Xã hội
Hà Giang: Ghi nhận những chuyển biến trong công tác giảm nghèo
03:39 PM 25/02/2020
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, đến thời điểm 31/12/2019, toàn tỉnh Hà Giang giảm được 4,44% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 31,17% vào cuối năm 2018 xuống còn 26,73% vào cuối năm 2019 (theo Chuẩn nghèo đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020).
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 6/11 huyện, thành phố thuộc diện huyện nghèo được thụ hưởng chính sách theo Nghị Quyết 30a của Chính phủ (gồm 4 huyện cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần). Bên cạnh đó, Hà Giang là tỉnh có 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như: Mông, Nùng, Tày, La Chí, Pà Thẻn, Lô Lô, Sán Dìu… trình độ dân trí thấp.
Tính đến thời điểm cuối năm 2019, tổng số hộ trên địa bàn Hà Giang là 182.652 hộ; số hộ thoát nghèo trong năm 2019 là 9.536 hộ; Số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh mới trong năm 2019 là 2.277 hộ; trong đó, tái nghèo là 349 hộ, nghèo mới phát sinh là 1.928 hộ. Tổng số hộ nghèo của tỉnh, tính đến thời điểm 31/12/2019 là 48.824 hộ, chiếm 26,73% tổng số hộ của toàn tỉnh. Số hộ cận nghèo là 26.097 hộ, chiếm trên 14,28% tổng số hộ của toàn tỉnh.
Giờ thực hành gò hàn của lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại huyện Vị Xuyên, Hà Giang
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện nay, Hà Giang vẫn là một tỉnh nghèo của cả nước, thu nhập bình quân đầu người thấp. Vì vậy, công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh
Việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là tại địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất với các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã đề ra.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong năm 2020, UBND tỉnh Hà Giang đã đề ra mục tiêu cụ thể là: Giảm trên 8.710 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt trên 4,2%, riêng đối với các huyện và các xã nghèo giảm trên 6%, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 24,4 triệu đồng/người/năm; Phấn đấu đào tạo nghề cho 13.000 người, trong đó đào tạo nghề ngắn hạn cho 12.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 51%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 41,6%; giải quyết việc làm mới cho 16.350 lao động, trong đó đi làm việc nước ngoài và làm việc tại các tỉnh trong nước là 4.500 lao động. Triển khai 33 Dự án mô hình nhân rộng giảm nghèo với trên 500 hộ nghèo tham gia.
Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho trên 1.000 cán bộ cơ sở và trên 6.000 người dân tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho trên 200 cán bộ làm công tác giảm nghèo. Trên 98% người dân tham gia Bảo hiểm y tế, 100% hộ gia đình có người ốm đau được đưa đi khám chữa bệnh. Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,5%; tỷ lệ huy động trẻ từ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%, tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học Trung học phổ thông đạt 65%. Trên 900 hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm. Có 99% dân số thành thị được sử dụng nước sạch, 81,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 50% hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng hỗ xí/nhà tiêu hợp vệ sinh. Phấn đấu 90,8% số hộ được sử dụng điện, 99% hộ dân được xem truyền hình…
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Hà Giang cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể như: Đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gồm các chương trình như: Chương trình 30a, Chương trình 135, Dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Dự án về Truyền thông và giảm nghèo về Thông tin; Dự án Nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Các chính sách hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Tiếp cận dịch vụ y tế, tiếp cận giáo dục, nhà ở cho hộ nghèo, cung cấp nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…/.
Phạm Văn Phú
 
Từ khóa: