Giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số - Thành tựu và thách thức - Kỳ 4: Cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ
(LĐXH) Trước rất nhiều khó khăn, thách thức của công tác giảm nghèo vùng DTTS, MN, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra, tiếp tục giảm nhanh và bền vững số hộ nghèo đồng bào DTTS rất cần các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, có tính khả thi cùng sự phối kết hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các cơ quan, ban ngành liên quan. Bên cạnh sự tiếp tục quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, việc phát huy nội lực của từng địa phương và khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của người nghèo có vai trò rất quan trọng.
Đa dạng hóa nguồn lực, phát triển sản xuất gắn với giảm nghèo bền vững
Theo Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, về cơ chế, chính sách giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo cần thay đổi căn bản các cơ chế, chính sách hiện hành theo hướng khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách giảm nghèo trên địa bàn vùng DTTS, MN thời gian qua. Định hướng quan trọng trong chính sách giảm nghèo cho vùng DTTS, MN giai đoạn tới là trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng DTTS, MN để tăng cường đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho từng vùng; tập trung cho xây dựng, phát triển các dự án đầu tư cho cộng đồng, xây dựng quan hệ sản xuất mới, phát huy năng lực nội sinh trong cộng đồng. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, khắc phục những bất cập trong thực hiện Nghị định 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, đảm bảo phát huy tối đa quyền tự chủ, quyền quyết định của người dân trong thực hiện chính sách giảm nghèo.
Để có cơ sở quan trọng xây dựng chính sách phù hợp về giảm nghèo đúng với từng đối tượng, từng vùng, cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê kết quả giảm nghèo dành riêng cho vùng DTTS, MN, trong đó có các thông tin, số liệu về nguyên nhân nghèo theo các chiều như: nghèo do thiếu vốn; nghèo do thiếu đất ở, đất sản xuất; nghèo do không có năng lực sản xuất; nghèo diện chính sách; đặc biệt là các chiều về dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông)… Chính phủ cần đánh giá lại chính xác số liệu số xã, thôn thoát khỏi tình trạng ĐBKK năm 2019, không nên chạy theo thành tích, phải đánh giá đúng thực tế, kiên quyết không giảm chỉ tiêu, không ưu tiên trong việc xem xét hoàn thành chỉ tiêu của các xã, thôn, bản đưa ra khỏi Chương trình 135.
Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phân cấp, trao quyền trọn gói trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng theo quy định của Chính phủ; ưu tiên bổ sung kinh phí xây dựng các công trình cấp bách như đường giao thông, điện, thủy lợi, thông tin liên lạc nhằm giảm tỷ lệ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và bổ sung nguồn vốn về duy tu, bảo dưỡng chống xuống cấp các công trình cho vùng DTTS, MN. Đồng thời tăng cường nguồn lực cho các chương trình/dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo, để đồng bào nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Trong điều kiện các tỉnh tập trung đông đồng bào DTTS là những tỉnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước thì việc được phân bổ nguồn lực đầy đủ, kịp thời là một trong những yếu tố quyết định để các địa phương triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững và hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Chính vì vậy, khi tham góp ý kiến về các giải pháp giảm nghèo, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng cần tăng cường nguồn lực từ ngân sách Trung ương, đối với các tỉnh vùng DTTS, MN nghèo không cân đối được nguồn vốn đối ứng của địa phương, thì ngân sách Trung ương phải đảm bảo cân đối thực hiện chính sách giảm nghèo. Cùng với đó, cần đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định. Tăng cường huy động nguồn lực đóng góp hợp pháp của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp; các Tổ chức Quốc tế và Quỹ vì người nghèo của Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; tranh thủ vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và sự tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.
Cần tập trung phát triển sản xuất gắn với giảm nghèo bền vững và thay đổi tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân. Mỗi địa phương phải xác định được cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực để sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng xây dựng chuỗi giá trị, gắn với việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, hình thành các sản phẩm có giá trị cao, từng bước thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún của từng hộ sang sản xuất tập trung theo quy mô phù hợp; quan hệ sản xuất từ chủ yếu là tự cấp, tự túc, liên kết yếu sang liên kết chặt chẽ giữa nhóm hộ, cộng đồng và các thành phần kinh tế khác (doanh nghiệp, hợp tác xã) trong sản xuất, kinh doanh.
Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần rà soát chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, xây dựng nhà máy chế biến nông, lâm sản; kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa giữa vùng DTTS, MN với thị trường trong nước và thị trường quốc tế, tạo điều kiện cho đồng bào tiêu thụ được sản phẩm do thành quả lao động, sản xuất của mình tạo ra. Hạn chế hỗ trợ giống, vật tư trực tiếp bằng hiện vật cho các hộ mà chuyển dần sang hỗ trợ theo các mô hình, dự án sản xuất của nhóm hộ, cộng đồng có sự tham gia của các hộ nghèo.
Phát huy nội lực của địa phương, khơi dậy ý thức tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số
Nhận thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và bản thân chủ thể tham gia một hoạt động, hay thụ hưởng một chính sách nào đó đóng một vai trò quyết định đến việc triển khai thành công bất kỳ một chủ trương, chính sách, hoạt động nào. Công tác giảm nghèo vùng DTTS, MN cũng không phải là ngoại lệ. Chính vì vậy, cần tăng cường vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, đặc biệt là cơ quan làm công tác dân tộc. Cần tăng cường phát huy nội lực của địa phương, của cộng đồng, ý thức tự lực, tự cường của người nghèo trong công tác giảm nghèo bền vững; chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp về quan điểm của Đảng về công tác dân tộc, tầm quan trọng, vị trí chiến lược của vùng DTTS, MN trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và công tác giảm nghèo đối với đồng bào DTTS, MN nói riêng. Coi công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS, MN là trách nhiệm, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với các giải pháp đồng bộ, cụ thể, có tính khả thi.
Đồng thời, cần tăng cường, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực của các cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là ở cấp cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, tâm huyết, trách nhiệm, hiểu biết phong tục tập quán của đồng bào DTTS, biết khắc phục khó khăn, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo bền vững của Đảng, Nhà nước. Quan tâm và thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ những người trực tiếp tham mưu, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp xã và thôn ở vùng DTTS, MN về kỹ năng điều hành, quản lý, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực, khả năng tiếp cận của người dân trong thực hiện chính sách giảm nghèo và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, cần đổi mới hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền thiết thực, cụ thể bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đặc biệt là hình thức vận động, giải thích trực tiếp đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo để người dân có thể nắm bắt, hiểu biết về mục đích, ý nghĩa của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong hoạt động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; làm thay đổi nhận thức về vấn đề nghèo đói, nâng cao ý thức về giảm nghèo, xóa nghèo của đồng bào DTTS, MN.
Cuối cùng, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện sai sót để khắc phục, điều chỉnh; có cơ chế xử lý, gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu tại địa phương khi không hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu đề ra...
Tin rằng, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, sự chung tay vào cuộc, đồng sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và ý chí nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, công cuộc giảm nghèo vùng DTTS, MN sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong thời gian tới nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc thiểu số./.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó
12-01-2025 13:33 05
-
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội
12-01-2025 13:32 51
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46