Hà Giang: Nỗ lực giảm nghèo bền vững
(LĐXH) – Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2021, toàn tỉnh Hà Giang đã giảm 6.628 hộ nghèo (giảm 3,75% tỷ lệ hộ nghèo), tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 cuối năm 2021 giảm từ 22,29% xuống còn 18,54%.
Tỉnh tiếp tục duy trì các dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 (thu hồi 50 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 9 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với kinh phí thu hồi 4.318 triệu đồng); Triển khai 44 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 04 Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với 220 hộ hưởng lợi từ kinh phí thu hồi giai đoạn 2016-2020 với số tiền 2.819 triệu đồng.
Đồng thời bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách về về việc làm đến với người dân và lao động. Trong năm 2021, tỉnh đã tổ chức 154 Hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, hội nghị tư vấn định hướng nghề nghiệp; kết hợp tư vấn việc làm, học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp..., với 11.809 lượt người tham gia, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn và lực lượng thanh niên; kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động và đã giới thiệu việc làm thành công 1.622 lao động.
Nhiều mô hình giảm nghèo được tỉnh triển khai hiệu quả
Thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, để tiếp tục hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 49/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020, quy định mức hỗ trợ đóng BHYT đối với một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Hà Giang (trong đó quy định mức hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên). Kết quả năm 2021 thực hiện rà soát, mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 739.999 đối tượng, duy trì tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98,2%. Số lần khám chữa bệnh đạt 788.414 lượt người. Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo hỗ trợ bệnh nhân nghèo tiền ăn và tiền đi đường khi đến điều trị nội trú tại tuyến huyện trở lên cho trên 23.317 lượt bệnh nhân với kinh phí 6.805 triệu đồng. Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em qua thực hiện trợ giúp xã hội thường xuyên cho 11.874 trẻ em từ 0 đến dưới 3 tuổi con hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP cho 80.643 lượt học sinh; Hỗ trợ tiền ăn trưa cho 41.196 trẻ mẫu giáo theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP; Trợ cấp tiền ăn, tiền trọ cho 57.363 học sinh bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và hỗ trợ 7.931 tấn gạo cho 57.363 học sinh. Số học sinh bán trú hưởng theo Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND là 2.762 học sinh. Chú trọng củng cố, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, PTDT bán trú nhằm nâng cao tỷ lệ huy động học sinh tới lớp, duy trì sĩ số và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Toàn tỉnh có 13 trường PTDT nội trú, 182 trường PTDT bán trú, 110 trường phổ thông có học sinh bán trú. Tổng số học sinh nội trú cấp THCS và THPT là 4.849 học sinh; số trẻ, học sinh bán trú được hưởng chế độ chính sách là 85.677 học sinh, do cha mẹ đóng góp là 20.272 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 99,05% dân số trong độ tuổi.
Trong công tác hỗ trợ nhà ở, tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ nhà ở từ nguồn xã hội hóa theo Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 25/7/2019 của Ban chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Ban chỉ đạo xây dựng nhà ở đã tổ chức lễ phát động lần 2 về hỗ trợ xây nhà ở cho NCC, CCB nghèo, hộ nghèo. Kết quả năm 2021, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho 1.524 hộ với kinh phí 91.440 triệu đồng (lũy kế giai đoạn 2019-2021 toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 5.121 hộ gia đình triển khai xây dựng nhà ở với tổng kinh phí 304.687 triệu đồng).
Từ Chương trình nông thôn mới đã vận động và hỗ trợ các hộ xây dựng 2.204 công trình nhà tắm, 2.532 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh; cứng hóa, di dời 886 chuồng trại; xây dựng 1.223 bể trữ nước sinh hoạt để đạt chuẩn nông thôn mới. Các cơ quan báo chí, Phát thanh, truyền hình đã mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội như phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi, chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và hộ chính sách… Xây dựng, phát sóng hàng tuần các chương trình bằng tiếng phổ thông, tiếng dân tộc thiểu số.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác, năm 2021, Ngân hàng Chính sách XH tiếp tục thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng cho hộ nghèo và hộ chính sách. Qua đó đã giải quyết cho 14.066 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 604,9 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 3.469,1 tỷ đồng, với 95.564 khách hàng còn dư nợ. Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định của UBND tỉnh: Tổng số hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ đến thời điểm hiện nay là 1.143 hộ (gồm 550 hộ nghèo và 593 hộ cận nghèo); Số hộ được giải ngân vốn vay là 1.032 hộ; số tiền đã giải ngân lũy kế đến thời điểm báo cáo là 30.355 triệu đồng; Kinh phí tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp là 1.025 triệu đồng; Hỗ trợ công lao động là 19.314 công. Tổng diện tích vườn tạp đã được cải tạo là 931.608m2.
Hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân: Tuyên truyền, quảng bá, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang; Tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về huyện miền núi năm 2021; Trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Trung tâm giới thiệu nông sản tỉnh Hà Giang và Điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Hà Giang tại Hà Nội; Hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm cam sành tại thành phố Hà Giang và các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hỗ trợ chương trình khuyến công cho 18 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn về các lĩnh vực chế biến: sản phẩm chè, tinh bột nghệ, nước cam cô đặc, miến dong, tinh dầu cam và dược liệu... để hỗ trợ phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp địa phương, phát triển và mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh; Hỗ trợ 12 doanh nghiệp, HTX in và sử dụng 4,5 triệu tem thông minh truy xuất nguồn gốc thực phẩm, góp phần tạo sinh kế và việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo.
Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng công tác trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2021, tỉnh đã trợ giúp đột xuất thiên tai, hoả hoạn cho 82 hộ gia đình; trợ cấp cứu đói từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ dịp Tết nguyên đán cho 3.529 hộ = 15.040 khẩu = 225,6 tấn gạo; cứu đói giáp hạt cho 4.708 hộ = 20.852 khẩu = 312,78 tấn gạo. Tổ chức thăm và tặng quà Tết nguyên đán 6 cho 95.216 lượt đối tượng người có công, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ với trị giá trên 49,5 tỷ đồng; Tổ chức chúc mừng thọ cho 6.028 cụ cao tuổi; Thăm và tặng quà cho 242 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4/2021... Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động được trên 3,8 tỷ đồng, triển khai hỗ trợ cho hơn 3.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là trên 3,4 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, toàn tỉnh thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho 42.268 đối tượng bảo trợ xã hội (trong năm, giải quyết mới chế độ trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho 21.008 đối tượng); Tiếp nhận và thực hiện nuôi dưỡng 152 đối tượng (người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật đặc biệt nặng) tại 02 cơ sở trợ giúp xã hội công lập, 21 đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập Dương Hiển. Thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 62.596 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội; hỗ trợ 231 phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số.
Theo đánh giá của Sở Lao động – TBXH tỉnh, các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo như cứu đói, cứu tế, khắc phục thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ y tế, giáo dục, an sinh xã hội... giúp người nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và các thành tựu phát triển kinh tế xã hội. Kết quả năm 2021, toàn tỉnh Hà Giang giảm 6.628 hộ nghèo (giảm 3,75% tỷ lệ hộ nghèo), tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 cuối năm 2021 giảm từ 22,29% xuống còn 18,54%.
Trong năm 2022, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu giảm 5.765 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, công trình thủy lợi, cầu, hạ tầng điện. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ người nghèo; người dân sinh sống ở vùng nghèo, vùng khó khăn nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. Cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23