Hà Giang: Nỗ lực thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật
(LĐXH) - Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song tỉnh Hà Giang cũng đặc biệt quan tâm công tác trợ giúp người khuyết tật (NKT) nhằm giúp họ ổn định đời sống, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Thực hiện Luật NKT, Ban Công tác về NKT tỉnh Hà Giang đã ban Kế hoạch về thực hiện công tác về NKT năm 2023. Trên cơ sở đó đã có 12 sở, ngành và 11 huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của đơn vị phụ trách trong công tác về NKT. Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về NKT, Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang, các chế độ chính sách đối với NKT, nhất là vào dịp tết nguyên đán, kỷ niệm ngày NKT Việt Nam 18/4.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã tổ chức xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho 885 đối tượng, nâng tổng số NKT được xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật của tỉnh lên 16.982 người. Số đối tượng sau khi xác định mức độ khuyết tật xong đã được hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp giấy xác nhận khuyết tật để làm cơ sở thực hiện chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng và các chế độ có liên quan; đối với những đối tượng khuyết tật nhẹ được cấp giấy xác nhận khuyết tật để hưởng các quyền lợi khác theo quy định của Luật NKT.
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã ra quyết định hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng cho 699 đối tượng NKT phát sinh, nâng tổng số đối tượng được hưởng trợ cấp trên địa bàn toàn tỉnh là 14.293 đối tượng (tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022), hỗ trợ chi phí mai táng cho 381 đối tượng. Duy trì nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội 109 đối tượng tâm thần.
Vào các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm ngày NKT Việt Nam 18/4, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố đã tổ chức đi thăm và tặng quà cho các đối tượng NKT có hoàn cảnh khó khăn để chia sẻ động viên NKT vượt qua khó khăn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Toàn tỉnh đã tổ chức đi thăm và tặng quà cho 1.132 đối tượng, tổng kinh phí 530 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh cũng tổ chức hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho NKT. Trong 6 tháng đầu năm, số xã đã triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là 117 xã; có 118 xã có Trạm Y tế xã phân công nhân viên y tế chuyên trách phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, số lượt NKT được hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là 2.494 người; số lượt NKT được hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng là 453 người; số NKT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe quản lý trên phần mềm tại nơi cư trú 8.367 người.
Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục hòa nhập nhằm huy động tối đa trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học từ 3 đến 16 tuổi tham gia lớp học hoà nhập đạt 85%. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 30/196 Trường học có góc học tập cho trẻ khuyết tật học hòa nhập.
Trong công tác đào tạo nghề nghiệp và tạo việc làm, Hội NKT tỉnh đã triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức 10 lớp dạy nghề cho 200 học viên tại các huyện Quang Bình, Yên Minh, Quản Bạ và Vị Xuyên, gồm các nghề chăn nuôi trâu bò, gà, vịt... Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phụ nữ khuyết tật được tham gia trong các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; Khai thác nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp đầu tư vào các hoạt động tăng thu nhập phù hợp với sức khoẻ và điều kiện NKT như: buôn bán nhỏ, đan lát, thêu dệt, chăn nuôi… để tự lực vươn lên; Tham gia cùng các ngành chức năng chăm sóc phụ nữ khuyết tật không nơi nương tựa tại cộng đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ đã triển khai các hoạt động rèn luyện sức khỏe, tinh thần dành cho NKT, với trên 40 phụ nữ khuyết tật tham gia; duy trì và nâng cao chất lượng 02 tổ phụ nữ khuyết tật thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Giang và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vị Xuyên với 313 hội viên tham gia.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở LĐ- TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2023. Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý thụ lý thực hiện được 05 vụ việc trợ giúp pháp lý cho NKT, lồng ghép tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý cho NKT, NKT có khó khăn về tài chính tại các đợt truyền thông tại 57 xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Bắc Quang và Xín Mần cho 2.350 người tham gia.
Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Hà Giang về ban hành Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 trên địa bàn tỉnh, đến nay đã thành lập được 63 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại 63 xã. Thường xuyên tổ chức lồng ghép triển khai Luật NKT, các văn bản liên quan đến NKT và các chế độ chính sách cho NKT tại cơ sở.
Đối với công tác thành lập và hoạt động của các tổ chức của NKT, tổ chức vì NKT, tỉnh Hà Giang hiện nay có Hội NKT tỉnh, Hội nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin và Hội Người mù tỉnh. Hội NKT có 10/11 huyện, thành phố thành lập Hội NKT, trong đó có 08 Hội NKT được công nhận là tổ chức Hội đặc thù, 2 Hội NKT: Huyện Xín Mần, Đồng Văn mới thành lập nên không được công nhận là Hội đặc thù, huyện Mèo Vạc chưa thành lập được Hội NKT. Đến nay đã có 5.360 NKT tham gia hội viên Hội NKT. Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin có 11/11 huyện, thành phố có tổ chức Hội và có 69 xã có tổ chức hội.
Ngoài ra, tỉnh Hà Giang cũng chú trọng nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên, cộng tác viên về chăm sóc, trợ giúp NKT. Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 03 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí cho 773 cán bộ xã hội cấp xã, đội ngũ trưởng thôn/bản/tổ dân phố trên địa bàn các huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh. Tổ chức kiểm tra tại các huyện về lĩnh vực thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực công tác thuộc ngành quản lý nói chung và các chính sách trợ giúp NKT nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở đã kiểm tra trên 456 quyết định trợ cấp hàng tháng cho đối tượng khuyết tật của các huyện, thành phố chuyển đến đều thực hiện đảm bảo và đúng quy định.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật NKT. Tăng cường công tác tuyên truyền về Luật NKT, các chính sách trợ giúp NKT, quyền và trách nhiệm của NKT đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân, gia đình và bản thân NKT; tuyên truyền, giáo dục bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, chống phân biệt đối xử đối với NKT là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, nâng cao vai trò của gia đình và xã hội đối với NKT. Triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch, trong việc thực hiện các chính sách trợ giúp NKT, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật, tạo điều kiện để NKT được học văn hóa, học nghề và tạo việc làm phù hợp với nhu cầu và khả năng, hỗ trợ sinh kế, các hoạt động hỗ trợ về đời sống tinh thần văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để phát huy khả năng của NKT./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55
-
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
12-11-2024 17:27 25
-
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
12-11-2024 17:27 08
-
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
12-11-2024 14:29 01