Hà Nội: Tăng cường kết nối dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật
(LĐXH) - Hưởng ứng Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12), ngày 23/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với Hội Người khuyết tật Thành phố tổ chức Phiên GDVL lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Phiên GDVL được thực hiện đồng bộ trên hệ thống Sàn GDVL Hà Nội, bao gồm: Sàn Trung tâm tại số 215 Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) và 14 Sàn GDVL vệ tinh trên địa bàn Thành phố.
Phiên giao dịch việc làm (GDVL) lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật được tổ chức đã tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động khuyết tật tiếp cận thị trường việc làm, giúp họ tự tin, chủ động tìm kiếm việc làm, học nghề để có thể tham gia vào thị trường lao động.
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tham gia Phiên GDVL có 38 doanh nghiệp (trong đó 15 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật) với nhu cầu tuyển dụng 1.080 chỉ tiêu (trong đó 375 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật).
Cơ hội việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm tuổi 18 - 25 với 465 chỉ tiêu. Sau đó là nhóm 26 - 35 tuổi với 301 chỉ tiêu. Thấp nhất là nhu cầu tuyển lao động ở nhóm tuổi từ 35 trở lên với 124 chỉ tiêu. Phân chia theo trình độ, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm số lượng nhiều nhất với 475 chỉ tiêu; tiếp đến là lao động có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật với 290 chỉ tiêu và cuối cùng là lao động có trình độ đại học, cao đẳng với 125 chỉ tiêu.
Phân chia theo mức thu nhập/tháng, mức thu nhập từ trên 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng có 138 chỉ tiêu, dành cho các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, trưởng phòng, phó phòng… có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, có khả năng chịu được môi trường áp lực công việc cao. Mức thu nhập từ trên 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng có 309 chỉ tiêu. Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: Kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.
Mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng có 423 chỉ tiêu, dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian. Còn lại là mức thu nhập thỏa thuận với 20 chỉ tiêu. Đây là mức mà doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong quá trình phỏng vấn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.
Đáng nói, 15 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật đều là các cơ sở sản xuất, đào tạo có uy tín thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: Công ty TNHH Mỹ nghệ Hồng Ngọc, Công ty TNHH Thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương, Công ty TNHH Xã hội 3/12, Công ty TNHH DNXH Safeviet… với các chỉ tiêu phù hợp và mức lương thỏa đáng: Nghề may, thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp… tạo điều kiện rất thuận lợi cho người lao động khuyết tật tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng, thu nhập ổn định và có thể gắn bó lâu dài.
Từ góc độ nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Kim Khôi (Giám đốc Công ty TNHH Xã hội 3/12) cho biết, đến với Phiên GDVL, đơn vị kỳ vọng có thể thu hút thêm từ 5 đến 10 nhân sự đáp ứng cho hoạt động sản xuất cuối năm. Các ứng viên có thể là người khuyết tật vận động hoặc khuyết tật trí tuệ ở mức độ nhẹ. Theo ông Khôi, doanh nghiệp của ông hiện đang tiếp nhận dạy nghề may, tạo việc làm cho hàng chục lao động là người khuyết tật. Lao động đến đây không chỉ được tạo việc làm mà còn được dạy nghề may cờ; được hỗ trợ học nghề, ăn, ở miễn phí và 500 nghìn đồng/người/tháng. Sau học nghề, thu nhập của người lao động có thể đạt 5 - 8 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca.
Qua ghi nhận, thành phố Hà Nội hiện có hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó hơn 30.000 người có khả năng lao động. Đặc biệt, có người khuyết tật cần cù, khéo léo, có nghị lực vượt khó và khát khao được làm việc để khẳng định bản thân. Họ luôn mong muốn có được việc làm phù hợp, duy trì thu nhập để tự chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật để giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng là việc là nhân văn sâu sắc, đồng thời còn ghi nhận vai trò của người khuyết tật trong đời sống xã hội.
Trong nhiều năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội luôn hợp tác và phối hợp với Hội Người khuyết tật Thành phố tổ chức Phiên GDVL lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Những phiên GDVL này đã mang lại nhiều cơ hội cho người khuyết tật có việc làm; tiếp cận những thông tin đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy của các đơn vị tuyển dụng; hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực việc làm của người khuyết tật; từ đó giúp họ đạt được những ước mơ trong cuộc sống, có thu nhập kinh tế cho bản thân và gia đình./.
Thu Hương
Từ khóa:
-
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
13-01-2025 13:46 21
-
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
13-01-2025 13:46 10
-
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
13-01-2025 12:22 32
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
10-01-2025 19:53 38
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
10-01-2025 08:02 32