Hà Nội xây dựng mô hình chuẩn về cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân
(LĐXH)-Để góp phần nâng cao chất lượng dân số của Thủ đô, Chi cục Dân số Hà Nội đã lựa chọn quận Bắc Từ Liêm thực hiện thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Từ mô hình thí điểm thành công, sẽ tiến tới nhân rộng trên địa bàn toàn Thành phố Hà Nội.
Nên khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu từ 3-6 tháng trước khi kết hôn
Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Các bệnh thường gặp là hội chứng Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tan máu bẩm sinh nặng…
Riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương ghi nhận có trên 20.000 người bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) mức độ nặng, cần phải điều trị cả đời. Ngoài ra, mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra bị bệnh Thalassemia. Chi phí điều trị trung bình của một bệnh nhân thể nặng khi sinh đến 30 tuổi khoảng 3 tỷ đồng.
Trong khi nếu các cặp vợ chồng được khám sàng lọc trước hôn nhân sẽ giúp phát hiện các rối loạn di truyền, như: Bệnh máu khó đông, Thalassemia, rối loạn chuyển hóa, chậm phát triển trí tuệ…
Các chuyên gia y tế cũng đưa ra khuyến cáo, cả nam giới và phụ nữ nên khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu từ 3 đến 6 tháng trước khi kết hôn. Việc này giúp các cặp vợ chồng phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được hệ lụy trong cuộc sống và tương lai thế hệ sau.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Thành phố chưa có sự kết nối giữa những người có nhu cầu khám sức khỏe trước kết hôn với các cơ sở y tế. Nhiều người sau khi được tư vấn, tuyên truyền khám sức khỏe trước kết hôn nhưng không biết khám ở đâu, khám những gì. Thậm chí, có người đi khám sức khỏe thông thường cũng tưởng là đã được khám sức khỏe trước kết hôn.
Từ năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định về việc phê duyệt đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, trong đó chỉ tiêu đề án giao là tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến năm 2025 đạt ít nhất 85% và năm 2030 đạt ít nhất 95%.
Triển khai mô hình chuẩn, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng dân số
Để nâng cao tỷ lệ nam, nữ được khám sức khoẻ trước khi kết hôn theo chỉ tiêu đề án giao, Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch triển khai mô hình thí điểm về công tác này trong năm 2024.
Được sự chỉ đạo của Sở Y tế, Chi cục Dân số Hà Nội đã lựa chọn quận Bắc Từ Liêm thực hiện thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Từ tháng 4/2024, Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mô hình thí điểm này.
Mục đích của mô hình nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Từ mô hình thí điểm, sẽ tiến tới nhân rộng trên địa bàn toàn Thành phố để góp phần nâng cao chất lượng dân số của Thủ đô.
Sau 5 tháng thực hiện, quận Bắc Từ Liêm đã tập trung vào các nhiệm vụ, gồm: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chi tiết, sắp xếp, trang trí phòng tư vấn, tài liệu truyền thông... bảo đảm quy định về chuyên môn, đáp ứng quyền được tiếp cận thông tin, quyền được cung cấp dịch vụ, quyền riêng tư, quyền được giữ bí mật thông tin cá nhân và một số quyền cơ bản khác.
Ngoài ra, tại phòng tư vấn của Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm đã thực hiện tư vấn trực tiếp cho 64 người, đồng thời tư vấn qua điện thoại được 156 cuộc. Đối tượng tư vấn trong độ tuổi từ 16 đến 30, hầu hết là các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con và các bạn học sinh, sinh viên.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội Vũ Duy Hưng, từ lâu, thành phố đã triển khai công tác tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đến 30 quận, huyện, thị xã. Việc triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn năm 2024 tại Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm là mong muốn xây dựng một mô hình chuẩn về vấn đề này. Người dân sau khi được tư vấn sẽ biết cần phải khám những gì, khám ở đâu để mang lại hiệu quả.
“Để hoạt động này mang lại hiệu quả, cơ quan chức năng của quận cần thống kê, báo cáo định kỳ về số lượng nam, nữ chuẩn bị kết hôn để tuyên truyền, vận động họ thực hiện tư vấn và khám sức khỏe. Đồng thời, cơ quan y tế cần quản lý các trường hợp có nghi ngờ mắc bệnh lý di truyền theo kết luận của bác sĩ chuyên khoa, tiếp tục tuyên truyền, cung cấp kiến thức để người dân chủ động phòng tránh nguy cơ. Từ mô hình thí điểm, chúng tôi sẽ nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố để góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng dân số của Thủ đô”, ông Vũ Duy Hưng nhấn mạnh.
Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội Vũ Duy Hưng cho biết, chất lượng dân số Thủ đô đã từng bước được nâng cao, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn.
Đặc biệt, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn tăng lên hằng năm. Năm 2022, tỷ lệ này chỉ đạt 31,9% thì đến năm 2023 tăng lên 53,7% và trong 6 tháng năm 2024 đã đạt 63%.
Mỹ Hạnh
-
Hà Nội: Gia tăng số ca mắc sởi, nguy cơ lây lan rộng
05-01-2025 11:52 30
-
Ngày 3/1, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới
03-01-2025 13:09 17
-
Prudential khởi động Chương trình “Tăng cường sức khỏe chủ động” nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và kỹ năng phòng chống dịch bệnh
03-01-2025 10:10 55
-
Lấy vợ kém 16 tuổi, bí quyết luôn phong độ của NSND Trọng Trinh
27-12-2024 13:25 58
-
Tiếp cận y tế toàn diện – vì một Việt Nam khỏe mạnh
26-12-2024 18:37 02
-
Chuyện tình mẹ đơn thân lấy chồng kém 11 tuổi
26-12-2024 08:42 17