Góp ý dự thảo Nghị định quản lý, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu
(LĐXH) Liên quan đến dự thảo Nghị định Quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu do Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính làm đầu mối xây dựng trình Chính phủ, Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam đã có Công văn số 831/CV-VAFF ngày 10-5-2021 về việc góp ý dự thảo Nghị định.
Trong Công văn này, Hiệp hội đã tập hợp ý kiến của các thành viên trong Hiệp hội, phân tích rõ những bất cập, những vị hiến, trái với Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ của dự thảo Nghị định.
Sau khi có ý kiến của các Hiệp hội, đồng thời có sự phản đối mạnh mẽ của các Bộ chuyên ngành như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giao thông vận tải... Văn phòng Chính phủ đã có thông báo trả lại dự thảo Nghị định để Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chỉnh sửa và tiếp thu ý kiến của các Bộ và các Hiệp hội.
Theo PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hộp Thực phẩm chức năng Việt Nam, Hiệp hội chúng tôi luôn khẳng định Quyết định số 38 của Thủ tướng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết nhằm nghiên cứu và đề xuất mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm ưu việtso với mô hình hiện nay. Như vậy Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ là cái gốc để Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) làm căn cứ để xây dựng mô hình. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng Nghị định đã bất cập ngay từ nguyên tắc triển khai.
Ông Trần Đáng phân tích, đã là nghiên cứu để đề xuất mô hình mới thì phải đánh giá, khảo sát mô hình hiện có về kiểm tra nhà nước đối với an toàn thực phẩm, qua khảo sát nếu phát hiện mô hình hiện tại có bất cập thì từ kết quả khảo sát này mới đề xuất mô hình mới để giải quyết những bất cập.
Nghị định quản lý, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu
Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan xây dựng và đề xuất mô hình kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Luật: Hải quan; Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Chăn nuôi; Trồng trọt; Thủy sản; An toàn thực phẩm...) tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, môi trường, an ninh kinh tế, an ninh quốc gia. Kế thừa các quy định đã được triển khai thực hiện tốt tại các Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đồng thời phải hướng đến mục tiêu tiết kiệm, tránh lãng phí.
Đây chính là những nguyên tắc tối quan trọng để làm cơ sở xây dựng Nghị định. Tuy nhiên rất tiếc, tại dự thảo mới nhất ngày 1-11-2021 Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ, Hiệp hội thấy rằng dự thảo mới này hầu như không tiếp thu những ý kiến góp ý của các Bộ và các Hiệp hội, và vẫn tiếp tục không tuân thủ các nguyên tắc nêu trên tại Quyết định số 38 của Thủ tướng. Quyết định số 38 giao Hải quan xây dựng Nghị định về kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, ngay tên dự thảo Nghị định là “Cơ chế quản lý”... đã sai với nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 38, vì quản lý an toàn thực phẩm bao gồm rất nhiều nội dung: Quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn; đăng ký công bố; kiểm nghiệm; ghi nhãn; quảng cáo, thanh tra, kiểm tra; điều kiện cơ sở sản xuất... Trong đó việc kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu chỉ là một nội dung rất nhỏ về quản lý an toàn thực phẩm.
Dự thảo Nghị định trái với các Luật chuyên ngành, đặc biệt trái Luật An toàn thực phẩm. Điều 62, 63 và 64 Luật An toàn thực phẩm quy định về trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm chỉ giao cho Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương hoàn toàn không giao cho Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), như vậy trái với nguyên tắc của Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt theo dự thảo Nghị định đã tạo ra sự phân biệt đối xử sâu sắc giữa thực phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Cụ thể, thực phẩm nhập khẩu chỉ cần 1 doanh nghiệp đăng ký bản công bố trên hệ thống của Tổng cục Hải quan xây dựng, các doanh nghiệp khác khi nhận sản phẩm này không phải thực hiện việc đăng ký bản công bố.
