Lao động
Hà Nội: Gắn cơ chế đặc thù với Nghị quyết số 68/NQ-CP để hỗ trợ người dân
04:38 PM 05/08/2021
(LĐXH) – Báo cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về kết quả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, TP Hà Nội cho biết, đến nay, các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành có liên quan đang rất khẩn trương hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động nộp hồ sơ cũng như tiếp nhận hồ sơ để được hỗ trợ theo quy định. Các quận, huyện, thị xã cũng đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo và thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác, hội đồng thẩm định hồ sơ để tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ giải quyết chế độ cho đối tượng theo quy định.
Rà soát đối tượng ngoài quy định
Ngày 22/7/2021, Sở Lao động TB&XH đã ban hành văn bản số 4280/SLĐTBXXH-LĐTLBHXXH về việc triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Ccovid-19 trên địa bàn Thành phố, trong đó đề nghị các Sở, ngành liên quan, Liên đoàn Lao động Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo rà soát, đề xuất các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ngoài các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố. Kết quả rà soát đề nghị gửi về Sở Lao động TB&XH trước ngày 30/7/2021. Đến nay đã có 13 đơn vị, quận, huyện gửi đề xuất về Sở.
Để kịp thời tham mưu, báo cáo UBND Thành phố ban hành chính sách đặc thù, ngày 30/7/2021, Sở Lao động TB&XH tiếp tục có văn bản số 4415/SLĐTBXH-LĐTLBHXH đề nghị các đơn vị, quận huyện còn lại gửi đề xuất về Sở, hạn cuối là ngày 05/8/2021.
Hà Nội đẩy nhanh hỗ trợ người lao động
Theo đó, Sở Lao động TB&XH phối hợp các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan thống nhất trình UBND Thành phố rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết, cụ thể là ủy quyền cho các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, có 7/12 thủ tục hành chính UBND Thành phố ủy quyền/giao cho Sở Lao động TB&XH, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Sở Du lịch, Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong triển khai thực hiện, người lao động chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể gửi hồ sơ đến Trung tâm DVVL và 15 Điểm, Sàn giao dịch việc làm đặt tại một số quận, huyện, thị xã (theo quy định chỉ gửi hồ sơ đến Trung tâm DVVL thuộc Sở Lao động TB&XH ); sau khi rà soát Trung tâm Dịch vụ việc làm gửi danh sách những người đủ điều kiện hưởng hỗ trợ đến Sở Lao động TB&XH để phê duyệt được thực hiện 4 lần/tháng (theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là 02 lần/tháng).
Ngoài ra, có 05 Thủ tục hành chính giảm thời gian giải quyết so với quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và và so với quy định trước đây đối với lao động tự do theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, cụ thể: (1)Thời gian giải quyết TTHC các chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất;(2) Hỗ trợ kinh phí đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động; (3)Hỗ trợ hộ kinh doanh;(4) Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh;(5) Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn thành phố, tại Quyết định số 3642/QĐ-UBND quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ và hồ sơ trình tự thủ tục đối với chính sách Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do), theo đó: người lao động (theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm) làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố; người lao động bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/lần. Tổng thời gian giải quyết từ khi tiếp nhận đến phê duyệt là 06 ngày (giảm 2 ngày so với thực hiện trước đây áp dụng thực hiện theo Nghị quyết số 42/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ)
Người lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn
 Như vậy, tổng số ngày được rút ngắn thời gian giải quyết (05 TTHC nêu trên) so với Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và so với quy định trước đây đối với lao động tự do theo Nghị quyết số 42/NQ-CP là 07 ngày.
Sau 1 tháng triển khia thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, thành phố Hà Nội đã cơ bản đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể là:
Kết quả hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 68
Đến nay các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí 71,54 tỷ đồng (trong đó, đã thực hiện được 70,6 tỷ đồng). Bao gồm:
(1)   Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Bảo hiểm xã hội Thành phố đã thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp cho 87.516 đơn vị với 1.447.150 lao động, tổng số tiền thực hiện hỗ trợ giảm đóng là 48,99 tỷ đồng.
(2)   Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Bảo hiểm xã hội Thành phố đã ra quyết định và thực hiện dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất cho 31 đơn vị với 2.846 người lao động, số tiền tạm dừng đóng là 20,06 tỷ đồng.
(3)   Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động: Đến nay, Sở Lao động TB&XH chưa nhận được hồ sơ nào của người lao động.
(4)  Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ 447 lao động tạm hoãn HĐLĐ với kinh phí là 1,91 tỷ đồng (trong đó, đã chi trả cho 276 lao động với số tiền 1,18 tỷ đồng).
(5)  Hỗ trợ người lao động ngừng việc: Quận, huyện, thị xã đã thực hiện hỗ trợ 06 lao động ngừng việc với số tiền 6 triệu đồng.
