nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, MN. Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 2012 – 2015 và Giai đoạn 2016 – 2020. Đây là Chương trình giảm nghèo chung của cả nước, tuy nhiên nội dung chủ yếu của cả hai giai đoạn đều tập trung đầu tư cho hai Chương trình lớn là Chương trình 30ª và Chương trình 135 thuộc vùng DTTS, MN (hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các huyện nghèo 30ª; các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn của Chương trình 135).
Từ năm 2012 - 2019, tổng kinh phí ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là hơn 57.848 tỷ đồng, trong đó riêng hai Chương trình 30ª và Chương trình 135 thuộc vùng DTTS, MN đã chiếm khoảng 90% tổng kinh phí ngân sách trung ương đã bố trí để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững của cả nước. Có thể khẳng định rằng, về cơ bản Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững là Chương trình dành cho vùng DTTS, MN.
Ngoài nguồn vốn do Trung ương cấp, các địa phương đã tranh thủ huy động các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nguồn vốn tài trợ quốc tế để thực hiện các chính sách giảm nghèo. Cùng với đó, để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, MN, thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng (trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội), ngành Ngân hàng đã triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vùng DTTS,MN, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là nguồn lực to lớn giúp các địa phương hoàn thành cơ bản các mục tiêu Chương trình, góp phần giảm nghèo nhanh, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.
Niềm vui của các cô gái dân tộc thiểu số trước mùa xuân mới
Thành quả đáng khích lệ
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, sự nghiệp giảm nghèo cả nước nói chung và giảm nghèo vùng DTTS, MN nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được quốc tế ghi nhận, là điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, góp phần thay đổi diện mạo của vùng DTTS, MN và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 9,88% vào năm 2015, xuống còn dưới 4% năm 2019, bình quân giảm 1,55%/năm, tương ứng giảm hơn 1 triệu hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm. Các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3-4% trở lên mỗi năm, đạt mục tiêu đề ra.
Hầu hết tỷ lệ hộ nghèo theo 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản như: Chất lượng, diện tích nhà ở;  tiếp cận dịch vụ y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông…  của 51 tỉnh vùng DTTS, MN đều giảm (so sánh giữa năm 2019 và năm 2016) với tỷ lệ giảm thấp nhất là 0,61%, cao nhất là hơn 8%. Kết quả giảm hộ nghèo thiếu hụt đa chiều nêu trên cho thấy đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao, giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy, góp phần tạo động lực phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ, đẩy lùi các tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội.
Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, khoảng 25 nghìn công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS, MN.
Công tác giáo dục trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ
Đến nay, đa số các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 85% thôn có điện; 70% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; hơn 90% thôn có đường cho xe cơ giới và 48% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; gần 80% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; có khoảng 90 xã và gần 780 thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS giảm trung bình khoảng 3,5%/năm, với tổng số hộ nghèo DTTS giảm qua 5 năm (2015 – 2019) là khoảng hơn 420 nghìn hộ.
Việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đã giúp xóa được phần lớn các trường tạm, lớp tạm; các công trình thủy lợi đã góp phần tăng năng lực tưới tiêu, giúp đồng bào có đất canh tác, trồng cấy các loại cây công, nông nghiệp, cây ăn quả, tăng sản lượng lương thực hàng hoá; hàng ngàn hộ dân đã có nước sạch để dùng.
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế bước đầu đã huy động được sự tham gia của người dân ngay từ khâu xây dựng dự án đến tổ chức, triển khai thực hiện; kết hợp với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ DTTS nghèo, cận nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS, MN phát triển sản xuất, góp phần làm thay đổi nhận thức của một bộ phận lớn đồng bào các dân tộc. Một số mô hình sản xuất có hiệu quả được người dân chủ động nhân rộng, kỹ năng và tập quán sản xuất mới với những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt đang từng bước được thay thế. Kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ vay vốn làm nhà cho hộ đồng bào DTTS nghèo đã góp phần giúp đồng bào ổn định đời sống, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đồng thời, thông qua đó khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng.
Công tác giáo dục và đào tạo nghề trên địa bàn vùng DTTS, MN cũng đã có nhiều tiến bộ, huy động được hầu hết trẻ em trong độ tuổi ở các xã đặc biệt khó khăn đến trường, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, góp phần đáng kể vào việc nâng cao mặt bằng dân trí và phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi của địa phương.
Nhìn chung, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào DTTS từng bước được nâng cao; mạng lưới y tế các cấp phát triển, các trạm y tế xã từng bước đạt chuẩn đảm bảo cho đồng bào dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Chính sách bảo hiểm y tế đối với đồng bào DTTS được thực hiện đúng quy định; giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, góp phần cải thiện chất lượng dân số đồng bào DTTS.
Có thể khẳng định thành tựu to lớn đạt được của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hiện nay chính là thành quả của công cuộc đổi mới đất nước, thành quả của hơn 20 năm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc, miền núi; là quá trình thực hiện kiên trì, bền bỉ trong thời gian dài, có tính kế thừa, tích lũy; đồng thời có sự phát triển, trưởng thành về mặt chất lượng, chuyển từ nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều, tiếp cận chuẩn nghèo quốc tế.
Kết quả này là tiền đề quan trọng để đồng bào tiếp tục ổn định cuộc sống và sản xuất, an tâm, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tăng cường đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và cũng là vùng “phên dậu” của Tổ quốc.
 

Thảo Lan

Từ khóa: