Xã hội
Hà Nội: Chăm lo, phát huy vai trò người cao tuổi trong các hoạt động xã hội
11:39 AM 09/11/2023
(LĐXH) - Phát huy truyền thống “Kính già, yêu trẻ”, “Kính lão, đắc thọ” của dân tộc, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi, những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chế độ, chính sách chăm lo cho người cao tuổi, nhất là đối với người có công với cách mạng, người thuộc diện hộ cận nghèo, người cô đơn… Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với người cao tuổi bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.

Là địa phương có tỷ lệ người cao tuổi (NCT) khá cao, chiếm khoảng 12,8% dân số, công tác chăm sóc cho NCT được chính quyền Hà Nội quan tâm, triển khai đồng bộ, kịp thời các chương trình, hoạt động. Hằng tháng, thành phố Hà Nội trợ cấp xã hội cho 364.152 người từ 60 tuổi đến 79 tuổi khuyết tật, nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa; 92.166 NCT từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 882.643 NCT, đạt tỷ lệ 84,6%. Có 446.955 NCT được khám sức khỏe định kỳ; 509.121 NCT có sổ theo dõi sức khỏe ban đầu. Thành phố hiện có 2 cơ sở dưỡng lão của Nhà nước, 12 cơ sở dưỡng lão của các doanh nghiệp, góp phần chăm lo cho NCT. Để NCT thuận lợi hơn trong hoạt động kinh tế, thành phố đã cho 9.000 NCT vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.  

Các hoạt động thăm khám sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi luôn được triển khai đúng kế hoạch

Năm 2023, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã xây dựng và hướng dẫn triển khai, duy trì mô hình dân số tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó có 86 mô hình chăm sóc NCT ở cộng đồng, 40 câu lạc bộ NCT tự chăm sóc sức khỏe, 24 mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, 18 mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên. Các hoạt động mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời, hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe NCT được duy trì thường xuyên tại cộng đồng trên địa bàn 579 xã, phường, thị trấn.

Thành phố Hà Nội hiện có 4.846 chi hội NCT, 14.251 tổ hội và hơn 1.000.000 hội viên, đạt 90,61% số NCT. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, phối hợp tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 133.000 người từ 70 tuổi trở lên với tổng số tiền trên 91 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp, ngành, đơn vị tặng gần 20.000 suất quà trị giá gần 4 tỷ đồng tới NCT có hoàn cảnh khó khăn. Hưởng ứng Ngày truyền thống người cao tuổi, Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam, các cấp hội thành phố cùng với các cấp, ngành, đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà 126.880 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, NCT cô đơn không nơi nương tựa và NCT trong diện thực hiện chính sách có nhiều khó khăn với tổng số tiền trên 37,48 tỷ đồng. Hiện nay, 100% Hội Người cao tuổi xã, phường, thị trấn phối hợp xây dựng Quỹ “Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi” với tổng số dư trên 69 tỷ đồng; quỹ Hội toàn thành phố hiện có số dư gần 367,754 tỷ đồng. Ngoài ra, 30/30 quận, huyện, thị xã thành lập được 257 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau với trên 14.000 hội viên...

Thành phố cũng có nhiều hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi

Theo Kế hoạch số 30/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hà Nội đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể phấn đấu đạt được đến năm 2025: khoảng 80% NCT có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; ít nhất 50% NCT có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; 100% NCT khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng; 100% NCT khuyết tật đặc biệt nặng, NCT lang thang có nhu cầu được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. 100% NCT không phải sống trong nhà tạm, dột nát. Ít nhất 20% bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, bệnh viện điều dưỡng - phục hồi chức năng), bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh trở lên tổ chức buồng khám bệnh riêng cho NCT tại khoa khám bệnh, bố trí giường bệnh điều trị nội trú cho NCT và 50% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố có khoa lão khoa; 60% số xã, phường, thị trấn có các loại hình CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của NCT, thu hút ít nhất 50% NCT tham gia luyện tập thể dục, thể thao, ít nhất 10% NCT tham gia văn hóa, văn nghệ. Có từ 15-20% số xã, phường, thị trấn có CLB liên thế hệ tự giúp nhau hoặc các mô hình CLB chăm sóc và phát huy vai trò NCT, thu hút ít nhất 70% NCT trên địa bàn tham gia. 100% xã, phường, thị trấn có Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT…

Để đạt được những mục tiêu trong công tác NCT, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, của mỗi người dân và toàn xã hội, nhất là ở thời điểm cả nước đang tiếp tục các hoạt động Tháng hành động vì NCT Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ”. Đồng thời, tiếp tục phát huy, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực trong việc bảo vệ, chăm sóc, an sinh xã hội tốt hơn đối với NCT; tạo mọi điều kiện để NCT sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và sống có ích. Chú trọng vận động các nguồn lực để giúp đỡ NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT; hỗ trợ người cao tuổi sản xuất kinh doanh, tiếp tục duy trì phong trào người cao tuổi sản xuất kinh doanh giỏi tại cộng đồng…

Trần Huyền

 

Từ khóa: