Hà Nội: Vốn vay giải quyết việc làm góp phần thu hút, tạo việc làm cho 269.100 lao động
(LĐXH)- Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Hà Nội, từ năm 2020 đến ngày 30/9/2023, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (GQVL) giải ngân qua Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã hỗ trợ vốn cho 257.590 lượt khách hàng, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 269.100 lao động.
Vốn vay giải quyết việc làm góp phần thực hiện 42% kế hoạch giải quyết việc làm của Hà Nội
Đến 30/9/2023, tổng nguồn vốn cho vay GQVL tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đạt 10.440 tỷ đồng tăng 6.750 tỷ đồng so với năm 2019, trong đó nguồn vốn Trung ương: 3.442 tỷ đồng, tăng 2.528 tỷ đồng; Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là 6.998 tỷ đồng, tăng 4.222 tỷ đồng so với năm 2019.
Nguồn vốn cho vay người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (gọi tắt là cho vay xuất khẩu lao động) tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội là 69 triệu đồng (nguồn vốn Trung ương).
Song song với việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, quy định cụ thể của từng chương trình cho vay, hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội… để mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn đều có thể hiểu và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nếu có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Cụ thể: Các thông tin liên quan đến quy trình, thủ tục, quy định cụ thể của từng chương trình tín dụng chính sách, trong đó có chương trình cho vay GQVL, chương trình cho vay xuất khẩu lao động và danh sách khách hàng đang vay vốn đều được niêm yết công khai tại Bảng thông tin tín dụng chính sách đặt trong khuôn viên UBND các xã, phường, thị trấn. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, Chi nhánh NHCSXH thành phố đã phối hợp với các tổ chức, cơ quan liên quan triển khai thực hiện được hơn 5 nghìn sản phẩm truyền thông, trong đó, có 789 sản phẩm trên Đài truyền hình Hà Nội, các báo Trung ương, Thành phố, Cổng Thông tin điện tử Thành phố… và 4.220 sản phẩm truyền thông trên báo, đài, Cổng Thông tin điện tử cấp huyện.
Về kết quả chương trình cho vay vốn GQVL, tổng dư nợ chương trình cho vay GQVL tại NHCSXH Thành phố đến 30/9/2023 đạt 10.440 tỷ đồng với 196.585 khách hàng đang vay vốn, tăng 6.763 tỷ đồng so với năm 2019. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến 30/9/2023, nguồn vốn cho vay GQVL giải ngân qua Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã hỗ trợ vốn cho 257.590 lượt khách hàng, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 269.100 lao động, bình quân mỗi năm góp phần thực hiện 42% kế hoạch giải quyết việc làm của Thành phố.
Công tác kiểm tra, giám sát luôn được quan tâm thực hiện dưới nhiều hình thức với sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội và NHCSXH. Công tác kiểm tra giám sát được thực hiện trực tiếp tại hộ vay, tổ tiết kiệm và vay vốn từ khâu bình xét cho vay, quản lý và sử dụng vốn vay đã giúp các đoàn kiểm tra đánh giá kết quả, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được quản lý chặt chẽ, công tác phân bổ kế hoạch được thực hiện đúng quy trình, công tác bình xét cho vay công khai, minh bạch, người vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Qua đó, đã tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm nguy cơ các tệ nạn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp người vay thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gia đình để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hoàn thành các Chương trình, mục tiêu, Kế hoạch của từng địa phương nói riêng và của Thành phố về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
vay vốn giải quyết việc làm để phát triển mô hình kinh tế trang trại.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay giải quyết việc làm
Cũng theo Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội, nguồn vốn cho vay GQVL mặc dù đã được Thành phố quan tâm bổ sung năm 2023 nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn dẫn đến một số địa bàn có tình trạng chia nhỏ vốn cho nhiều người vay, mức cho vay thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Nguồn vốn còn thiếu để cho vay GQVL trên địa bàn trong năm 2023 và giai đoạn 2024-2025 là 2.600 tỷ đồng. Chính vì vậy, NHCSXH thành phố đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác sang Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội phục vụ cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025, thực hiện tốt Chương trình số 08-CTr/TU và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, góp phần thực hiện mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới của Thành phố giai đoạn 2021-2025. Trong đó, kịp thời chuyển bổ sung 300 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH Thành phố theo Nghị quyết đã ban hành của HĐND thành phố để giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn những tháng cuối năm 2023, và bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2025 là 2.300 tỷ đồng, trong đó, năm 2024 là 1.400 tỷ đồng và năm 2025 là 900 tỷ đồng.
tại hộ gia đình anh Nguyễn Thành Quang ở thôn Sổ Tơ, xã Yên Trung.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 04/8/2017 của UBND Thành phố về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua NHCSXH cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội đảm bảo phù hợp với tình hình triển khai thực tế và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Theo đó, bổ sung đối tượng được vay vốn chương trình cho vay xuất khẩu lao động từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua NHCSXH Thành phố gồm: người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo chuẩn Thành phố; người lao động cư trú hợp pháp tại các huyện ngoại thành./.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
13-01-2025 13:46 21
-
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
13-01-2025 13:46 10
-
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
13-01-2025 12:22 32
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
10-01-2025 19:53 38
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
10-01-2025 08:02 32