Nếu quy định này được thông qua là mối nguy lớn cho việc truy xuất nguồn gốc đối với các cơ quan quản lý vì không biết tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm về loại thực phẩm đó. Quy trình tiếp nhận đăng ký bản công bố đối với thực phẩm theo dự thảo Nghị định là quá lỏng lẻo, vì cơ quan Hải quan không có chuyên môn để phân tích các mối nguy trong các Phiếu kết quả kiểm nghiệm, công bố về công dụng... dẫn đến tình trạng thực phẩm nhập khẩu có thể công bố đủ các loại công dụng trong đó có cả công dụng chữa bệnh. Trong khi đó thực phẩm sản xuất trong nước phải kiểm soát rất chặt các mối nguy, kiểm soát việc công bố công dụng. Đây chính là bất bình đẳng lớn đối với thực phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm nhập khẩu.
Ông Trần Đáng cho hay, qua phân tích cũng như nhìn nhận toàn dự thảo cho thấy hạn chế, bất cập ở: Vấn đề kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ sâu về chuyên ngành để nắm được thành phần nguyên liệu, mức độ tinh khiết, độ ổn định về hàm lượng, tính chất suốt đời sống sản phẩm cũng như phải phân tích được các chất ô nhiễm, sự tác động của thực phẩm tới sức khỏe, bệnh tật, cơ quan hải quan không thể quản lý và thực hiện được nội dung này.
Vấn đề phân tích nguy cơ bao gồm: Đánh giá nguy cơ, kiểm soát nguy cơ và truyền thông nguy cơ. Đánh giá nguy cơ bao gồm: Nhận diện xác định mối nguy, mô tả đặc điểm mối nguy, lượng giá sự phơi nhiễm và mô tả đặc điểm nguy cơ. Thực hiện nội dung này chỉ có ngành y tế và ngành nông nghiệp. Hải quan hoàn toàn không làm được; Vấn đề công bố hợp quy, công bố hợp chuẩn đã được đề cập trong luật tiêu chuẩn, quy chuẩn, Luật An toàn thực phẩm và chỉ có ngành y tế, ngành nông nghiệp thực hiện từ hàng vài chục năm qua. Ngành hải quan không làm được. Vì vậy không nên đề cập trong Nghị định này.
Ông Trần Đáng nhấn mạnh: “Nguy cơ của thực hiện các nội dung của Nghị định này sẽ gây ra hậu quả như: Nguy cơ về các mầm bệnh gây bệnh ô nhiễm vào thực phẩm mà không kiểm soát được: mầm bệnh vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, hóa chất, vật thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng sẽ tràn vào nước ta, nhất là tràn vào qua biên giới. Gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng kể cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt Hiệp hội chúng tôi được biết hoạt động nghiên cứu và đề xuất mô hình kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm được nhận tài trợ từ nước ngoài, do đó nếu không có sự minh bạch, sẽ có nguy cơ chính sách quản lý bị chi phối dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước” ./.
Mỹ Linh
Từ khóa:
-
Giao thông Hà Nội ngày đầu đi làm năm 2025: Vẫn vượt đèn đỏ
02-01-2025 13:40 52
-
Tiền phạt vi phạm giao thông được sử dụng vào việc gì?
02-01-2025 11:51 03
-
Những lỗi vi phạm giao thông sắp bị phạt cao hơn gấp nhiều lần
31-12-2024 10:28 39
-
Bắt giữ, xử lý hơn 12,9 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
05-10-2024 15:32 35
-
Công an TP. HCM triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn
29-08-2024 09:51 00
-
Ý kiến đa chiều xung quanh Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với rượu, bia và nước giải khát có đường
08-08-2024 17:43 06
- Triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 6 về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã
- 5 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.256 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại
- Tổng cục Hải quan và Cơ quan Bảo vệ Biên giới Australia hội đàm song phương và ký Kế hoạch hợp tác điều tra