Hà Nội: Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện giai đoạn 2021 - 2025
(LĐXH) - Theo báo cáo của BHXH thành phố Hà Nội, tính đến ngày 22-11-2021, Hà Nội có hơn 7,345 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 90,1% dân số, tăng gần 186.000 người so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 1,82 triệu người, bằng 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó có hơn 1,756 triệu người tham gia BHTN, tăng gần 38.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng
Đặc biệt, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên, hiện toàn thành phố có hơn 53.000 người có tên trong danh sách BHXH tự nguyện, tăng hơn 7.000 người so với cùng kỳ năm trước. Người tham gia các chính sách bảo hiểm được thụ hưởng đầy đủ quyền lợi chính đáng. Nổi bật là, từ đầu năm 2021 đến ngày 22-11, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã đón tiếp, phục vụ hơn 7,5 triệu lượt bệnh nhân với chi phí khám, chữa bệnh lên tới hơn 13.425 tỷ đồng.
Nhằm đưa chính sách đến với người thụ hưởng, từ đầu tháng 10-2021, BHXH thành phố Hà Nội tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người lao động, người sử dụng lao động thấy rõ trách nhiệm trong quá trình lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Cùng với đó, toàn ngành ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin để có thể quản lý, xác minh đúng các trường hợp thụ hưởng.
Kết quả, đến nay, chính sách giảm đóng vào Quỹ BHTN cho người sử dụng lao động đã đến với hơn 84.000 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, gồm hơn 1,4 triệu lao động. Số tiền giảm đóng cho các đơn vị sử dụng lao động trong 12 tháng (từ ngày 1-10-2021 đến 30-9-2022) dự kiến là 1.177 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, dự kiến Hà Nội có hơn 1,7 triệu người được thụ hưởng với số tiền hơn 4.300 tỷ đồng. Đến nay, toàn thành phố đã chi trả cho hơn 1,6 triệu người với số tiền gần 4.000 tỷ đồng, đạt khoảng 92% tổng số người ước đủ điều kiện hỗ trợ.
Để mọi người lao động đủ điều kiện được tiếp cận với gói hỗ trợ an sinh từ Quỹ BHTN, BHXH thành phố Hà Nội đã có công văn đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động; đề nghị các địa phương trên địa bàn thành phố đẩy mạnh truyền thông đến từng thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động thuộc diện hỗ trợ nhanh chóng gửi ngay hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ. BHXH thành phố cũng đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn thông tin kịp thời đến các đơn vị, doanh nghiệp về mốc thời gian nhận hồ sơ. Sau ngày 30-11-2021, người lao động đang tham gia BHTN chưa nhận được hỗ trợ phải tự đi làm thủ tục.
Với trường hợp đã dừng tham gia, nhưng còn thời gian bảo lưu đóng BHTN, thời hạn cuối để cơ quan BHXH tiếp nhận đề nghị hỗ trợ là ngày 20-12-2021. Thời gian hoàn thành chi trả hỗ trợ chậm nhất vào ngày 31-12-2021.
Ngoài ra, BHXH Hà Nội phối hợp với cơ quan Công an cảnh báo người lao động đề phòng các tin nhắn có dấu hiệu lợi dụng chính sách hỗ trợ để lừa đảo; đồng thời, bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trong quá trình đề nghị hỗ trợ. Ngành BHXH cũng phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số, lập thẻ ATM tại ngân hàng để có thể nhận nguồn hỗ trợ thuận lợi hơn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền BHXH tự nguyện giai đoạn 2021 - 2025
Xác định bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Với mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và đến năm 2025 có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghi hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, đến năm 2030 có khoảng 65% số người sạu độ tuổi nghi hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030”.
Theo đó, để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân và đến năm 2025, có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; đến năm 2030, có khoảng 65% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố thực hiện tốt các nội dung.
Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp với lộ trình phù hợp, nỗ lực phấn đấu đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ về công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp nhất là tại cơ sở và trên hệ thống loa truyền thanh các xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết, lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để bảo đảm an sinh xã hội; trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội; tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tự bảo đảm cuộc sống khi về già, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội...
Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đại lý thu bảo hiểm xã hội; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội và nhân viên đại lý thu theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội và nhân viên đại lý thu bảo hiểm xã hội phải bám sát cơ sở, tuyên truyền làm rõ tính cần thiết và lợi ích thiết thực của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; kiên trì vận động, thuyết phục người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; chủ động, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm tốt để phổ biến, nhân rộng các mô hình tiêu biểu trên địa bàn Thành phố…
Các quận, huyện, thị ủy xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương để tổ chức thực hiện tốt chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy; thường xuyên nắm bắt tình hình, tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn. Định kỳ đánh giá sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08