(6)  Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chưa nhận được hồ sơ nào của người lao động.
(7)   Hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị covid-19, cách ly y tế: Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố, Sở Y tế và các quận, huyện, thị xã đến nay mới thực hiện hỗ trợ tiển ăn cho F1 và hỗ trợ thêm tiền ăn cho F0, F1 với 140 người, kinh phí hỗ trợ là 163,4 triệu đồng.
(8)   Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch: Hiện nay, Sở Du lịch mới thực hiện hỗ trợ cho 01 người với số tiền 3,7 triệu đồng.
(9)   Hỗ trợ hộ kinh doanh: Đến nay, quận, huyện, thị xã chưa thực hiện được
(10)  Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: Đến nay, Ngân hàng Chính sách chưa thực hiện được
(11)  Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do): Quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ cho 270 lao động tự do với số tiền 405 triệu đồng (trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho 130 lao động với 195 triệu đồng).
Gắn cơ chế đặc thù để hỗ trợ người dân
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, ngày 29/7/2021 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã ra quyết định thực hiện hỗ trợ 3.180 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động với 3.180 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá 3,180 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho 3.171 hộ với kinh phí 3,171 tỷ đồng. Đây là chính đặc thù cho đối tượng hộ nghèo không quy định trong Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố. Ngoài ra, một số quận, huyện (Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Quốc Oai, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Hoài Đức, Tây Hồ, Thanh Xuân, Ba Vì, Đan Phượng, Gia Lâm, Mê Linh, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín) đã chủ động huy động nguồn lực để thực hiện hỗ trợ cho 20.744 lượt người, hộ gia đình gặp khó khăn trên địa bàn (ngoài đối tượng quy định tại Quyết định 3642/QĐ-UBND) với kinh phí trên 7,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhằm chia sẻ đối với những đối tượng còn khó khăn trên địa bàn Thành phố, một số đơn vị đã huy động kinh phí từ nhiều nguồn lực để có những hoạt động thiết thực chung tay cùng người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ngoài việc tham mưu Thành phố hỗ trợ cho 3.180 hộ nghèo (trong hộ không có người tham gia thị trường lao động), Ủy ban MTTQ Thành phố cũng có quà tặng cho 200 người khuyết tật với kinh phí 250 triệu đồng; Thành đoàn Hà Nội đã xây dựng và tổ chức "Siêu thị 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng" với 250 suất trị giá 100 triệu đồng; Liên đoàn Lao động Thành phố đã hỗ trợ Đoàn viên công đoàn với số tiền 23,9 tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ Thành phố hỗ trợ nhu yếu phẩm, cấp phát thiết bị phòng chống dịch và hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho người dân với tổng kinh phí 10,2 tỷ đồng.
Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố đã kêu gọi ủng hộ, phối hợp tặng 68 triệu đồng, 111.680 khẩu trang, 900 bộ đồ BHYT, 1.100 tấm chắn, 2.500 băng đeo khẩu trang, 330 chai nước sát khuẩn, 218 thùng mỳ tôm, 25 thùng sữa, 5 thùng mí chính, 3 thùng bánh, 100 suất sữa, 150 xuất quà và các nhu yếu phẩm cho 5 đơn vị làm nhiệm vụ cách ly, trung tâm y tế và địa phương bị phong tỏa, người thân chiến sĩ, y bác sĩ tuyến đầu chống dịch và 3 tỉnh Điện Biên, Bắc Ninh, Bắc Giang, các cháu nhỏ tại Làng trẻ em Birla, các nữ lao động di cư có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp nhận và hỗ trợ 13 tấn nông sản từ Bắc Giang tới các khu cách ly y tế, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hương bởi dịch bệnh
Hội Nông dân Thành phố đã huy động các nguồn lực để ủng hộ công tác phòng chống dịch của địa phương và Thành phố. Kết quả từ ngày 24/7 - 04/8/2021: Hội đã ủng hộ tiền mặt cho các khu cách ly, điểm phong tỏa và các hộ nghèo, hộ khó khăn với số tiền 1,38 tỷ đồng. Hiện vật gồm: 10,4 tấn gạo; 2.474 thùng mì tôm; 3.734 thùng nước uống; 392 thùng sữa; 67.640 quả trứng; 13,4 tấn rau xanh; 2,8 tấn thịt gà, lợn; 5.880 tấm che mặt; gần 435 nghìn chiếc khẩu trang; 5.226 suất ăn miễn phí và nhiều nhu yếu phẩm khác cho các điểm cách ly, phong tỏa và lực lượng tuyến đầu làm công tác phòng chống dịch.
Khánh Quyên
 
Từ khóa: